Người về từ Gạc Ma - Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống.

03/12/2015
Trong số 64 liệt sĩ của nhiều miền quê hy sinh khi Trung Quốc bất ngờ tấn công đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14/3/1988 thì tỉnh Quảng Bình có 13 người. Còn trong 9 chiến sĩ may mắn sống sót trở về thì Quảng Bình cũng lại có 3 người. Ký ức chiến tranh và năm tháng giam cầm đã in sâu vào máu thịt của những người trở về từ cõi chết.
"NGƯỜI CHẾT" TRỞ VỀ.
Bà con chợ Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nhiều người vẫn nhớ về mùa hè năm 1988. Dân làng bất ngờ khi giấy báo tử gởi về địa phương ghi rõ: “Đồng chí Nguyễn Văn Thống đã mất tích ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa... được xác nhận hưởng quyền lợi gia đình liệt sĩ".
 
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống.
 
Tiếp đó ngày 28/3/1988 gia đình liệt sĩ Thống lại nhận được "Thư Bộ Tư lệnh Hải quân gửi các gia đình quân nhân mất tích" do Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng ký tên và đóng dấu. Thư có đoạn viết : “Từ đầu năm 1988 đến nay Trung Quốc đã ngang nhiên huy động một lực lượng lớn tàu thuyền các loại đánh chiếm bãi đá ngầm... thuộc quần đảo Trường Sa. Đặc biệt nghiêm trọng ngày 14/3/1988... Để biến đau thương thành hành động cách mạng, Tổ quốc ta, nhân dân ta và gia đình ta "khắc cốt ghi xương" tội ác mới man rợ của nhà cầm quyền Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa".
Khi nhận được giấy báo tử, cả gia đình anh Nguyễn Văn Thống đau xót vô cùng. Làng xóm hay tin ai cũng tiếc thương, nhớ về một chàng thanh niên vùng biển đẹp trai, hiền lành và khi vào lính vẫn còn độc thân. Xã Nhân Trạch tổ chức lễ truy điệu cho anh, gia đình làm lễ gọi hồn anh từ biển. Làng trên xóm dưới ai cũng đến chia buồn và mọi người càng thêm căm hận những tội ác xâm lược Việt Nam của quân Trung Quốc.
Đến ngày 10/11/1988 gia đình lại nhận được biên bản kiểm kê di vật và tiền riêng của liệt sĩ, Trung sĩ Nguyễn Văn Thống, gồm 1 bộ quân phục, một quần lót, một đôi giày và một đôi bít tất. Cả nhà lại khóc ngất. Không còn nghi ngờ gì nữa, anh Thống chắc chắn đã hy sinh, nếu không  đã trở về.
Nhưng rồi khoảng ba năm rưỡi sau, anh Thống về quê bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Gia đình, xóm làng một phen xáo động khi "người chết"  đột ngột hiện ra giữa xóm làng với thương tật đầy mình của một thương binh nặng nhất, loại 1/4.
Tôi gặp anh Nguyễn Văn Thống trong một trưa hè chói chang tại ngôi nhà nằm cạnh chợ Nhân Trạch. Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua mà dấu vết chiến tranh vẫn in hằn lên cuộc đời người cựu chiến binh. Tôi hỏi chuyện: “Anh vẫn nhớ trận đánh Gạc Ma chứ?"-anh đáp: " Tôi vẫn nhớ chuyện đời lính, nhất là trận chiến này, làm sao quên được. Tôi nhập ngũ tháng 8/1985, là lính Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83, Bộ Tư lệnh Hải quân. Sáng hôm đó, 14/3/1988, quân Trung Quốc bất ngờ tấn công lên đảo Gạc Ma. Địch muốn giật cờ của ta và chiếm đảo. Chúng chuẩn bị từ trước, chủ động tấn công, hỏa lực mạnh. Bộ đội ta tuy bất ngờ nhưng đã kháng cự anh dũng. Tôi còn nhớ hình ảnh cuối cùng trước khi mình gục xuống là anh Phương (Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, cũng là người Quảng Bình) bị địch bắn chết. Trước lúc hy sinh anh còn nắm chặt lá cờ Tổ quốc. Sau đó tôi ngất đi, không còn biết gì nữa".
Sau hai tháng trời nằm mê man trong tình trạng thập tử nhất sinh, anh Thống dần dần tỉnh lại. Rồi anh cũng biết mình đã thành tù binh của Trung Quốc, đang ở bán đảo Lôi Châu. Anh bị thương nặng nên còn điều trị ở bệnh viện. Bác sĩ định cưa tay, cưa chân  nhưng anh không chịu. Sau hàng trăm ngày vật lộn với tử thần, anh được y tá cho mượn gương để soi. Anh không tin nổi vào mắt mình. Trong gương là một bộ xương ngo ngoe cử động không ra hình dáng con người. Khi anh bình phục thì bị đưa về trại giam cùng một số đồng đội.
Tôi hỏi chuyện trại giam, anh kể : “Thì khi mình vào trại giam, nó (Trung Quốc) hỏi cung nhiều, đặc biệt là chuyện trên đảo. Minh nói mình mới đến chẳng biết gì cả. Nó dọa dẫm ghê lắm, nhưng anh em mình tinh thần vẫn vững, không khai báo lung tung. Còn ăn thì cơm, bánh bao gọi là qua bữa, tù binh mà lại. Nhiều lúc bức xúc  quá phát khùng  gây gổ với cai ngục, cứ nghĩ đằng nào thì cũng chết. Đánh nhau với nó mà chết cũng được, chết như một người lính. Tôi còn nhớ có một anh người Hà Nam, bị giam lâu ngày bí bách quá tìm cách vượt ngục. Anh xé quần áo kết thành sợi dây, nối từ tầng hai xuống, thừa lúc sơ hở mà trốn thoát ra ngoài. Nhưng chỉ mấy hôm sau lại bị bắt. Lôi Châu là bán đảo, ba bề là nước, mình ra rồi cũng chả biết đi đâu, sớm muộn cũng bị bắt lại. Mà khi ấy thì thật khó yên thân”.
Tháng ngày ngục tù cứ nặng nề trôi qua cho đến một hôm có đoàn Chữ thập đỏ quốc tế vào thăm. Bọn cai ngục dặn trước tù binh Việt Nam phải nói rằng mình sang xâm lược Trung Quốc nên bị bắt. Bộ đội ta không chịu bảo Trung Quốc xâm lược Việt Nam nên phải đánh trả, ai hỏi cũng trả lời như thế. Bọn chúng phải chịu thua. Sợ dư luận quốc tế, Trung Quốc cho tù binh được gởi thư về nhà nhưng chỉ được viết vẻn vẹn hai mươi lăm chữ, nội dung: “con đang ở Trung Quốc, gia đình cứ yên tâm...”.
Đến năm 1991 thì các anh được trao trả về Việt Nam. Riêng anh Thống nghĩ mình là thương binh nặng, chưa có vợ con, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình mà muốn vào trại điều dưỡng sống trọn đời với anh em cùng cảnh ngộ. Nhưng khi đơn vị động viên, anh đã về với gia đình.
Một năm sau thì anh cưới vợ, chị tên là Phạm Thị Thuyết, một người vợ hiền chịu thương chịu khó từ bấy đến nay. Họ có với nhau hai mặt con.
 
ĐỜI THƯỜNG HÔM NAY.
Khi tôi gặp anh Thống mới biết người thương binh này vừa mới đi bệnh viện về. Hỏi ra mới biết vết thương cũ ở chân anh tái phát, phải điều trị nhưng vẫn chưa khỏi. Anh bảo: “Thấy chân đau, tôi cứ để vậy, nghĩ là trái gió trở trời. Nhưng khi đi khám, bác sĩ nói rằng chân bị nhiễm trùng ở vết thương, phải điều trị. Nếu không nhiễm trùng máu thì chết, bỏ vợ bỏ con. Vậy là tôi phải đi lên bệnh viện thị trấn Hoàn Lão mấy hôm nay, cứ chạy đi chạy về. Mà chân thì đau, con thì mới qua tuổi học sinh, không có bằng lái, vợ phải lo buôn bán kiếm sống qua ngày".
Tôi ngạc nhiên, hỏi lại : “Vết thương anh bị lâu năm rồi, nếu điều trị ở bệnh viện tuyến huyện liệu có trở ngại gì không?". Anh đáp:" Thì thẻ bảo hiểm quy định như vậy, mình phải theo. Nếu đi trái tuyến thì mình phải bỏ tiền, lại thêm khó khăn. Giá như nhà nước linh động cho thương bệnh binh nặng được khám, chữa bệnh ở những bệnh viện tốt hơn theo bảo hiểm thì đỡ khổ cho chúng tôi biết mấy. Đó có phải là đòi hỏi quá đáng không anh?".
Tôi chỉ còn biết lắc đầu. Tôi nhìn quanh ngôi nhà nhỏ của anh. Cả một gia đình bốn người phải sống trong căn nhà cấp bốn chật chội đã xuống cấp từ lâu. Ngôi nhà nhỏ bé này vừa dùng làm nơi sinh hoạt, vừa để vợ anh bán gạo và muối, kiếm thêm thu nhập phụ vào đồng lương thương binh để đắp đổi qua ngày. Khi nghe tôi hỏi từ khi anh cưới vợ đến nay có cơ quan đơn vị nào quan tâm đến chuyện hỗ trợ xây nhà tình nghĩa không, chị nói ngay: “Khi vợ chồng tôi làm nhà này xã có hỗ trợ cho 5 trăm ngàn. Còn thì mấy chục năm qua, chẳng ai hỏi han chuyện ấy”. Ngồi nói chuyện trong nhà mà ai cũng vã mồ hôi như đang đứng ngoài trời.
Trò chuyện một lúc, tôi hỏi thêm tâm tư nguyện vọng của một người lính về giữa đời thường. Anh nói giản dị: “Gia đình tôi vẫn sống thế thôi. Vật chất thì biết mấy là đủ. Tôi chỉ mong muốn có dịp được gặp lại tất cả những đồng đội còn sống sau trận chiến Gạc Ma. Nói là tất cả nhưng chỉ còn tám người, một anh ung thư đã mất. Không biết ước nguyện này có thực hiện được không?".
Hôm ấy, khi viết những dòng này thì tôi có điện thoại hỏi thăm anh về vết thương cũ tái phát. Nhưng chưa gặp được anh, nghe con anh bảo bố đã điều trị hai chục ngày rồi mà không thấy thuyên giảm.
Tôi lại nhớ một thầy giáo già về hưu nói rằng biên cương, biển đảo, trong đó có Gạc Ma không chỉ là chuyện của những người ngã xuống hôm qua mà còn là chuyện của người sống sót trở về. Đó là câu chuyện của hôm nay, của ngay bây giờ, của những người đang sống...
PHẠM XUÂN DŨNG
(Đài PT-TH Quảng Trị )
Các tin liên quan