Cựu binh ôn kỷ niệm “60 ngày đêm giam chân địch” tại Hà Nội năm 1946.

12/12/2016
Ánh sáng đèn nhà máy điện Yên Phụ vụt tắt, pháo đại bác bắn vào thực dân Pháp trong thành Hà Nội báo hiệu cuộc kháng chiến 'quyết tử cho tổ quốc quyết sinh' cách đây 70 năm.
Sáng 11/12, nhân kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến, hàng trăm tướng lĩnh Quân đội, Công an đã nghỉ hưu cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng của những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
 
 Trung tướng Khuất Duy Tiến phát biểu tại buổi gặp mặt sáng 11/12. Ảnh: Thanh Tâm.

Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại, thời điểm này, cách đây 70 năm, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội là địa phương mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc lúc 20h33 ngày 19/12/1946.
“Khi ánh sáng đèn của nhà máy điện Yên Phụ vụt tắt, những phát đại bác từ pháo đài Láng bắn vào quân Pháp trong thành Hà Nội báo hiệu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta bắt đầu”, Trung tướng kể.
Người cựu binh từng là Hiệu trưởng Trường Sỹ quan lục quân 1 (ĐH Trần Quốc Tuấn) cho biết, khi đó ông là một thanh niên mới được giác ngộ tham gia công tác địa phương nhưng cho đến giờ ông vẫn giữ trong tim những kỷ niệm, khí thế của ngày đầu kháng chiến. "Kỷ niệm về lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh như lời hịch thiêng liêng của núi sông, lay động lòng người, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…".
Nguyên Tư lệnh quân khu thủ đô, trung tướng Chu Duy Kính kể: “Đêm hôm đó tôi đang ở Ngã Tư Sở, thấy đại bác bắn từ pháo đài Láng. Mỗi phát đại bác nổ sáng rực một góc trời Hà Nội, nhìn rất oai hùng.
Ông Kính, khi ấy mới 16 tuổi, không nghĩ rằng cuộc kháng chiến được bắt đầu với những hình ảnh hùng dũng đến như vậy. Cả 4 pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Thổ Khối nã đạn vào quân đồn trú trong nội thành Hà Nội.
 
 Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Tư lệnh quân khu thủ đô. Ảnh: Thanh Tâm.

Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Tư lệnh quân khu thủ đô. Ảnh: Thanh Tâm.
“Không biết có trúng mục tiêu hay không vì pháo cao xạ chuyển sang làm pháo mặt đất nhưng riêng tiếng pháo đó đã cổ vũ tinh thần quân ta, làm thực dân Pháp hốt hoảng. Tôi ra xem trận địa pháo thấy bắn pháo nhiều đến mức những cây chuối của dân vàng khè”, trung tướng Kính tả lại.
Sau 60 ngày đêm chiến đấu, cùng đoàn quân rút khỏi Hà Nội, cũng như bao người lính khác, chàng thanh niên Chu Duy Kính mang theo “niềm tin nhất định sẽ chiến thắng và trở lại Hà Nội”.
 
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ảnh: Thanh Tâm.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, cuộc chiến đấu ngoan cường 60 ngày đêm “giam chân” địch ở thủ đô là khoảng thời gian tuy không dài trong lịch sử, song tầm vóc và ý nghĩa của cuộc chiến đấu Mùa đông năm 1946 mãi mãi là niềm tự hào, là bản anh hùng ca về ý chí quật cường, tinh thần gan dạ, dũng cảm, sáng tạo, là bài học vô cùng quý báu về sự kết hợp tinh thần yêu nước với nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Hình ảnh những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ghi tạc vào lịch sử của Thủ đô và đất nước”, ông Hải nói.
 
Võ Hải - Thanh Tâm.

Các tin liên quan