Cần có chế tài nghiêm để nâng cao đạo đức công vụ

04/06/2017
(Thanhuytphcm.vn) – Tại Tọa đàm “Nâng cao trách nhiệm thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại TPHCM” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 2/6, các đại biểu đã đặt vấn đề về việc nghiêm túc nhìn nhận thực trạng đạo đức công vụ hiện nay cũng như quyết tâm tìm kiếm giải pháp hiệu quả chấn chỉnh, nâng cao đạo đức công vụ để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức viên chức của TP thực sự là những “công bộc của dân” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
 Cần “Luật hóa” đạo đức công vụ 
 
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm suy nghĩ về quy chế công chức và đạo đức công vụ và đã ký Sắc lệnh 76/SL ban hành Quy chế công chức Việt Nam vào ngày 20/5/1950. Đồng thời, bản thân Người chính là tấm gương mẫu mực về đạo đức công vụ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức học tập và làm theo Bác chính là không ngừng nâng cao đạo đức công vụ” - PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng, Trưởng Bộ phận chuyên trách Chỉ thị 05 - Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin khi mở đầu buổi tọa đàm. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải luôn: “Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo”. Đến nay, đó vẫn là kim chỉ nam trong ứng xử của người cán bộ, công chức, viên chức đối với nhân dân.
  
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa cũng cho rằng hiện nay, chúng ta có nhiều quy định về các hành vi được phép thực hiện và những hành vi nghiêm cấm không được làm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong Hiến pháp, một số chỉ thị, nghị quyết, văn bản luật… nhưng lại chưa rõ chế tài, chưa rõ cơ quan chịu trách nhiệm xử lý các vi phạm nên hiệu quả thực thi chưa cao. “Vì vậy, phải có những quy định về đạo đức công vụ kèm theo chế tài phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay. Điều đó cũng chính là chúng ta đang hiện thực hóa ý chí, quyết tâm hành động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa nhận định.
 
Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng cho rằng, việc cụ thể hóa và “luật hóa” các quy định về đạo đức công vụ, hình thành cơ chế giám sát chặt chẽ, có chế tài nghiêm minh là biện pháp cần thiết để nâng cao đạo đức công vụ. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện, công khai, minh bạch cơ chế tuyển chọn, tuyển dụng công chức và nên có quy định về vấn đề từ chức. Cũng như thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi quy trình hành chính không còn phù hợp, kiên quyết loại bỏ những thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho nhân dân.
 
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực thẳng thắn nêu lên một thực trạng có thật và đáng báo động là: nhân dân dần mất niềm tin vào quản lý điều hành của Nhà nước mà bắt nguồn từ sự tha hóa đạo đức công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức. Đề xuất giải pháp, đồng chí Phạm Chánh Trực cho rằng cần xây dựng và thực hiện đúng đắn, nghiêm minh mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý là biện pháp cơ bản nhất, trong đó xây dựng Đảng có ý nghĩa quyết định nhất, và yếu tố quan trọng trước tiên là xây dựng dân chủ trong Đảng. Cùng với đó là đổi mới cơ chế hoạt động của hệ thống nhà nước và chính quyền các cấp mà trước hết là cải cách bộ máy hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tinh giản công đoạn thừa, biên chế thừa, chuẩn hóa cán bộ; phát huy cơ chế kiểm tra giám sát ở 3 cấp độ: HĐND, MTTQ và các đoàn thể, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Đặc biệt cần cải cách chế độ lương và thu nhập hợp lý để cán bộ, công chức, viên chức an tâm cống hiến.
 
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Phát biểu tham luận tại tọa đàm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phạm Phương Thảo đặc biệt quan tâm đến vai trò người đứng đầu trong xây dựng đạo đức công vụ và cho rằng, người đứng đầu là người có quyền và trách nhiệm đối với công việc được giao lãnh đạo, quản lý, nếu có năng lực, phẩm chất đạo đức thì khả năng tập hợp, tác dụng và sự ảnh hưởng sẽ lớn, có lợi cho việc chung”. “Để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, để người đứng đầu làm nòng cốt trong việc nâng cao đạo đức công vụ, cần được giao đầy đủ quyền hạn và điều kiện cần để giải quyết, xử lý hơn là chỉ “tham mưu”; luôn gắn thẩm quyền với trách nhiệm người đứng đầu với tinh thần quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó, lấy kết quả công việc làm cơ sở đánh giá cán bộ; đảm bảo công khai, minh bạch trong tuyển chọn, sử dụng cán bộ sao cho thu hút được những người giỏi, kể cả người ngoài Đảng” - đồng chí Phạm Phương Thảo nêu ý kiến.

TS. Nguyễn Việt Hùng (Trưởng Khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TPHCM) cho rằng, để nâng cao đạo đức công vụ cũng như hiệu quả việc học tập và làm theo Bác thì điểm mấu chốt là người đứng đầu cần nêu gương. “Những năm qua, chúng ta quá chú trọng bồi dưỡng nhận thức qua nhiều chỉ thị, hội nghị nhưng lại xem nhẹ việc điều chỉnh hành vi khiến không định lượng được sự tiến bộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Như nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt vẫn có những hành vi không tương xứng với vị trí. Vì vậy, cần xây dựng môi trường văn hóa trong Đảng, trong chính quyền, trong cơ quan đơn vị, trong từng xã ấp; đồng bộ hóa quy chuẩn đạo đức với quy chuẩn pháp lý, cụ thể hóa các tiêu chí để định lượng và đánh giá được sự chuyển biến trong đạo đức công vụ cũng như kiểm soát được quyền lực người đứng đầu”, TS.Nguyễn Việt Hùng đề xuất.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư đánh giá cao tham luận của các đại biểu gửi về tọa đàm, trong đó nhiều bài tham luận đã đề cập đến những nội dung quan trọng về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng đạo đức công vụ; những giải pháp xây dựng và thực hiện có hiệu quả đạo đức công vụ gắn với học tập và làm theo Bác…

Trong những kiến nghị, đề xuất thực hiện hiệu quả đạo đức công vụ tại TPHCM nói riêng, cả nước nói chung, đồng chí Thân Thị Thư cho rằng, nhiều tham luận đã đi sâu vào 6 nội dung sát với thực tế hiện nay. Trong đó, cần sớm xây dựng Luật Đạo đức công vụ, quy định các vấn đề về giá trị cốt lõi của nền công vụ, các chuẩn mực của cán bộ, đảng viên trên các phương diện; phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội trong việc nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử phạt nghiêm hành vi vi phạm đạo đức công vụ; thực hiện công khai hóa quy trình tuyển chọn, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức; kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, thủ tục rườm rà, chồng chéo, nhằm tránh tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng kẽ hở từ những quy định pháp luật và vận dụng tùy tiện vào công việc.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư cho biết, Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ tổng hợp một cách đầy đủ, có đề xuất cụ thể báo cáo Thường vụ Thành ủy để Thường vụ có chỉ đạo sâu về nội dung này, tiến tới xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chuẩn mực đạo đức công vụ, đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân.
 
Ngọc Tuyết - Long Hồ
Các tin liên quan