“ THƯỜNG XUYÊN NHƯ RỬA MẶT HÀNG NGÀY”

09/12/2017

Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mục đích, yêu cầu của việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được xác định cao hơn, phạm vi rộng hơn so với Chỉ thị 06-CT/TW và Chỉ thị 03-CT/TW. Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức. 

Trong nhiều tác phẩm, Bác Hồ đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc tự phê bình và phê bình, bởi theo Bác, để tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm thì “ Thang thuốc tốt nhất là thiết thực tự phê bình và phê bình”. Bác đã dạy rằng “ Mỗi cán bộ đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế, thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ khoẻ mạnh vô cùng. Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới, như thế thì có khác gì người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho mà soi, lúc đó chẳng cần ai khuyên bảo cũng tự vội vàng đi rửa mặt…”. Đã có rất nhiều những mẩu chuyện kể về tấm gương tự phê bình và phê bình mẫu mực của Bác, như câu chuyện kể dưới đây:

Năm 1945, khi chỉ mới giành chính quyền được vài tháng, trên cương vị Chủ tịch nước, Bác đã có bức thư tự phê bình hết sức cảm động gửi đồng bào cả nước “ Vì yêu mến và tin cậy tôi, mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ hạnh phúc của nhân dân… Chỉ vì tôi tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào”. Trong hoàn cảnh thế nước “ngàn cân treo sợi tóc” thực tế đã có những thành tựu to lớn đã nói lên sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt và công lao to lớn của Bác đối với toàn dân tộc như việc  xây dựng nền độc lập nước nhà, ra sức tăng gia sản xuất và tìm mọi cách cứu nạn đói miền Bắc, lãnh đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam, tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta… Thế nhưng, Bác vẫn tự phê bình trước đồng bào cả nước vì “ tuy Chính phủ ra sức sửa sang, song nhiều nơi chính trị vẫn chưa vào lề lối, tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch. Bác còn nói “ những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm trên là lỗi tại tôi”. Thật cảm động biết bao trước việc làm cao cả của Bác Hồ, vị Chủ tịch nước, một tấm gương tuyệt vời của một nhân cách lớn để toàn Đảng và toàn dân ta noi theo. Đã hơn nữa thế kỷ qua, lá thư tự phê bình của Bác vẫn còn là bài học quý báu đối với tất cả chúng ta hôm nay.

Năm 1950, được báo cáo ở Liên Khu IV, nhiều địa phương dùng những biện pháp cưỡng bức để huy động sức người, sức của, thậm chí có nơi bắt bớ dân, làm cho dân bất bình, Bác đã gửi thư cho đồng bào Liên khu IV tự phê bình “ Nghe các ông thanh tra báo cáo lại những việc đó, tôi rất đau lòng! Dù Chính phủ đã ra lệnh trừng trị những cán bộ đó, tôi thật thà xin lỗi những đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi- là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo”. Đây cũng chính là tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình cho cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành về trách nhiệm không thể thoái thác đối với những sai phạm của cán bộ dưới quyền mình.

Theo Bác “ Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn” Tự phê bình là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Điều đó nói thì dễ,  nhưng làm thì khó. Khó là vì con người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình thì mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị. Điều đó khác nào có bệnh mà giấu bệnh, để bệnh càng nặng không chữa được nữa thì chết. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm càng ngày càng to, đến khi to quá, không sửa chữa được nữa, thì mọi việc đều hỏng.

Bác cũng đã từng phê phán những kẻ muốn trốn tránh tự phê bình và phê bình bằng luận điểm: “ Nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và của Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta”. Bác đã phân tích “ Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng giống như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “ cũng la lết quả dưa””. Tự phê bình và phê bình đúng cách như Bác Hồ quan niệm, luôn có thể góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng được nhiệm vụ Cách mạng giao cho. “Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét mà sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”.

Theo Bác, tự phê bình và phê bình là phải có tình đồng chí thương yêu nhau. Phê bình phải triệt để, không nể nang, không thêm, không bớt, không dùng những lời mỉa mai, cay độc, châm chọc, phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Phê bình phải căn cứ vào việc làm, chứ không suy diễn, quy kết, không lợi dụng để “ đập cho tơi bời”, để đạt mục đích tự tư, tự lợi, thái độ “ dĩ hoà vi quý” và cực đoan, máy móc.

Thực tế hiện nay cho thấy, nơi nào luôn đề cao tự phê bình và phê bình thì ở đó, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, đảng viên không ngừng được nâng lên, ngược lại những cơ sở Đảng yếu kém, bao giờ cũng có nguyên nhân không thường xuyên thực hiện tốt và đúng tự phê bình và phê bình.

Như vậy, tự phê bình và phê bình là quy luật căn bản để một tổ chức chính trị xã hội tồn tại và phát triển, là vũ khí sắc bén và hữu hiệu trong công tác xây dựng Đảng. Những lời dạy của Bác về tự phê bình và phê bình cho tới hôm nay vẫn còn nguyên ý nghiã thời sự đối với mọi cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, để tự phê bình và phê bình đạt được kết quả mong muốn là điều không phải dễ. Bởi vì hiện nay, trong chúng ta có không ít người chỉ thiên về vạch khuyết điểm của người khác theo kiểu “ bới lông tìm vết” để tìm cách giảm uy tín của nhau nhất là ở các thời điểm nhạy cảm như sắp diễn ra đại hội hay sắp xem xét bổ nhiệm chức vụ, đề bạt cán bộ.  Nếu không thì lại có quan điểm “ dĩ hoà vi quý”, bởi vì cán bộ, đảng viên ta vẫn còn hay “ cả nể”, “ tôi không đụng đến anh thì anh cũng đừng đụnh đến tôi”. Biết phê bình đã khó, biết tự phê bình lại càng khó hơn. Vì thói thường ai cũng thích nghe lời khen ngọt ngào hơn là lời chê ý trách, càng không muốn vạch áo cho người xem lưng.

Vậy làm sao để làm tốt và làm đúng việc phê bình mình trước, phê bình người sau, làm sao để không còn tình trạng những khuyết điểm thường được ghi trong các bảng tự kiểm là  “Còn chưa mạnh dạn trong công tác phê và tự phê bình”:

Để làm được điều đó phải cố gắng thực hiện được lời dạy của Bác là: đối tượng cần phê bình là công việc chứ không phải là phê người, khi phê bình ai thì không đao to búa lớn, muốn cho họ thành tâm sửa chữa, phải tiến hành giải thích rõ ràng, làm cho họ tự nhận thấy sai sót của mình để vui lòng sửa chữa. Cần giúp cho từng cán bộ , đảng viên, nhất là những đảng viên trẻ hiểu rõ được nguyên nhân tại sao phải tiến hành tự phê bình và phê bình. Nếu làm tốt công tác phê bình với tình đồng chí góp ý, phê bình một cách chân thành, thẳng thắn, không tránh né, sẽ giúp nhau tránh được những sai lầm, những thói hư, tật xấu để cùng nhau tiến bộ. Cũng tương tự như vậy, nếu có tinh thần trung thực, dũng cảm, dám đứng lên nhìn thẳng sự thật, nhận ra những khuyết điểm, thiếu sót đã mắc phải, thì cũng sẽ có thể khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm đó.

Qua năm tháng, những lời dạy của Bác Hồ vẫn giữ nguyên giá trị, sâu sắc và trường tồn với sự nghiệp phát triển của đất nước; trong đó bài học về “ Tự phê bình và phê bình” càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong giai đoạn hiện tại, khi mà Đảng ta đang tiến hành đổi mới, nâng cao năng lực và sức chiến đấu để có thể đảm đương trọng trách chèo lái con thuyền đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi sâu sắc.

 

                                                         ĐỖ THỊ THÙY LINH

(Đảng bộ Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Sài Gòn)