Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định: Khúc tráng ca Xuân Mậu Thân 1968

06/02/2018
Lời Tòa soạn: Ngày 28/1, Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Trang tin Điện tử Đảng bộ TP trân trọng giới thiệu tham luận của đồng chí Thân Thị Thư-Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.
(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 23 tháng 9 năm 1945, sau chỉ 28 ngày được hưởng độc lập, tiếng súng kháng chiến vang lên tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nơi trung tâm đầu não, sào huyệt của kẻ thù, nơi mà ngọn lửa chiến tranh thổi bùng lên tinh thần quật cường bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, nơi bừng sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng và cũng là chiến trường chính của một lực lượng đặc biệt, lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Đó là những chiến sĩ với ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, không hề khuất phục trước kẻ thù xâm lược dù cho phải bị đòn roi, tra tấn dã man, dù cho có phải hy sinh cả tính mạng. Lực lượng ấy đã tung hoành ngay giữa Sài Gòn, lập nên biết bao chiến công hiển hách mà đỉnh cao là trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của những chiến sĩ biệt động trong ngày Xuân năm ấy đã gây rúng động từ Tòa Bạch Ốc đến Ngũ Giác Đài, làm lay động biết bao nhiêu trái tim yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới và góp phần đánh quỵ mưu đồ xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. 

Biệt động Sài Gòn – Gia Định, đội quân sinh ra từ nhân dân và tung hoành giữa những nơi được kẻ thù bảo vệ nghiêm ngặt nhất

Ra đời từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Lực lượng Biệt động đã có ba mươi năm tung hoành ngay tại trung tâm đầu não, sào huyệt của kẻ thù. Chiến đấu trong những tình thế khó khăn nhất, ngặt nghèo nhất. Vượt qua sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù ngay tại trung tâm chỉ huy của chúng, lực lượng biệt động đã ngày càng trưởng thành, đã xây dựng được cơ sở, xây dựng được chỗ đứng chân, hay nói cách khác là xây dựng được hậu phương của mình ngay trong lòng địch. Trong suốt ba mươi năm ấy, những chiến sĩ Biệt động Thành đã không quản khó khăn, gian khổ, ác liệt, phát huy cao nhất tinh thần chủ động, sáng tạo trong chiến đấu, nâng cao hiệu quả sử dụng vũ khí, trang bị để tìm ra cách đánh phù hợp, hiệu quả, lập nên những chiến công vang dội.

Những chiến sĩ biệt động và lực lượng tham gia công tác bảo đảm chiến đấu xuất thân từ con em lao động, những anh đạp xe xích lô, những học sinh sinh viên, những tiểu thương, nghệ sĩ, công chức, có cả những người trong quân đội Sài Gòn, mang trong mình khát vọng độc lập tự do, họ hằng ngày chứng kiến quê hương rên xiết dưới gót giày tàn ác của kẻ thù, họ tự khắc sâu lòng căm thù, họ tự động viên nhau, họ tự gia nhập đội ngũ này, họ tự nguyện hoàn toàn, tự nguyện hiến dâng cuộc sống của mình cho sự nghiệp cách mạng. Tham gia vào biệt động tức là đối diện với cái chết, đối diện với tù ngục nhưng không hề có người nào đầu hàng giặc. Những con người ấy khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp, thành phần xuất thân, nhưng có chung một lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hàng trăm, hàng ngàn con người đã tình nguyện gia nhập lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, một lòng sắt son theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn. Biệt động Sài Gòn - Gia Định từ nhân dân mà ra nên mang trọn vẹn những đặc trưng của sức mạnh chính trị tinh thần của lực lượng vũ trang nhân dân, của Bộ đội Cụ Hồ. Sức mạnh của các chiến sĩ biệt động được bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, hòa bình cho nhân dân, từ sự giác ngộ sâu sắc lý tưởng của Đảng; từ đó hình thành nên một tinh thần quyết tử cho Tổ quốc, tinh thần này được phát huy đến cao độ trong mùa Xuân năm 1968.

Sống giữa chốn đô thành của địch, những chiến sĩ biệt động đã vượt hàng rào theo dõi chặt chẽ của an ninh cảnh sát, mật vụ của kẻ thù. Chiến đấu tại nơi hang ổ của Mỹ - Chính quyền Sài Gòn, được bảo vệ trùng trùng lớp lớp nhưng lực lượng biệt động vẫn xâm nhập vào nội thành, tập kết quân, tập kết vũ khí và chuẩn bị tiến đánh các mục tiêu chiến lược trong thành phố, lập nên những chiến công hiển hách. Chính trong thử thách lớn lao đó, phẩm chất anh hùng của các chiến sĩ lại càng ngời sáng, làm nên sức mạnh vô biên; đó là ý chí quyết chiến quyết thắng, không ngại gian khổ, hy sinh, đoàn kết, kỷ luật cao nhưng đầy tính năng động, sáng tạo trong mọi nhiệm vụ chiến đấu và công tác đảm bảo; gây nên những nỗi hoang mang, “cú choáng đột ngột” của kẻ thù xâm lược và các thế lực phản động.

Các chiến sĩ biệt động chính là những người đưa chiến trường vào nơi hậu phương tưởng như vững chắc nhất của kẻ thù, làm cho chúng chưa một ngày được yên ổn trong suốt mấy chục năm trường. Tại nơi chiến trường nguy hiểm và không kém phần ác liệt ấy, các chiến sĩ biệt động vẫn quyết giữ vững thế tiến công, không nao núng, một lòng một dạ trung thành với Đảng, với nhân dân, kiên cường chiến đấu vì độc lập - tự do của Tổ quốc. Sự xuất hiện của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định, với ý chí quyết tâm chống xâm lược cao độ và biến quyết tâm đó thành hành động kiên cường chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng là một trong những nét đặc sắc nhất của cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng tại chiến trường đặc biệt Sài Gòn – Gia Định.

Xuân Mậu Thân 1968, thiên anh hùng ca bi tráng của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định

“Sài Gòn đó quê ta ơi, trong biển lửa vẫn ngời ngời. Ta đi như sóng căm hờn, dâng trào xô lên trên xác quân thù hung bạo. Giành một mùa xuân tươi sáng khắp miền Nam”[*], những ca từ hùng hồn và tràn ngập niềm tin của nhạc sĩ Hồ Bắc như nói trọn tinh thần của đồng bào chiến sĩ miền Nam trong mùa Xuân bi tráng 1968. Trong mùa Xuân ấy, cả miền Nam đồng loạt nổ súng tiến công kẻ thù ngay tại những nơi chúng không ngờ đến nhất. Tại chiến trường trọng điểm Sài Gòn – Gia Định, mùa Xuân năm ấy đã ghi dấu một thiên anh hùng ca bất tử của Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, lực lượng nổ súng đầu tiên, xông vào những nơi được kẻ thù bảo vệ một cách nghiêm ngặt nhất và họ đã lập nên những chiến công oanh liệt.

Chỉ với hơn 80 chiến sĩ Lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã đồng loạt tiến đánh cùng lúc 5 mục tiêu chiến lược, trong đó đã chiếm lĩnh và giữ được hai mục tiêu suốt nhiều giờ trước sự phản kích ác liệt của kẻ thù. Tiếng vang lớn nhất trong những tiếng vang của Xuân Mậu Thân 1968 là trận đánh tại Đại sứ quán Mỹ. Một trận đánh nhỏ về số người tham gia, nhưng đã kích động mạnh mẽ công chúng Mỹ về chính trị và tâm lý. Hơn 4 giờ sau khi biệt động chiếm Tòa đại sứ, một trung đội Mỹ mới lọt vào được Tòa Đại sứ, khi tất cả các chiến sĩ Biệt động Đội 11 đều đã hy sinh (ngoại trừ đội trưởng Ba Đen bị thương, ngất xỉu và rơi vào tay địch). Đây là một hình ảnh bàng hoàng, khi người Mỹ bị đánh bật ra khỏi Nhà Trắng phương Đông, phải chiến đấu cật lực và chỉ giành lại được khi tất cả đối phương đều đã nằm xuống. Một sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước Mỹ,với sự chi viện tối đa về hỏa lực, cả trực thăng và thiết xa mà người Mỹ phải mất 6 giờ mới giành lại được Tòa đại sứ của mình từ hơn mười tay súng Biệt động Sài Gòn. Sự chiến đấu, hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ biệt động ấy đã đánh mạnh vào tâm lý của lính Mỹ và công chúng Mỹ, khiến họ không thể tin tưởng vào chiến thắng trước một đối phương như thế.

Còn tại mục tiêu Đài phát thanh, chỉ sau vài phút chiến đấu, Biệt động Sài Gòn - Gia Định cũng đã chiếm được. Nhưng sau khi chiến đấu dũng cảm để giữ Đài suốt 4 tiếng đồng hồ, không thấy quân ta đến, mà chỉ thấy quân địch phản kích ngày càng đông. Khi kẻ thù vây chặt vòng vây, đồng đội lần lượt hy sinh, những người còn lại thề không để bị bắt, họ đã cho kích nổ trái bộc phá phá hủy một phần Đài và hi sinh.

Để chuẩn bị cho những chiến công đó là cả một hệ thống hậu cần đảm bảo mang đậm tính nhân dân. Con đường đi đến một căn hầm chứa vũ khí trong nội thành phải băng qua sự hy sinh của những người dân yêu nước, một lòng với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Những người sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, sẵn sàng thay đổi toàn bộ cuộc sống, hiến dâng toàn bộ tài sản và nguyện xả thân cho sự nghiệp cách mạng. Là hình ảnh những người phụ nữ thay chồng thay cha giữ hầm vũ khí trong nhà mình, chấp nhận những bản án tử hình chờ sẵn.

Thiên anh hùng ca của những chiến sĩ biệt động trên 5 hướng mục tiêu chiến lược đã góp phần làm nên một mùa Xuân bi tráng của dân tộc. Tạo nên một tiếng vang cực lớn đối với nhân dân cả nước và thế giới. Họ- những chiến sĩ biệt động Sài Gòn – Gia Định mang lời thề quyết tử trong tim cùng bộc phá và vũ khí bộ binh để xông vào những mục tiêu đầu não của kẻ thù, những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, một chuyến đi mà họ biết chắc rằng cơ hội trở về là gần như không có. Với mục tiêu đánh “cửa mở” cho đại quân tiến vào, cho dù đại quân có đến kịp thì sự hy sinh của họ là gần như không tránh khỏi, đằng này phải đánh và giữ nhiều tiếng đồng hồ trước sự phản kích điên cuồng của kẻ thù mà vẫn không thấy bóng dáng của đại quân đâu thì sự hy sinh của họ là tất yếu. Thế nhưng, cho dù phải chịu biết bao nhiêu bom đạn của địch, họ vẫn chiến đấu đến những viên đạn cuối cùng, đến những giọt máu cuối cùng mà vẫn không rời bỏ trận địa. Đó là ý chí, là quyết tâm và là ý thức chấp hành kỷ luật của những người chiến sĩ từ nhân dân mà ra, cùng hòa vào nhân dân mà chiến đấu. Một đội quân với vũ khí nhẹ và thuốc nổ, đã kiên cường chiến đấu với kẻ thù vừa có hỏa lực hơn hẳn vừa đông hơn gấp bội lần; dẫu vậy trong họ không hề có chút nao núng, mà chỉ ngời lên một chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chấp nhận hiến dâng bản thân mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Giờ phút đó là giờ phút thiêng liêng đối với mỗi chiến sĩ biệt động, họ đã trả lời cho đồng bào thành phố thấy rằng cách mạng nhất định sẽ thắng lợi, để nhân dân có thể an tâm và tin tưởng vào cách mạng; trả lời cho kẻ thù rằng trong lòng địch ta có thể đàng hoàng ung dung quyết định giờ nổ súng. Đó là những chiến công vừa tiêu hao sinh lực địch, vừa tạo tiếng vang với thế giới, vừa gây ảnh hưởng về chính trị, vừa thể hiện niềm tin của nhân dân với Đảng và niềm tin của Đảng với nhân dân.

Chắc không ai hiểu thành phố Sài Gòn bằng những chiến sĩ biệt động, những người đã sống và chiến đấu tại nơi này trong suốt một thời gian dài; chính vì thế họ cũng là những người hiểu rõ nhất là nhiệm vụ được giao trong Tết Mậu Thân, đây là những nhiệm vụ có đi mà khó về. Hiểu rõ như vậy, nhưng vì nặng nghĩa non sông, trả nghĩa đồng bào, các anh các chị đã đi vào trận chiến với quyết tâm cao nhất và luôn xác định đây là trận chiến cuối cùng của cuộc đời mình, chỉ có chiến thắng hoặc hy sinh chứ không có một sự lựa chọn nào nữa và phần nhiều trong số họ đã hòa mình vào lòng đất mẹ để mở đầu cho thắng lợi của dân tộc.

Tiếng nổ rền của bộc phá là âm vang lời thề hùng hồn của các chiến sĩ biệt động với núi sông và các thế hệ mai sau. Lịch sử đất nước và thành phố này, mãi mãi ghi công các chiến sĩ biệt động, sự hy sinh của các chiến sĩ biệt động đã góp phần làm nên chiến thắng vô giá của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, nhưng đau xót thay cho đến tận bây giờ, sau 50 năm, nhiều người trong số họ vẫn chỉ mang những bí số bí danh mà chưa thể tìm được tên họ và ngay cả thân xác cũng chưa về được với quê hương, chưa về được với vòng tay của người thân. Tất cả họ đều dấn thân vào cuộc kháng chiến và bùng cháy với khát vọng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Giờ đây họ là những liệt sĩ chưa tìm được tên tuổi thật và gia đình đồng đội vẫn cứ mãi đi tìm mà chưa biết bắt đầu từ đâu.

Cả dân tộc Việt Nam đã trải qua những mất mát đau thương, đặc biệt là trong Mậu Thân 1968, sự hy sinh oanh liệt của Lực lượng Biệt động Sài Gòn là tâm điểm chú ý của dư luận, làm rung chuyển cả thế giới và vào sâu trong lòng nước Mỹ. Họ - những con người quả cảm ra đi với chung một lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và đã hoàn thành sứ mệnh cao cả góp phần làm nên bản anh hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh. Các liệt sĩ đã nằm xuống, thế nhưng Sài Gòn - Gia Định năm xưa, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay vẫn luôn thổn thức về họ, về những câu chuyện bi hùng trong mùa Xuân năm ấy. Có lẽ những con người lặng lẽ hy sinh mà không thể tìm thấy gia đình hay người thân của họ, hoặc cuộc sống vội vã hôm nay đã vô tình lãng quên; nhưng với người dân nơi đây, họ đã ghi tạc vào lòng hình ảnh bất tử của những người con gan dạ, dũng cảm của Lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Nhịp bước đoàn quân đi với lời thề quyết tử như vẫn như còn vang vọng nơi đây, những con đường góc phố ngày nào thấm máu biết bao chiến sĩ anh hùng đã ngập tràn nắng xuân tươi đẹp, đất nước thanh bình, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 không những luôn sống cùng ký ức với người trong cuộc mà còn được tạc vào lịch sử cứu nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; trong đó, hình ảnh những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định trong đêm Mậu Thân rực lửa mãi mãi là những hình tượng biểu trưng cho một sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn của dân tộc Việt Nam, sức mạnh đã góp phần đưa dân tộc Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh.

Chú thích ảnh bìa: Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư phát biểu tổng kết hội thảo. (Ảnh: Hương Thảo)

Thân Thị Thư
Ủy viên Ban Thường vụ,
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM
Các tin liên quan