Lãnh đạo cấp càng cao càng phải kiểm soát bản thân, vượt lên chính mình

07/11/2018
Cuối tháng 10 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

 

(SGGPO)  Đây không phải là vấn đề mới, nhưng được xem là đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế, nhất là cả hệ thống chính trị của đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng; cũng như quyết tâm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

 

 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.



Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi

Đề cập tới việc nêu gương của người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao, PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP đã cho biết, sinh thời, Bác Hồ đề cập rất nhiều tới vấn đề cán bộ phải nêu gương, Bác đã từng nói “cán bộ là gốc của cách mạng...” và “Đảng viên đi trước làng nước đi sau” để răn dạy cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cấp trên phải gương mẫu, phải giữ gìn lối sống trong sạch và phẩm chất của người Cách mạng. Trong những nhiệm kỳ vừa qua, Đảng cũng đã có nhiều nghị quyết đề cập tới vấn đề nêu gương của cán bộ, lãnh đạo cấp trên nhưng thực tế kết quả và hiệu quả thực hiện chưa đạt yêu cầu đề ra. Hơn nữa, trong thời gian qua đã xảy ra không ít những sự việc, vụ việc tiêu cực rất đau lòng, nghiêm trọng liên quan tới cán bộ, lãnh đạo cấp cao.

Đặc biệt, trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề liên quan tới việc suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đảng viên, mà trong đó nặng nề nhất là tham nhũng, tiêu cực. Tiếp đó Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ 27 biểu hiện của 3 vấn đề về suy thoái tư tưởng chính trị; suy thoái đạo đức lối sống; biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa. Qua đó cho thấy, việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, đảng viên trong một số nhiệm kỳ gần đây là rất hạn chế và có vấn đề. Điều này được thể hiện ở chỗ nếu như cán bộ lãnh đạo, đảng viên nêu gương, sống không vô cảm trước những bức xúc của nhân dân thì không có những vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn đã xảy ra trong thời gian qua.

Theo PGS-TS Nguyễn Viết Thông, có nhiều nguyên nhân khiến cho không ít cán bộ lãnh đạo, đảng viên chưa gương mẫu, trong sáng. Trong đó nguyên nhân đầu tiên là do có những đồng chí lãnh đạo trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tiếp đó là các Ủy viên Trung ương chưa gương mẫu. Thậm chí vấn đề này cũng từng được đề cập trong nhiều trong Đảng với những ý kiến cho rằng phải chăng tình hình này là “Nhà dột từ nóc dột xuống” và được đưa ra thảo luận ở tầm Đại hội Đảng toàn quốc. Tuy nhiên, Đoàn Chủ tịch của đại hội đã thẳng thắn giải thích, tình trạng Đảng ta hiện nay ở mức “mía sâu có đốt” và “nhà dột có nơi”; điều này cho thấy rằng không loại trừ “có phần nóc bị dột” chứ không phải là “toàn bộ nóc bị dột”. Có thể xem vụ việc của ông Đinh La Thăng là điển hình của việc “có nóc bị dột”. Hơn nữa, phải thẳng thắn thấy rằng, từ sau Đại hội Đảng XII, Đảng ta đã xử lý tới 58 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 13 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và chắc rằng con số cán bộ cấp cao bị xử lý sẽ còn nữa. 

 

Trách nhiệm nêu gương

Trước những vấn đề còn tồn tại nêu trên, PGS-TS Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh, trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII vừa qua, Đảng ta đã quyết liệt triển khai vấn đề nêu gương và tập trung, gom lại đối với những cán bộ cấp cao (khoảng 200 cán bộ) từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư tới Ủy viên Trung ương Đảng nhằm tạo ra sức mạnh lan tỏa trong Đảng. Hơn nữa, việc ban hành quy định và trách nhiệm nêu gương là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trước hết, các cán bộ lãnh đạo trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương gương mẫu sẽ có tác dụng lan tỏa rất lớn. Bởi lẽ, thực tiễn lịch sử của đất nước và của cách mạng cho thấy nếu như cấp trên gương mẫu thì cấp dưới sẽ tự giác noi theo. Thực tiễn đã chứng minh, sinh thời Bác Hồ rất gương mẫu nên các học trò xuất sắc của Bác như các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh...

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong vấn đề nêu gương, quan trọng nhất là bản thân người cán bộ lãnh đạo phải tự kiểm soát bản thân, vượt lên chính mình. Để làm được việc này, cán bộ lãnh đạo, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện và tu dưỡng theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo GS-TS Nguyễn Trọng Phúc, khi cách mạng mới thành công, Bác Hồ đã thẳng thắn chỉ ra 3 thói xấu mà người cán bộ lãnh đạo cần phải tránh, là: tham lam, gian giảo và lười biếng. Hơn nữa, Bác Hồ cũng từng căn dặn cán bộ lãnh đạo “ít lòng ham muốn vật chất”, vì nếu người cán bộ lãnh đạo ham muốn vật chất, lúc nào cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, xa hoa, lãng phí, không đề cao tinh thần làm việc, tinh thần cống hiến thì làm sao là một cán bộ tốt, cán bộ giỏi được! 

 “Mỗi đảng viên phải nêu gương trước quần chúng, phải thực sự là tấm gương trước quần chúng. Cấp trên phải nêu gương với cấp dưới và càng là người lãnh đạo cấp cao thì càng phải nêu gương…”, GS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh. 

GS Nguyễn Trọng Phúc cũng nêu rõ, việc nêu gương thuộc bản chất của Đảng. Đảng ta là đội tiên phong của cách mạng, thuộc về giai cấp công nhân và nhân dân lao động nên Đảng phải thực sự đi đầu trong mọi hành động, việc làm vì nước vì dân. Bác Hồ từng nhắc: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, để nhấn mạnh vai trò tiên phong của đảng viên. Tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua thảo luận, ban hành quy định trách nhiệm nêu nương của cán bộ, đảng viên là rất cần thiết và quan trọng, qua đó sẽ củng cố vững chắc vị trí và vai trò tiên phong, lãnh đạo của Đảng tốt hơn. Việc nêu gương cần được thể hiện trong hành động của từng người cán bộ lãnh đạo, đảng viên; phải có năng lực hành động, nói phải đi đôi với làm.

Đó cũng là phong cách của Bác Hồ, phải có những hành động việc làm thiết thực cho dân cho nước, chứ không chỉ có lý thuyết, như Bác đã từng nói: “Một việc làm tốt, một cách làm hay có ý nghĩa, hiệu quả bằng hàng trăm bài thuyết giáo...”. Và để làm được việc đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo phải thực sự trong sạch, cần kiệm liêm chính, chí công, vô tư, xứng đáng là người lãnh đạo trung thành, người đầy tớ của nhân dân.

TRẦN LƯU - QUỐC KHÁNH

Các tin liên quan