Tác phẩm 'Đạo đức cách mạng' - Vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn

02/01/2019
Sáng 21/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “60 năm tác phẩm “Đạo đức cách mạng” - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.” Phát biểu đề dẫn và khai mạc Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho biết sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, ở miền Bắc, nhân dân Việt Nam bắt đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy những khó khăn, phức tạp của chặng đường trước mắt, nhất là những bất cập, hạn chế trong công tác cán bộ; nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân có thể gây phương hại to lớn cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc và nhân dân ta. Xuất phát từ thực tiễn ấy, tháng 12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng.”
“Kỷ niệm 60 năm ngày ra đời tác phẩm “Đạo đức cách mạng” là dịp để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử to lớn và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc của tác phẩm, của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đối với công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ hiện nay,” giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Khẳng định tác phẩm “Đạo đức cách mạng” là chỉ dẫn quý báu về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng phẩm chất đạo đức cách mạng đầu tiên phải là “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng.” Đây là “điều chủ chốt nhất,” “tiêu chuẩn số một” của người cách mạng. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, mỗi đảng viên phải nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân là tự nguyện cống hiến, tự nguyện hy sinh, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng; tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và dân tộc.

“Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Lợi ích của mỗi cán bộ, đảng viên nằm trong và tuyệt đối phục tùng lợi ích chung của Đảng, của dân tộc. Cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương sáng trong phụng sự Đảng, phục vụ nhân dân. Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên, cũng giống như việc tạo ra những kháng thể tốt, để bảo vệ cơ thể Đảng khỏe mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực phản động, thù địch. Tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động, lý luận và thực tiễn; trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng; trong các mối quan hệ với mình, với người và với công việc,” giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ rõ trong nhận diện và đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cẩn trọng nhắc nhở, cần phân biệt rõ giữa chủ nghĩa cá nhân và lợi ích chính đáng của cá nhân. Nhận diện và chỉ ra những tác hại của chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những chỉ dẫn quan trọng nhằm phòng, chống chủ nghĩa cá nhân một cách hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi.”

Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cho biết thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng, như Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cho biết sắp tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền; Ban Bí thư sẽ ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng... “Trung ương xác định đây là những nhiệm vụ cần thực hiện cấp bách và thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, các địa phương, đơn vị theo phương châm chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng toàn diện trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và xứng đáng với niềm tin của nhân dân,” Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Theo giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, đạo đức cách mạng là đạo đức của những người biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích chung của tập thể, của xã hội, biết “mình vì mọi người,” đối lập với chủ nghĩa cá nhân. Với tầm nhìn sâu sắc triết học xã hội về đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát hóa, nêu bật yêu cầu của đạo đức cách mạng là “suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, coi đây là điều chủ chốt nhất.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những yếu kém của một số cán bộ, đảng viên, không chịu khó học tập lý luận; ngại khó, ngại khổ trong rèn luyện thực tiễn, sa vào chủ nghĩa cá nhân với mọi biểu hiện, dưới mọi hình thức...

Trên cơ sở kế thừa và vận dụng những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng,” ông Trần Văn Đông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, đề cập tới những giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng, giáo dục đạo đức và định hướng lẽ sống cho thanh niên, góp phần xây dựng Đảng trước một bước về đạo đức. Theo đó, cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cho thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, với sự tham gia, phối hợp có trách nhiệm của ngành giáo dục, gia đình, đoàn thể và toàn xã hội; đổi mới nội dung và cách thức học tập sáu bài học lý luận chính trị phù hợp với từng đối tượng đoàn viên. Đồng thời, gắn việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa với triển khai sáng tạo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh," trong đó đề cao sự nêu gương của cán bộ Đoàn, Hội, Đội, định hướng cho thanh niên rèn luyện theo tiêu chí “Tâm trong-Trí sáng-Hoài bão lớn.”

Theo ông Trần Văn Đông, việc đổi mới cách thức tuyên truyền, học tập, triển khai các Nghị quyết của Đảng, của Đoàn trong đoàn viên, thanh niên là hết sức cần thiết. Cùng với đó là việc tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.

Các đại biểu dự Hội thảo nhất trí cho rằng, 60 năm đã trôi qua, nhưng tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn quý báu, tiếp tục mang tính thời sự, đi vào cuộc sống và trở thành tư tưởng chỉ đạo cho công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ và là phương châm hành động, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay.

Theo TTXVN

Chú thích ảnh bìa: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đoàn đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam trong vườn xoài ở Phủ Chủ tịch (15/11/1965). (Ảnh: TTXVN)
Các tin liên quan