Tác động của lợi ích nhóm tiêu cực đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

14/02/2019
(TG) - Lợi ích nhóm tiêu cực hay thường gọi là “lợi ích nhóm” tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng tính chất nguy hại nhất của nó là làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nhận diện rõ tính chất, mức độ nguy hại của “lợi ích nhóm” để sớm có chủ trương, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.
“Lợi ích nhóm” là một thuật ngữ đang được nhắc đến nhiều trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI cũng như khóa XII và hiện nay được dùng khá phổ biến. Có nhiều quan niệm khác nhau về “Lợi ích nhóm”, theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho rằng: “Lợi ích nhóm là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan tâm (lợi ích, mục đích) chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách tác động vào các chính sách của chính phủ, thông qua vận động hành lang để tạo ra hay thay đổi những luật lệ và cách thực thi có lợi cho phe nhóm mình”(1). 

NHỮNG TÍNH CHẤT NGUY HẠI CỦA “LỢI ÍCH NHÓM”

Lợi ích nhóm tiêu cực tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng tính chất nguy hại nhất của nó là làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, biểu hiện:

Thứ nhất, lợi ích nhóm tiêu cực làm đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Thực tế cho thấy vì lợi ích nhóm tiêu cực, một tập thể cán bộ, đảng viên trong một tổ chức đảng có thể đánh mất đi tính chiến đấu, đồng lõa làm trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên. Chưa kể đến sự “tấn công” của lợi ích nhóm tiêu cực vào đội ngũ cán bộ, đảng viên bằng lợi ích cục bộ, bản vị, tham nhũng, hối lộ… làm thoái hóa, biến chất, làm mất vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên.

Thứ hai, lợi ích nhóm tiêu cực thúc đẩy sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sống thiếu lý tưởng, hoài bão, thờ ơ trước đời sống chính trị và vô cảm trước nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sự suy thoái này làm giảm sút sức chiến đấu của đảng viên, dẫn đến chuyển hóa về tư tưởng như: đòi xét lại, xuyên tạc và tiến tới phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhóm lợi ích tiêu cực hoạt động càng mạnh, sự chia bè, kéo cánh, cục bộ, bản vị… sẽ làm sự suy thoái tư tưởng càng mạnh. Đây cũng chính là “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Tính nguy hại của lợi ích nhóm tiêu cực này luôn đi ngược lại với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân; những sai phạm về quản lý đất đai ở Thủ Thiêm của một số cán bộ, đảng viên vừa qua là bài học đắt giá và là lời cảnh tỉnh cho mọi cán bộ, đảng viên.

Thứ ba, lợi ích nhóm tiêu cực làm suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Lợi ích nhóm hoạt động ngầm, tác động nhiều chiều cũng làm cho lối sống ngay thẳng, trung thực bị nhường chỗ cho lối sống thực dụng, giả dối, gian trá trong hoạt động của cán bộ, đảng viên. Lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, sử dụng đồng tiền lấn át tình cảm đồng chí. Các hiện tượng tiêu cực trước đây hoàn toàn xa lạ đối với cán bộ, đảng viên như bồi dưỡng, lại quả, phong bì, tiêu cực phí thì nay đã trở thành quen thuộc trong đời sống xã hội. Có không ít đảng viên đã trở thành trung gian thực hiện các phi vụ làm ăn mờ ám và béo bở, trở thành cầu nối cho các tệ nạn chạy chức, chạy quyền.  

Tệ hại nhất của sự suy thoái là tham nhũng về quyền lực, tham nhũng chính trị; nó bộc lộ sự thoái hóa, biến chất của người cán bộ, đảng viên, thiếu trong sạch trong bộ máy. Nếu như trước kia, sự suy thoái, tham ô, tham nhũng của từng cá nhân đảng viên là sự hư hỏng của một con người, diễn ra lẻ tẻ thì hiện nay, khi cá nhân đảng viên sa vào lợi ích nhóm tiêu cực sẽ kéo theo sự hư hỏng của một nhóm người, tập thể người, sức tàn phá của nó sẽ rất lớn. Trước đây, trong thời bao cấp, các vụ án tham nhũng chỉ có cá nhân phạm tội hay một số ít người phạm tội thì ngày nay, cả một tập thể người, nhóm người phạm tội, nhóm lợi ích tiêu cực đã chuyển thành nhóm phạm pháp. 

Ngoài ra, lợi ích nhóm tiêu cực cũng hình thành mâu thuẫn trong xã hội, sự tích cực hoạt động của các nhóm sẽ làm cho đảng viên tham gia nhóm lợi ích tiêu cực này hoặc nhóm khác, dần dần trở thành bè cánh và phe phái trong Đảng, tạo thành mâu thuẫn, mất đoàn kết. Từ đó, lợi ích nhóm càng có cơ sở để hoạt động, nó sẽ phá hoại Đảng ta một cách ghê gớm và sâu sắc nhất.

PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH, NGĂN CHẶN KỊP THỜI

Tác động tiêu cực của lợi ích nhóm đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thời gian qua với những dạng khác nhau ở các cấp độ, mức độ khác nhau trong các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, tuy chưa nhiều, chưa phổ biến nhưng rất nguy hại, cần sớm có chủ trương, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Theo chúng tôi, để ngăn chặn tác động của nó cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp chính sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu về tác động tiêu cực của lợi ích nhóm đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, quy định, quyết định cũng như tổ chức thực hiện đúng công tác tổ chức, cán bộ; khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong công tác tổ chức, cán bộ thời gian qua. Nâng cao nhận thức, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm cho cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước về tác hại của lợi ích nhóm, để từ đó thực hiện đúng, tốt chức năng tham mưu trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chế độ của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ.

Hai là, phải dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Trong công tác cán bộ nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và bổ nhiệm cán bộ, vì đó là những khâu hết sức quan trọng trong quá trình phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc, quản lý và giám sát cán bộ. Cần quy định tiêu chuẩn chức danh chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đây là việc làm rất cần thiết trong công tác cán bộ, bởi nó là cơ sở để tạo ra cơ chế minh bạch. Đồng thời, phải lượng hóa rất cụ thể tiêu chuẩn, tránh chung chung, nhất là tình trạng hiểu và áp dụng thế nào cũng được, thế nào cũng đúng, bị lợi dụng để phục vụ cho những quan hệ, ý đồ cá nhân không lành mạnh mà mục đích là vì “lợi ích nhóm”, “chạy chức, chạy quyền” để trục lợi. Thực hiện nghiêm túc quy chuẩn cán bộ và quy trình bổ nhiệm chặt chẽ để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống mẫu mực, có trình độ, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Khi xây dựng được bộ quy chuẩn đánh giá và sử dụng cán bộ một cách khoa học, chặt chẽ, có giá trị như một bộ luật mà các tổ chức, cơ quan, đơn vị đều phải làm theo sẽ hạn chế được nhiều trường hợp bổ nhiệm tùy tiện những người trong gia đình, dòng họ, thân tộc, quen biết vào vị trí lãnh đạo hoặc các vị trí công tác quan trọng.

Ba là, gắn cuộc đấu tranh chống lợi ích nhóm tiêu cực với việc nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Tăng cường sức chiến đấu và hiệu quả của công tác tư tưởng, lý luận theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), làm cho công tác tư tưởng luôn chủ động, kịp thời, sắc bén, có tính thuyết phục cao, góp phần củng cố sự đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân. Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp gắn với thực hiện tốt việc học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kiên quyết, kịp thời đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội, những quan điểm sai trái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong sinh hoạt đảng, cần tập trung đấu tranh chống tư tưởng cơ hội, thực dụng cùng những biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.  

Thực chất của lợi ích nhóm tiêu cực là chủ nghĩa cơ hội, điều mà V.I.Lênin từng nhắc nhở: “Điều rất cần thiết hiện nay là, về mặt tổ chức, phải hoàn toàn tách hẳn những phần tử cơ hội chủ nghĩa ấy ra khỏi các đảng công nhân”(2) dù cho bản thân đảng có “phải tạm thời chịu đau đớn kịch liệt đi nữa”(3). Thường xuyên phê bình và tự phê bình; có thái độ thành khẩn, trung thực, tôn trọng sự thật, lẽ phải, không giấu giếm, bao che, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật. Tăng cường công tác bảo vệ Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời và đưa những phần tử cơ hội ra khỏi Đảng. Xây dựng và hoàn chỉnh các chế độ quản lý cán bộ, đảng viên, trước hết là đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Sự lỏng lẻo, dễ dãi trong quản lý mối quan hệ xã hội, nhất là mối quan hệ của cán bộ lãnh đạo, quản lý với giới kinh doanh hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho sự lôi kéo, làm quen, cấu kết giữa người có chức, có quyền với giới kinh doanh, hình thành những nhóm lợi ích bất chính, ảnh hưởng xấu đến sự lãnh đạo của Đảng theo đúng quyết tâm chính trị của Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội XII đó là: “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”(4). 

(1) Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Báo cáo kinh tế vi mô 2012: Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu”, Nxb Tri thức, H, 2010, tr.113.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, t.26, tr.327.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, sdd, t.27, tr.154.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, tr.202. 

 

TS. Hà Sơn Thái
Ths.Phạm Thị Lý

_________________________________

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 2/2019
Các tin liên quan