Học Bác từ những điều giản dị Tác phẩm “Học Bác từ những điều giản dị” của tác giả Đăng Minh, Báo Công an nhân dân đoạt Giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ

29/04/2020
Việc học tập, làm theo Bác là tổng thể các nội dung, biện pháp song điều quan trọng và thiết thân thường ngày chính là học Bác lối sống bình dị, gần gũi, trọng dân, vì dân, chan hòa với quần chúng nhân dân. Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng tự soi rọi lại mình, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện theo di huấn của Người và đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Việc học tập, làm theo Bác là tổng thể các nội dung, biện pháp song điều quan trọng và thiết thân thường ngày chính là học Bác lối sống bình dị, gần gũi, trọng dân, vì dân, chan hòa với quần chúng nhân dân.
I-  SỐNG BÌNH DỊ, ĐƯỢC DÂN YÊU

Tại sao cần sống bình dị? 

Câu trả lời đến từ chính cốt cách, lối sống của người dân Việt Nam, một cốt cách mộc mạc, chân phương, kiệm cần với công việc và đơn sơ trong lối sống, sinh hoạt thường ngày. 

Đó là lối sống tự bao đời của người dân trên mọi miền đất nước, chẳng cứ vùng đất, dân tộc, thành phần, cốt cách đó định hình từ nền văn hóa truyền thống làng xã, ruộng vườn với tâm niệm “đói cho sạch, rách cho thơm”, “thương nhau chia củ sắn lùi”, sự mộc mạc chân phương “canh rau muống, cà dầm tương”... 

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Người cán bộ, đảng viên sinh ra, lớn lên dù ở đô thị hay thôn quê cũng đều mang cốt cách từ ông bà, cha mẹ hoặc ảnh hưởng của cốt cách đó. Môi trường nào, con người đó, khi đồng bào “chân lấm tay bùn, một nắng hai sương”, lẽ nào người cán bộ, đảng viên lại mang lối sống xa hoa, nhung lụa, phè phỡn, phung phí? 

Hiểu được cốt cách này để người cán bộ, đảng viên sống sao cho đúng, cho xứng và để được đồng bào tin yêu. Khi bà con ăn mì tôm chống lũ, chạy từng hạt gạo tránh hạn, người cán bộ không thể đến với dân bằng một sự thết đãi thịnh soạn, xa xỉ. Hoà đồng với quần chúng thì trước hết, phải hoà mình vào đời sống người dân, với phong tục, văn hoá bản địa, từ bữa ăn, lời nói đến cách ứng xử, việc làm. 
Tự cổ xưa tới nay, ở các dân tộc trên thế giới, một nguyên tắc đã định hình: sống càng bình dị, càng gần gũi, càng được dân tin, dân yêu. Và chỉ khi được dân tin, dân yêu thì lời nói, việc làm của người cán bộ, đảng viên mới thực sự có hiệu quả, mới phát huy được vai trò.

Cũng chỉ có thể sống bình dị, sống hoà mình vào quần chúng, người cán bộ, đảng viên mới có thể hiểu được đời sống thực tiễn, mới nắm được tâm tư, nguyện vọng, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con. Thấu hiểu để điều tiết hành vi của mình, quý trọng từng đồng tiền bát gạo, mồ hôi, xương máu của đồng bào và phát huy thành quả trong hiện tại, tương lai. Giá trị của nền độc lập, tự do ngày nay là kết quả của bao máu xương các bậc tiền bối đổ xuống, người không biết quý trọng giá trị đó là vô ơn, phụ lại thành quả cha ông đã dành được. 

Lối sống xa hoa, hưởng lạc, cá nhân ích kỷ, tiêu tiền như tát nước, thể hiện quan cách, trịch thượng, kiêu ngạo… là những thứ đối lập với lối sống bình dị, mộc mạc của đồng bào. Người có lối sống quan cách, trịch thượng, xa hoa hưởng lạc tất xa rời quần chúng, lợi dụng để hưởng thụ, vụ lợi, để diễn kịch, lừa mị người khác, tìm phương kế vun vén cho thói ích kỷ và những động cơ cá nhân của mình. 

Học lối sống bình dị của Bác  

Sinh thời, Bác Hồ đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hàng ngày. Để tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm... Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”. 

Nhà ở của Bác chỉ là một ngôi nhà sàn gỗ lợp ngói, trên gác có hai phòng, mỗi phòng hơn 10m², chỉ nhỏ gọn vậy thôi nhưng Bác vẫn đề nghị đồng chí Phạm Văn Đồng sử dụng một phòng để khỏi lãng phí. Bác luôn nghĩ đến người nghèo “lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”. 

Bác Hồ thường nói rằng: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức”. 

Bác đến với các chiến sỹ trên mặt trận, cùng chiến sỹ hành quân; thăm chỗ ở, nhà bếp, nhà vệ sinh của các gia đình, tập thể; trực tiếp xuống ruộng làm việc, hướng dẫn bà con về sâu bệnh, về thủy lợi; đến thăm các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học; viết thư thăm hỏi người già, trẻ em… 

Bác luôn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu. Giản dị, thanh bạch là đức tính tự nhiên của Bác. Điều đó đã được thể hiện sinh động qua từng cử chỉ, lời nói và việc làm cụ thể của Người, có sức thuyết phục to lớn. 

Chị Trần Thị Thu Hà, giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh bày tỏ: 

“Tôi không phải là người theo chủ nghĩa thần tượng. Tôi cũng chưa bao giờ được gặp Bác. Khi tôi cất tiếng khóc chào đời, Người đã đi xa. Nhưng thông qua những trang sách, những thước phim, những câu chuyện về Người, càng ngày tôi càng khâm phục Bác. 

Khi còn bé, trong tôi, Bác Hồ giống như một tiên ông vậy. Tôi ghen tỵ với những em bé được ngồi trong lòng Bác chờ đến lượt mình được phát kẹo và ao ước được đưa bàn tay non nớt vuốt chòm râu bạc phơ của Bác như một cô bé nào đó trong bộ phim tài liệu về Người. 

Lớn lên, đọc các tác phẩm Người viết, suy ngẫm về những quyết sách và hành động của Người trên cương vị người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, tôi vẫn không quên những hình dung thơ ấu về vị tiên ông Hồ Chí Minh. 

Đôi lúc, tôi tự hỏi, phải chăng Bác của chúng ta là một huyền thoại? Nhưng đã là huyền thoại thì phải ly kỳ và huyền bí chứ? Mà Bác thì vô cùng gần gũi, vô cùng giản dị và có phải vì thế mà hóa vô cùng lớn lao?”. 

Chị tâm sự, mỗi lần nghĩ về câu nói, rằng “Chủ tịch nước mặc áo vá là hồng phúc của dân tộc”, cứ thấy cay cay nơi khóe mắt nhưng vẫn thật khó cầm lòng khi đi qua những nhãn hàng thời trang nổi tiếng… Những lần dự tiệc với tràn trề món ngon vật lạ, chạnh nghĩ về bữa cơm tương cà đơn sơ của Chủ tịch nước ngày nào, day dứt có, áy náy có… 

“Nhưng tôi nghĩ rằng vì Bác không phải là một siêu nhân, nên chúng ta hãy học và làm theo Bác những điều bình dị nhất. Không học được tất cả, chúng ta hãy học từng ít một. Không học được ngay một lúc, hãy cứ học từ từ” – chị nêu quan điểm và viện dẫn, có bao nhiều điều cần học và có thể học từ Bác.

Bình dị - cốt cách và sự rèn luyện 

Bình dị, liêm chính thể hiện ở phong cách, lối sống và ở hành động (lao động, học tập). Cả hai yếu tố này gắn bó mật thiết, bình dị ở lối sống thì hành động vì cộng đồng, vì xã hội cũng nhiệt huyết, sẵn lòng. 

Gốc rễ của đạo đức, phong cách bình dị, liêm chính chính là tấm lòng vì nước vì dân, vì lợi ích quốc gia, tập thể của Bác. Trong đời sống, chỉ những ai có được đức tính đó, không mưu cầu, vụ lợi cá nhân mới có thể làm được, mới hành động một cách “tự nhiên hương” chứ không phải là sự khiên cưỡng, giả tạo. Bất cứ ai để chủ nghĩa cá nhân chi phối, để chủ nghĩa thực dụng lên ngôi, tất không thể làm được. 

Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong Đảng vẫn còn một số cán bộ, đảng viên đạo đức, phẩm chất thấp kém. Những người này “mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Chủ nghĩa cá nhân thực sự là kẻ địch nguy hiểm của đạo đức cách mạng, đồng thời cũng là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội.

Nếu không thể bình dị theo đúng cốt cách, bản chất thì người cán bộ, đảng viên phải biết tu dưỡng, luyện rèn đức tính, lối sống bình dị. Đây chính là ý thức, là sự học hỏi, noi theo để hoàn thiện mình hơn, khắc phục các yếu điểm. 

Ngày nay, không ít cán bộ chưa làm to đã lộ tính hách dịch, xa dân, sống trong dinh thự xa hoa. Ngay cả con cán bộ cũng tự lúc nào sinh cái bệnh tinh tướng, muốn thể hiện mình “con nhà quan”, lối sống xa hoa, hưởng thụ sa đọa. Đọc lại những mẩu chuyện về phong cách, đạo đức, lối sống của Bác để ngẫm và hành động, thực thiết thân vô cùng. 

Học Bác từ những điều bình dị (phần II)
Bình dị, chân phương, khiêm nhường trong lối sống; cần mẫn, nhiệt huyết trong lao động, phục vụ, đó là chất kết dính giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. Bản chất, lối sống người dân vốn mộc mạc, cán bộ sẽ không thể đến với dân bằng lối quan cách “bề trên” và thực tiễn cuộc sống cũng cho thấy, những vị lãnh đạo dù ở bất cứ cấp bậc nào, càng bình dị, càng gần dân, càng được dân mến, dân tin…

II- LAN TOẢ LỐI SỐNG BÌNH DỊ

Nêu gương lối sống bình dị

Đạo đức, lối sống giản dị, chân thành, không quan cách, không xa hoa, phô trương, lãng phí chính là vấn đề được nói nhiều và quy định rõ trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, trong đó bản tự nhận xét, kiểm điểm của cán bộ, đảng viên hằng năm (tại nơi cư trú, nơi làm việc) đều có mục này.

Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, tại điểm 7, điều 2 nêu: “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện: Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”.

Một bức ảnh phản ánh lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm bà con ở các địa phương là chuyện thường thấy, nhưng sao bức ảnh nói trên lại có sức lan tỏa và đạt giải cao như vậy? Đó là câu hỏi mà nhiều người muốn biết. Bức ảnh chụp lại một khoảnh khắc trong chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Gia Lai, một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, ngày 12-4-2017.

“Bức ảnh này tôi chụp khi Tổng Bí thư vào thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun. Hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng giản dị ngồi trên bậc cửa, nắm tay, tặng quà và ân cần hỏi thăm cuộc sống của thương binh Đinh Phi gây ấn tượng mạnh với bà con địa phương và đoàn công tác bởi sự gần gũi, thân thiết gắn bó với người dân. Tác phẩm đã gửi đi thông điệp về sự gắn bó giữa Đảng với dân. Càng gần gũi, càng giản dị, càng chân thành thì dân càng tin Đảng” – anh Lê Trí Dũng chia sẻ.

Trong đời sống xã hội ngày nay, nhiều cán bộ, đảng viên nêu gương liêm khiết, sống mực thước, gần gũi, chan hoà với nhân dân. Bởi vậy, ngay cả khi họ đã nghỉ hưu, người dân vẫn mãi nhớ đến, điển hình như ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Tới nay, rất nhiều câu chuyện kể về ông Bí thư Tỉnh uỷ sống đạm bạc, bình dị với dân vẫn lưu truyền ở địa phương và trên báo chí. Học đức tính giản dị, mộc mạc như ông Tuyển không có nghĩa là ngày nay, cán bộ cứ phải dùng xe đạp đi chợ hay tự nấu ăn.

Cái chính ở đây chính là sự tương thích với hoàn cảnh, ở vào hoàn cảnh cần đi xe đạp thì người cán bộ đi xe đạp, cần đi bộ thì đi bộ, còn khi cần đi ôtô thì sử dụng ôtô, tức đặt mình tương thích, hoà đồng để không cảm thấy lạc lõng, xa rời với hoàn cảnh.

Ngày nay, tỉ lệ cán bộ lãnh đạo bình dị, khiêm nhường có nhiều không? Tỉ lệ tham nhũng, ăn chơi vô độ, phung phí tiền bạc Nhà nước là “bộ phận không nhỏ” nhưng ở mức nào, có lớn không? Chúng ta chưa có một con số nào để đánh giá. Nhưng thấy rằng, cán bộ bình dị, khiêm nhường, mẫu mực không ít.

Còn quan chức tham lam, quan cách, tỏ thói bề trên, có tý chức tước, tiền của thì tỏ vẻ ta đây “ngồi trên thiên hạ”, đi đứng ngông nghênh, ăn nói hống hách, coi người đời không ra gì cũng không hiếm.

Những cán bộ có thói kiêu ngạo như thế, dù có xuống dân thì cũng chỉ là những vở diễn rất gượng gạo, rất thô kệch, chẳng những không được dân tin mà ngược lại.

Hiện chẳng thiếu những vị có được tiền của trên mồ hôi nước mắt tiền thuế của dân, hoặc là tiền tham ô, hối lộ mà có, họ khui chai rượu ngoại trị giá dăm mười triệu, thậm chí vài chục triệu, bằng cả chục tấn thóc của nông dân mà coi nhẹ như không!

Những việc làm bình dị, giàu ý nghĩa

Sống bình dị thì những việc làm đời thường, người cán bộ, đảng viên cũng cảm thấy trách nhiệm và ý nghĩa, không gò bó, gượng gạo. Hôm đến triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, tôi nhận ra rất nhiều tấm gương được biểu dương, tôn vinh ở đây, thực sự họ là đại diện giữa muôn điều bình dị mà ý nghĩa trong cuộc sống này.

Triển lãm với gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật và bài viết nhằm tôn vinh 129 tấm gương điển hình gồm 56 tập thể và 73 cá nhân được lựa chọn và tôn vinh từ khắp các tỉnh, thành và ngành nghề công tác: từ người nông dân, chị công nhân đến những cán bộ khoa học, nhà giáo, chiến sĩ Quân đội, Công an, cựu chiến binh hay người dân bình thường… có nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trong 129 tấm gương được tôn vinh như ông Krê Cil, sinh sống tại tổ dân phố Bon Đưng I, thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn tích cực, nhiệt tình trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, làm gương cho con cháu. Ông đã trực tiếp và huy động người dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng thực hiện công tác cháy rừng tại núi Langbiang.

Gần 20 năm đảm nhận công việc bảo vệ rừng, đến nay, ông và người dân trong tổ đã tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, chữa cháy rừng với tổng diện tích là 30ha. Tấm gương bà Trần Thị Kim Thia (Sáu Thia), ở xã Hưng thạnh, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp.

Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, hàng ngày mưu sinh với nghề bán vé số làm thuê kiếm tiền nuôi bản thân nhưng với mong muốn giúp trẻ em chuẩn bị tâm lý đi học an toàn trong mùa lũ, cứ vào 3 tháng hè hằng năm, bà lại mở lớp dạy bơi cho trẻ từ 7 - 15 tuổi, hồ bơi chính là các khúc sông cạn trên địa bàn xã, được bà đem cọc tre cắm dưới sông, dùng lưới bao quanh và sau 15 năm, bà đã dạy bơi miễn phí cho hơn 2.000 trẻ em.

Rất nhiều hình ảnh đẹp về những chiến sĩ Cảnh sát giao thông không quản ngại khó khăn trong điều kiện thời tiết nắng nóng oi bức hay môi trường đầy bụi bặm, tiếng ồn vẫn thực hiện nhiệm vụ điều tiết giao thông; kịp thời hỗ trợ, xử lý các trường hợp phương tiện bị sự cố và đưa người bị nạn đi cấp cứu; trực tiếp cùng người dân xử lý bùn đất, dầu nhớt, vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường...

Cán bộ, đảng viên các đơn vị Công an đến các bản vùng sâu, vùng xa làm thủ tục, cấp căn cước công dân, nhất là với người già, đi lại khó khăn; những chiến sĩ Cảnh sát dầm mình trong lũ, leo lên nóc nhà di chuyển người, tài sản lên xuồng đến nơi an toàn; những cánh rừng bùng lửa và khói dữ dội, làm sao có thể cầm mình khi hàng nghìn chiến sĩ Công an, Bộ đội vẫn cắt rừng, phun nước, cứu từng mét rừng màu xanh cuộc sống…

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, nhiều người ấn tượng và khâm phục trước tinh thần “4 cùng” (cùng làm, cùng ở, cùng ăn và cùng nói tiếng dân tộc) của Đại úy Sằn A Phật, Đội An ninh, Công an huyện Tiên Yên (Quảng Ninh).

Không ngại khó, anh Phật đã học tiếng dân tộc để gần gũi với đời sống bà con, nói thông thạo 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số là Tày, Hoa, Sán Chỉ và Dao, được bà con tin tưởng, cung cấp các thông tin về an ninh, trật tự, giúp đỡ khi cơ quan Công an cần...

Có những hành động diễn ra trong khoảnh khắc nhưng đó là việc làm của tấm lòng bao dung. Mùa thi vừa rồi, thí sinh Trần Thạch Trọng Nghi (SN 2001, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Bạc Liêu), bị bệnh về xương nên việc đi lại hết sức khó khăn.

Em Nghi dự thi tại điểm thi Trường THPT Phan Ngọc Hiển, em được chiến sĩ Công an huyện cõng vào tận phòng thi. Nhiều phụ huynh chứng kiến hình ảnh chiến sĩ Công an cõng thí sinh vào phòng thi đã chụp lại, đưa lên mạng xã hội và nhanh chóng tạo sự lan toả, chia sẻ với tình cảm đầm ấm…

Trong bài viết nhân 50 năm Công an nhân dân (CAND) thực hiện Di chúc của Bác, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Công an các đơn vị, địa phương cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp trong thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, trọng tâm là phát huy truyền thống tốt đẹp “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Công an gần dân, trọng dân, vì nhân dân phục vụ; đồng thời không ngừng đổi mới nâng cao hiệu quả các mặt công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua yêu nước trong CAND và việc thực hiện các mục tiêu yêu cầu, nhiệm vụ được giao; đồng thời tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đề cao trách nhiệm nêu gương, trước hết là của lãnh đạo cấp ủy và chỉ huy các cấp trong CAND, nhất là người đứng đầu Công an đơn vị, địa phương.

Học Bác từ những điều bình dị (phần III)

Chúng tôi đã phân tích các quan điểm, luận cứ và thực tiễn để thấy rằng, việc học Bác trước hết cần học lối sống bình dị, gần gũi với nhân dân, chan hoà, mật thiết với dân. Có rất nhiều câu chuyện về Bác mà bất cứ ai cũng có thể học tập, làm theo.

III- TRÁNH CÁC QUAN ĐIỂM SAI LỆCH

Để việc học tập, làm theo Bác thực sự thấm nhuần trong đời sống xã hội, cần có sự nhất quán trong nhận thức và hành động, từ đó tạo sự tự giác. Lâu nay, các thế lực thù địch, phản động tìm cách xuyên tạc, phỉ báng, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích hạ bệ vị trí, vai trò của Người, làm suy giảm, mất niềm tin trong nhân dân. 

Chúng chế nhạo, đả kích việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cho rằng phong trào này chỉ hô hào, giả tạo, không có giá trị nào trong thực tế, một cách “diễn trò”, “mị dân”; nhiều tổ chức, cá nhân thù địch, phản động xuyên tạc mục đích, ý nghĩa, đưa các bài viết có tính chất bài trừ, miệt thị…

Trong khi đó, trong tâm lý, suy nghĩ của không ít người vẫn còn những quan điểm không thấu đáo, không đúng với tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã đề ra. Một khi tư tưởng, suy nghĩ không thông thì việc thực hiện khó lòng đạt kết quả, chưa nói việc thực hiện chiếu lệ, đối phó hoặc các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc. 

Thực tiễn đó đòi hỏi cần thống nhất về mặt nhận thức, chống các quan điểm sai lệch, các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Theo chúng tôi, cần nhìn nhận thấu đáo những vấn đề đặt ra sau đây:

Vấn đề thứ nhất, về ý kiến: Bấy lâu nay, cả đất nước đã đi theo Bác với khẩu hiệu “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, ở mỗi ngành, mỗi lực lượng đều đã có phong trào học tập, làm theo lời Bác, vậy thì vì sao lại đưa ra cuộc vận động như hiện nay? 

Thực tế, khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” vốn rất đầy đủ, bao trùm. 

Ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực từ lâu cũng đã có phong trào học tập, làm theo lời Bác dạy. Song, một bài học ta học từ bé không có nghĩa học rồi là đủ, không phải nhắc lại, học lại, học thêm, học nâng cao, bổ sung. Sự vận động của thực tiễn đời sống luôn nảy sinh những vấn đề mới, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi được giải quyết. Bài học hôm qua thì hôm nay cần được nhấn mạnh, bổ sung cái mới, cấp thiết và rốt ráo hơn.

Năm 2006, Đại hội X của Đảng đã nhận định: “Thoái hoá, biến chất về chính trị tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”. 

Mười năm sau, Trung ương Đảng khóa XII đánh giá hiện trạng, nguy cơ đó vẫn là cấp bách và ra Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do đó, học tập, làm theo Bác là công việc thường xuyên, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là khâu then chốt, phải làm thường xuyên. Vì thế, mọi cán bộ đảng viên và nhân dân cần thấy rõ sự cần thiết, cấp thiết việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ hai, về quan điểm cho rằng, Bác là lãnh tụ, là vĩ nhân, tư tưởng, đạo đức của Bác mang tầm dân tộc, thời đại, làm sao có thể học tập, làm theo được?

Sự thực, học tập đức tính của một vĩ nhân không phải là những điều “cao xa vời vợi”, ngoài tầm với của người dân. Tư tưởng của Bác Hồ về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, về quốc tế vô sản... là vấn đề lớn của thời đại, chúng ta đang đi theo tư tưởng đó và tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa trong mỗi chặng đường cách mạng. Còn đạo đức, phong cách Bác rất gần gũi bởi sinh thời, Người là lãnh tụ nhưng luôn sống cuộc sống đạm bạc, chan hòa, gần gũi với nhân dân. 

Chính vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi đã phân tích các quan điểm, luận cứ và thực tiễn để thấy rằng, việc học Bác trước hết cần học lối sống bình dị, gần gũi với nhân dân, chan hoà, mật thiết với dân. Có rất nhiều câu chuyện về Bác mà bất cứ ai cũng có thể học tập, làm theo. 

Ngày nay, không ít cán bộ chưa làm to đã lộ tính hách dịch, xa dân, ngay cả con cán bộ cũng tự lúc nào sinh cái bệnh tinh tướng, muốn thể hiện mình “con nhà quan”, lối sống sa đọa. Đọc lại những mẩu chuyện về phong cách, đạo đức, lối sống của Bác để ngẫm và hành động, thực thiết thân vô cùng.

Thứ ba, có ý kiến so sánh, thời trước, trong điều kiện chiến tranh, điều kiện vật chất cả nước đều thiếu thốn trăm bề, con người chỉ có chí hướng chiến đấu, đánh giặc thì muốn xa hoa cũng không được. Ngày nay bao thứ thay đổi, cơ chế thị trường và lối sống thực dụng xâm lấn thì… khó có thể học lối sống bình dị, mộc mạc, gần gũi nhân dân của Bác.

Quan niệm như vậy là sai lầm. Vụ án Trần Dụ Châu thời kỳ chống Pháp cho ta thấy, ngay trong điều kiện chiến tranh, bộ đội, nhân dân sống chắt chiu từng củ khoai, củ sắn, vậy mà cán bộ như Trần Dụ Châu đã dùng thủ đoạn vơ vét, hưởng lợi, sống xa hoa, mở tiệc tùng linh đình, tham nhũng của công, ăn chặn tiền, trợ cấp của bộ đội. Châu còn tuyển người, thải người theo sở thích cá nhân, vung tiền bao gái… 

Thực tế đó cho thấy, nếu không rèn luyện, tu dưỡng thì lòng tham, vụ lợi của cán bộ, đảng viên sẽ trỗi dậy bất kỳ lúc nào, bất kỳ hoàn cảnh  nào, sẽ là hiểm hoạ cho nhân dân nếu tiếp tục để nó sinh sôi, nảy nở.  Ngày nay, trong điều kiện kinh tế phát triển, mở cửa, hội nhập, bài học về tu dưỡng đạo đức, lối sống càng trở nên cấp thiết. Bác đã căn dặn cán bộ phải đề phòng “đạn bọc đường”. 

Khi về tiếp quản Thủ đô, Bác dặn: “Bây giờ chuẩn bị vào thành phố, có chú sẽ nghĩ: Lâu nay mình sống gian khổ đã nhiều, bây giờ là lúc được hưởng lạc đây! Trong lòng chú luôn nghĩ đến những thứ của ngon, vật lạ, dần dần quên mất tác phong gian khổ, giản dị. Như vậy rất dễ dẫn đến tham ô, hủ hoá”.

Trong bối cảnh hiện nay, trước bao tác động tiêu cực, chúng ta không thể cứ đổ hết cho khách quan, cho cơ chế thị trường rồi chỉ biết ca thán, bức xúc. Một đảng trưởng thành, vững mạnh là đảng luôn biết nhìn nhận để tự soi, tự sửa, để gột dũa những khiếm khuyết mà vươn lên. Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động thì người đảng viên phải hoà mình trong dân, phải bình dị, không thể theo đuổi lợi ích cá nhân, thực dụng, thị trường, sống sa đoạ, lãng phí. 

Bởi vậy, việc học, làm theo Bác, học lối sống bình dị, trọng dân, vì dân của Bác là hết sức cấp thiết, không thể nguỵ biện, né tránh trong việc này. 

Chính vì vậy, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.

Thứ tư: Có người liệt kê những cán bộ lãnh đạo bị xử lý trong mấy năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, liệt kê những sai phạm của họ rồi cho rằng: Bây giờ lãnh đạo suy thoái như thế, còn học ai? Còn ai bình dị, vì dân mà học?

Ở đây cần thấy rằng: Việc Đảng chỉ đạo làm rõ, xử lý sai phạm với quan điểm “không có vùng cấm” thể hiện sự nghiêm minh, vừa để trị người vi phạm, vừa để răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa chung. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật Đảng và xử lý kỷ luật hành chính, xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành chính là biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch nội bộ đảng hết sức hữu hiệu. 

Không thể liệt kê những cá nhân vi phạm, bị xử lý để nói rằng còn ai bình dị, còn ai cao quý, vì dân mà học. Chúng ta không thể vơ đũa cả nắm, không quy kết một cá nhân, con người vi phạm cụ thể thành tập thể, thành bản chất. Muốn cứu cây, muốn cây khoẻ mạnh phải bắt bỏ sâu, phải chặt bỏ cành sâu mục. Mục tiêu, đường lối của Đảng là rõ ràng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân và biết bao cán bộ, đảng viên đang mẫn cán học tập, noi theo Bác, sống bình dị, kiệm cần, vì đồng bào, vì tập thể, xã hội. 

Nếu mỗi người đều chờ ai đó học, ai đó làm chứ không phải mình, chỉ lên mạng chê bai thì không thể nói hiệu quả. Thế nên, để tránh bệnh ỷ lại, hình thức, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị xác định rõ cách làm: Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp...

Hiểu một cách đầy đủ 4 vấn đề trên như vậy cũng là tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động để việc học tập, làm theo Bác, xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả, tránh những quan điểm sai lệch, những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đăng Minh
Báo Công an nhân dân
Các tin liên quan