Giải pháp đẩy mạnh mô hình thư viện tiên tiến, hiện đại và nguồn vốn đầu tư các dự án ngành giáo dục tại TPHCM

25/06/2020
Ngày 23-6, tại Hội nghị bàn về các giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn TPHCM do Sở GD-ĐT TP phối hợp với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP (HFIC) tổ chức, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, TP đã có kế hoạch đầu tư xây dựng thí điểm mô hình thư viện tiên tiến, hiện đại tại 16 trường phổ thông trên địa bàn Thành phố.

 

Thư viện tiên tiến, hiện đại đầu tiên tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã đi vào hoạt động bắt đầu từ năm học 2019-2020 và đã chứng minh được hiệu quả cao. Đây là mô hình thư viện đầu tư theo hình thức xã hội hóa, dự án vay vốn để đầu tư và được ngân sách Thành phố hỗ trợ lãi vay.

Khai mạc hội nghị


Theo ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, phụ huynh hiện nay vẫn mang tâm lý e dè khi được vận động đóng góp. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi “Con tôi được thụ hưởng gì từ thư viện thông minh?”. Đáp lại băn khoăn này, nhà giáo Nguyễn Minh bày tỏ: “Để nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, trước hết cần thay đổi quan niệm giáo dục trong nhà trường”.

Cụ thể, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã áp dụng hai mô hình “lớp học trong thư viện” (học sinh đến học trực tiếp tại thư viện) và “thư viện trong lớp học” (phủ sóng wifi toàn trường để học sinh ngồi trong lớp học có thể truy cập kho tài nguyên học liệu của nhà trường), bước đầu thay đổi suy nghĩ của phụ huynh và học sinh về diện tích giới hạn của một thư viện trong trường phổ thông. Bên cạnh tài nguyên sách giấy với hơn 9.000 cuốn, kho tài nguyên số còn có 10.933 đầu sách điện tử (gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, tác phẩm văn học, nghệ thuật…), 403 tập tin phim ảnh, hơn 500 sách nói và hình ảnh tra cứu.

Đặc biệt, thư viện tích hợp hệ thống giảng dạy trực tuyến LMS (Learning Management System) giúp giáo viên xây dựng kho bài giảng đã được số hóa và các phần mềm thực tế ảo hỗ trợ cho quá trình học tập, nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên như Vật lý, Hóa học, Sinh học...

Hội nghị theo dõi trao đổi về mô hình thư viện tiên tiến, hiện đại.
 

Tham gia cùng hội nghị, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng giới thiệu mô hình thư viện điện tử hiện đại của nhà trường được Ban Giám hiệu quan tâm đầu tư trong thời gian qua. Ngoài ra, , Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn giới thiệu thêm một số ứng dụng mà nhà trường tự phát triển qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng tra cứu dữ liệu, học liệu hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập của cả giáo viên và sinh viên nhà trường.
 

Hiện nay, các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được hỗ trợ 100% lãi suất, vay tối đa 7 năm, tổng vốn vay không quá 100 tỷ đồng/dự án theo Quyết định số 50/2015-QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND TP Ban hành Quy định về thực hiện chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM. Dự án “Thư viện tiên tiến, hiện đại” là một trong hai dự án trọng điểm đã được Thường trực UBND TP giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập của Thành phố.

UBND TP đã ban hành Công văn số 2643/VP-VX ngày 05/4/2016 về chấp thuận chủ trương cho phép triển khai thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn Thành phố theo chương  trình kích cầu thông qua đầu tư” và Sở GD&ĐT đã đề xuất danh mục 16 đơn vị trường Trung học phổ thông công lập dự kiến thực hiện dự án tại Công văn số 3130/GDĐT-KHTC ngày 15/9/2016, đây cũng là cơ hội để các trường mạnh dạn đầu tư nhằm tạo cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.
 
Thực tế cho thấy, tổng mức đầu tư một dự án thư viện tiên tiến, hiện đại trung bình khoảng 15 tỷ đồng kết hợp với các điều kiện hỗ trợ, ưu đãi của TP thì việc các đơn vị chủ động đầu tư sẽ giúp đẩy nhanh thời gian thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ nhân rộng mô hình này tại các trường học trên địa bàn ở tất cả cấp học.

 

Ông Nguyễn Quang Thanh, Trưởng phòng Thẩm định HFIC, giới thiệu nguồn vốn
 
 
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Thanh (Trưởng phòng thẩm định HFIC), chia sẻ, lũy kế từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã đầu tư 30 doanh nghiệp, tổng giá trị 6.185 tỉ đồng. HFIC cũng cho vay thực hiện 207 dự án phát triển TP.HCM, tổng mức cho vay 38.000 tỉ đồng; Riêng lĩnh vực giáo dục, HFIC đã cho vay 72 dự án là các trường học từ giáo dục mầm non, tiểu học, trung học đến các cấp cao đẳng đại học trên địa bàn thành phố. Tổng mức đầu tư các dự án trên là 8.993 tỷ đồng, trong đó HFIC đã cho vay là 4.502 tỷ đồng. Trong thời gian tới, HFIC sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành giáo dục tham gia tài trợ vốn đầu tư các dự án mới. 

 Tin và ảnh: Nguyễn Hồng Long

 

Các tin liên quan