Nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót

29/01/2021
(Thanhuytphcm.vn) - Tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sáng 26/1, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã trình bày báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) Đảng khóa XII.
Đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, đưa đất nước tiếp tục phát triển

Báo cáo nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo, đặc biệt năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng và suy thoái nghiêm trọng; các nước lớn điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh gay gắt và tăng cường bảo hộ thương mại. Trong nước, những năm đầu và cuối của nhiệm kỳ, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại nặng nề, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp… Trong bối cảnh đó, BCHTW đã tập trung lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII đã đề ra và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Về lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, báo cáo cũng khẳng định, đã triển khai đồng bộ toàn diện bài bản công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là kiên quyết kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhiệm kỳ vừa qua, đã lập 36 Đoàn kiểm tra do các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư làm Trưởng đoàn, kiểm tra đối với 110 lượt tổ chức Đảng trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; xem xét thi hành kỷ luật 10 tổ chức Đảng, 52 cán bộ đảng viên vi phạm, trong đó có những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt của địa phương, đơn vị, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang; một số trường hợp phải xử lý về hình sự, bảo đảm dân chủ, đoàn kết, công minh, chính xác, công khai, kịp thời, nhân văn, thấu tình đạt lý. Nhiều vụ việc khó, phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm, có đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành, nhiều địa phương, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã được xem xét kết luận và xử lý nghiêm minh dứt điểm.

Về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; từng bước hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thường xuyên kiện toàn, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thực hiện đồng bộ giữa xử lý kỷ luật, xử lý hành chính với xử lý hình sự. Tăng cường phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; tạo ra sức mạnh đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc và thu hồi tài sản thất thoát được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Nhiều vụ việc, vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến một số cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Tạo dấu ấn quan trọng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bộ Chính trị đã kỷ luật 11 cán bộ, đảng viên. Trong đó, 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Ủy viên Trung ương Đảng, 2 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an không phải là Ủy viên Trung ương Đảng.

Ban Bí thư thi hành kỷ luật 41 cán bộ, đảng viên, trong đó có 12 đồng chí nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng. Đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương cơ sở; ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Lãnh đạo phải toàn diện nhưng phải có quyết tâm, trọng tâm, trọng điểm

Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tạo ra dấu ấn lớn, là điểm tựa cho những năm tiếp theo, mà còn tạo ra niềm tin, khí thế để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, tận dụng thời cơ để nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ Đại hội XII còn có một số hạn chế: việc thể chế hoá, cụ thể hoá một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn còn là khâu yếu. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn một số hạn chế, bất cập. Việc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Đời sống một bộ phận Nhân dân còn khó khăn. Có lúc, có nơi việc xây dựng tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật và thực thi công vụ vẫn còn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm… Đối với các đồng chí Ủy viên BCHTW (chính thức và dự khuyết) vẫn có đồng chí Ủy viên Trung ương còn thiếu gương mẫu, vi phạm các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị xử lý kỷ luật về đảng và xử lý hình sự.

Những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân quan trọng là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế; chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số lĩnh vực, địa phương chưa rõ... BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót nêu trên.

Trong báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCHTW khóa XII, đồng chí Trần Quốc Vượng cũng thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo như việc triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu; lãnh đạo thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường ở nhiều nơi còn bất cập; lãnh đạo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, khắc phục những tồn đọng kéo dài nhiều năm còn chậm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Cơ chế, chính sách chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư công triển khai các dự án Luật gắn với đổi mới cổ phần hóa sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước còn chậm và chưa đạt hiệu quả cao… Từ những hạn chế nêu trên, đồng chí Trần Quốc Vượng nêu ra những bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh, lãnh đạo phải toàn diện nhưng phải có quyết tâm, trọng tâm, trọng điểm.  Trong chỉ đạo phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động sáng tạo,  nhạy bén, tích cực, luôn theo dõi diễn biến tình hình thế giới, kịp thời tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận vững vàng,  bản lĩnh đổi mới sáng tạo, đấu tranh các quan điểm sai trái thù địch chống bảo thủ trì trệ. Nâng cao khả năng dự báo phát hiện những diễn biến mới những vấn đề phát sinh để kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp cách đi và cách làm phù hợp…

Ảnh đại diện: Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trình bày báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII


Trung Kiên
Các tin liên quan