Gặp Đại tá phi công bắn rơi 7 máy bay Mỹ và "ngày đặc biệt 27/7".

27/07/2018
Đại tá phi công anh hùng Nguyễn Văn Bảy – người từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ nay về quê nhà Đồng Tháp vui sống với ao cá, ruộng sen...

 

Ông Bảy cho mình là người may mắn khi không bị thương, không nằm xuống như bao đồng đội. Do vậy, với ông ngày 27/7 là một ngày rất đặc biệt!

Kể về cuộc đời theo bộ đội của ông cũng là điều lí thú. Khi 18 tuổi, cha mẹ bắt ông cưới vợ nên ông “hoảng quá”, ôm quần áo theo chân các anh bộ đội, xin đi lính nhưng không được nhận. Cũng may thời đó, ông Bảy có tài bắt cá, bẫy chuột, trồng rau giỏi… Nhờ cái tài này, ông Bảy đã góp công tăng gia, cải thiện bữa ăn cho bộ đội nên đến năm 1954 ông Bảy được chọn vào lính bộ binh. 

 Đại tá phi công anh hùng Nguyễn Văn Bảy hào hứng kể lại các trận đánh không chiến mà ông lần lượt bắn rơi 7 máy bay của Mỹ vào những năm 1966-1967.

 

Đến năm 1958, Trung ương đến chọn ông vào lính phi công. Theo ông Bảy, thời điểm đó, mỗi Sư đoàn chỉ chọn 3 người vào lính phi công và ông chẳng ngờ rằng, một "thằng lính" học mới lớp 3, thuộc tầng lớp bần nông như ông lại được trung ương chọn học lái máy bay. 

Ông Bảy kể: “Do đòi hỏi lính phi công phải học tối thiểu lớp 10 để biết tính toán, chuyển động hóa… nên tôi được bồi dưỡng lớp đặc biệt, học 7 ngày lên 7 lớp. Sau đó, tôi được cử đi Trung Quốc học lái máy bay quân sự”. 

Theo ông Bảy, thời điểm đó, không quân Việt Nam có một khoảng cách rất lớn với Mỹ nhưng với tinh thần, truyền thống của quân đội, không quân và các lực lượng khác lần lượt chiến thắng đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ.


Đến năm 1965 ông Bảy trở về Việt Nam thuộc biên chế Trung đoàn không quân tiêm kích 923. Ông Bảy tham gia đánh 13 trận (từ năm 1966-1967) và bắn rơi 7 máy bay Mỹ trên bầu trời Thái Nguyên, Việt Trì và Hà Nội. Nhờ thành tích này, ông Bảy được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam từ đó. 

Sau chiến công ấy, Chỉ huy có lệnh cho ông ngưng chiến đấu; sau đó cho ông đi học chỉ huy ở Liên Xô. Ông Bảy nói: “Khi bắn hạ được 7 máy bay, tao hăng lắm. Bởi vậy khi Chỉ huy không cho lái máy bay chiến đấu nữa, tao ức lắm! Nhưng bây giờ mới hiểu, Chỉ huy muốn giữ mình lại để truyền kinh nghiệm cho lứa sau, giữ mình lại để làm nhân chứng sống như bây giờ”. 

 Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy (người thứ ba bên phải) trong một lần cùng các đại biểu Việt Nam hội đàm Chủ tịch Fidel Castro.


Theo ông Bảy, chiến tranh đã qua đi, quan hệ Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa và tốt lên rất nhiều. Với ông cũng như bao người lính Việt Nam, căm thù chiến tranh, căm thù những người đã tạo ra cuộc chiến tranh phi nghĩa, chứ ông không hề căm thù người Mỹ. Bởi thế, một trong những phi công Mỹ bị ông bắn rơi khi xưa đã dẫn con gái về Việt Nam thăm ông và ông Bảy đã nhận cô gái đó làm con nuôi đến giờ. 

   

Giây phút đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy gặp lại cô con gái nuôi người Mỹ. Cô gái này là con của một người lính phi công Mỹ mà ông từng bắn rơi máy bay.

 

 Đại tá phi công anh hùng nay vui vầy bên đồng ruộng...

 

Năm nào cũng vậy, đến chiều 26/7 hoặc trễ lắm là sáng 27/7, ông mặc quân phục chỉnh tề đến thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang huyện Lai Vung.

 

Nguyễn Hành.

Các tin liên quan