Thông tin giải đáp lĩnh vực kiểm tra, giám sát

26/10/2014
Phần thứ nhất
CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA ĐẢNG
 
Câu hỏi 1: Phạm vi và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các tổ chức cơ sở đảng như thế nào?

Trả lời:
- Các tổ chức đảng có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết
luận của Đảng, của cấp ủy cấp trên, của cấp mình và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh.

- Các tổ chức cơ sở đảng (chi bộ, đảng ủy) kiểm tra, giám sát bằng cách chủ yếu sau đây:
Thông qua chế độ hội ý, hội báo phản ánh tình hình giữa đảng ủy (ban thường vụ) với các tổ chức đảng trực thuộc, giữa chi ủy với các tổ trưởng tổ đảng; qua sinh hoạt thường kỳ, qua tự phê bình và phê bình, phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức đảng; qua bình xét chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh và kiểm tra, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của đảng ủy, chi ủy, chi bộ, tổ đảng và của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Cùng với việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, đảng ủy, chi bộ cần có chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ theo thời gian hoặc theo thời vụ, chu kỳ sản xuất, đợt vận động hoặc giám sát theo chuyên đề đối với tổ chức đảng và đảng viên sinh hoạt và hoạt động trong đảng bộ, chi bộ về những nội dung cần thiết.

- Khi có tổ chức đảng hoặc đảng viên có dấu hiệu vi phạm, bị tố cáo hoặc khi có yêu cầu kiểm tra của tổ chức đảng cấp trên thì có kế hoạch tiến hành kiểm tra theo đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình thủ tục.

Câu hỏi 2: Đảng viên có trách nhiệm gì đối với công tác kiểm tra, giám sát?

Trả lời:
Đảng viên có trách nhiệm tham gia công tác kiểm tra giám sát và chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng.

Đảng viên phải thường xuyên tự kiểm tra trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và nhiệm vụ đảng viên, đồng thời nhắc nhở, đôn đốc đảng viên khác trong chi bộ, đảng bộ chấp hành. Thực hiện tốt tự phê bình và kịp thời phát hiện, phê bình trung thực, chân thành, thẳng thắn đối với đảng viên và tổ chức đảng trong chi bộ, đảng bộ có khuyết điểm hoặc có dấu hiệu vi phạm. Tích cực tham gia công tác kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch kiểm tra giám sát của chi bộ, đảng ủy hoặc theo yêu cầu của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên.

Mọi hoạt động của đảng viên đều phải chịu sự kiểm tra của chi bộ và các tổ chức đảng có thẩm quyền. Khi cấp ủy và ủy ban kiểm tra yêu cầu báo cáo, cung cấp tài liệu về những vấn đề có liên quan đến công tác kiểm tra, đảng viên phải thực hiện đầy đủ, không gây khó khăn, trở ngại cho công tác kiểm tra.

Câu hỏi 3: Phương pháp tiến hành công tác kiểm tra, giám sát của Đảng như thế nào?

Trả lời:
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là công tác đảng, là sinh hoạt đảng. Vì vậy, tiến hành công tác kiểm tra, giám sát phải giữ đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, đúng tính chất công tác đảng.

Phương pháp cơ bản tiến hành công tác kiểm tra, giám sát là: dựa vào tổ chức đảng; phát huy tinh thần tự giác của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng; làm tốt công tác thẩm tra, xác minh đối với công tác kiểm tra; phối hợp chặt chẽ công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, thanh tra nhân dân, công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Câu hỏi 4: Vì sao công tác kiểm tra, giám sát phải dựa vào tổ chức đảng?

Trả lời:
Tổ chức đảng là cơ quan lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới. Có dựa vào tổ chức đảng thì cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên mới có cơ sở để hiểu rõ đặc điểm, tình hình của đảng bộ, những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, ưu điểm, khuyết điểm, dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên tạo điều kiện cho việc xem xét, nhận xét đánh giá hoặc kết luận được kịp thời, chính xác. Mặt khác, cũng thông qua tổ chức đảng để giáo dục, đấu tranh, giúp đỡ, tạo điều kiện để đảng viên nhận rõ khuyết điểm, vi phạm (nếu có) để khắc phục, sửa chữa, tiến bộ. Đồng thời, giúp tổ chức đảng thấy được trách nhiệm của mình trong việc quản lý, giáo dục, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên để điều chỉnh kịp thời.

Câu hỏi 5: Vì sao công tác kiểm tra, giám sát phải phát huy tinh thần tự giác của đảng viên và tổ chức đảng?

Trả lời:
Đảng viên là những chiến sĩ tiên phong tự nguyện xin gia nhập Đảng, phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức đảng được thành lập theo nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng có mục tiêu và nhiệm vụ chính trị rõ ràng, do Điều lệ Đảng quy định. Đó là cơ sở tư tưởng và tổ chức để đảng viên và tổ chức đảng tự giác chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ được giao, tự giác chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng có thẩm quyền và tự kiểm tra. Cùng với việc tổ chức đảng trực tiếp quản lý nắm được ưu điểm, thiếu sót, khuyết điểm, dấu hiệu vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng thì chính đảng viên và tổ chức đảng sẽ tự biết được ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, dấu hiệu vi phạm của mình, tự mình tự giác, tự nguyện tự phê bình, kiểm điểm thì sẽ giúp việc kiểm tra, giám sát rút ngắn thời gian, có chất lượng, hiệu quả. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát phải phát huy tinh thần tự giác của đảng viên và tổ chức đảng.

Câu hỏi 6: Vì sao công tác kiểm tra, giám sát phải phát huy tinh thần trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng?

Trả lời:
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một trong những phương châm xây dựng Đảng là tổ chức cho quần chúng tham gia xây dựng Đảng, góp phần kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức đảng, kiểm tra, giám sát công tác và phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Quần chúng gắn bó với tổ chức đảng và đảng viên. Mọi hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên, kể cả ưu điểm, thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế, dấu hiệu vi phạm, quần chúng luôn luôn quan tâm và nhận biết. Vì vậy, công tác kiểm tra phải phát huy tinh thần trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng. Những ý kiến đóng góp của quần chúng đối với tổ chức đảng và đảng viên sẽ giúp thêm cơ sở để tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, kết luận được khách quan, chuẩn xác.

Câu hỏi 7: Vì sao kiểm tra phải làm tốt công tác thẩm tra, xác minh?

Trả lời:
Yêu cầu cơ bản trong công tác kiểm tra là phải đánh giá, kết luận đúng ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm (nếu có) của tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra để có quyết định chính xác. Muốn vậy, ngoài việc phải dựa vào tổ chức đảng, phải phát huy tinh thần tự giác tự phê bình của đảng viên và tổ chức đảng, phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng, phải hết sức coi trọng và làm tốt công tác thẩm tra, xác minh.

Thực tiễn cho thấy có nhiều tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm, khi được kiểm tra đã tự giác tự phê bình, kiểm điểm nghiêm túc trước tổ chức đảng có thẩm quyền nhưng cũng có không ít tổ chức đảng và đảng viên quanh co, giấu giếm khuyết điểm, vi phạm, thậm chí tìm mọi cách đối phó, gây khó khăn, trở ngại đối với công tác kiểm tra hoặc khuyết điểm, vi phạm lộ đến đâu thì nhận đến đó. Tổ chức đảng quản lý đảng viên và tổ chức đảng được kiểm tra, có nơi còn hữu khuynh, thiếu tinh thần chiến đấu, thậm chí dung túng, bao che cho đảng viên và tổ chức đảng vi phạm.

Mặt khác, mọi hoạt động của đảng viên và tổ chức đảng bao giờ cũng diễn ra trong không gian, thời gian, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, với những diễn biến, tình tiết khác nhau; nhiều khi có liên quan đến nhiều người, nhiều tổ chức, nhiều cấp, ở nhiều địa điểm, thời gian khác nhau; có việc còn giữ nguyên bằng chứng, có việc bằng chứng đã bị thất lạc hoặc thay đổi để xác định rõ đối tượng vi phạm, nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân của vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để có kết luận chính xác, xử lý công minh, chính xác, kịp thời; đòi hỏi khi tiến hành kiểm tra phải coi trọng và làm tốt công tác thẩm tra, xác minh; chưa thẩm tra, xác minh thì chưa được kết luận.

Câu hỏi 8: Chi ủy có phải là tổ chức đảng không? Nếu là tổ chức đảng thì có phải là chủ thể là đối tượng kiểm tra, giám sát không?

Trả lời:
Khoản 4, Điều 24 Điều lệ Đảng hóa XI quy định: "Chi bộ có dưới chín đảng viên chính thức, bầu bí thư chi bộ; nếu cần bầu phó bí thư. Chi bộ có chín đảng viên chính thức trở lên, bầu chi uỷ, bầu bí thư và phó bí thư chi bộ trong số chi uỷ viên".

Tiết 1.1.1 và Tiết 1.1.2, Điểm 1.1, Khoản 1 Điều 30 trong Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI ban hành kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương quy định:

"Chủ thể kiểm tra và giám sát: Chi bộ, đảng uỷ bộ phận, đảng uỷ cơ sở; cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ từ cấp trên cơ sở trở lên; uỷ ban kiểm tra; các ban đảng, văn phòng cấp uỷ, cơ quan uỷ ban kiểm tra (gọi chung là các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ); ban cán sự đảng, đảng đoàn (chỉ là chủ thể kiểm tra).
Đối tượng kiểm tra và giám sát: Chi bộ, đảng uỷ bộ phận, đảng uỷ cơ sở; cấp uỷ, ban thường cấp uỷ, thường trực cấp uỷ từ cấp trên cơ sở trở lên; uỷ ban kiểm tra; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng viên".

Như vậy, theo các quy định trên thì chi ủy là tổ chức đảng, nhưng thực tế cho thấy mọi hoạt động của chi ủy đều do chi bộ lãnh đạo và quyết định, ra nghị quyết, chi ủy chỉ có trách nhiệm chuẩn bị nội dung sinh hoạt, hoạt động của chi bộ, chi ủy không có thẩm quyền ra nghị quyết, không có thẩm quyền thi hành kỷ luật. Vì vậy, chi ủy không phải là chủ thể và đối tượng kiểm tra, giám sát.

Câu hỏi 9: Đảng viên chưa đủ một năm tuổi Đảng có được bầu vào cấp uỷ Đảng không?

Trả lời:
Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nêu rõ:
"Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp uỷ khoá mới căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá VIII) về Chiến lược cán bộ. Cụ thể là:

- Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tuỵ phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

- Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Cần đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao; uy tín trong Đảng, trong xã hội; tư duy đổi mới, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý vấn đề mới và vấn đề phức tạp nảy sinh; khả năng đoàn kết, quy tụ; phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Lãnh đạo chủ chốt của cấp uỷ phải thực sự tiêu biểu về bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức và sự cống hiến, có uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; nói chung đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới.

Không cơ cấu vào cấp uỷ những cán bộ, đảng viên mà bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm.

Trên cơ sở tiêu chuẩn chung, các cấp uỷ xây dựng tiêu chuẩn cụ thể đối với từng đối tượng, từng chức danh cán bộ trong từng loại hình tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị, sát hợp với yêu cầu nhiệm vụ của mỗi đảng bộ".

Như vậy, theo các quy định trên, không quy định đảng viên chưa đủ một năm tuổi Đảng thì không được bầu vào cấp uỷ.

Câu hỏi 10: Chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở xã có số lượng đảng viên ít (từ 3-5 đồng chí), mức thu nhập thấp, lại ở phân tán; đảng uỷ xã cho phép chi bộ trích lại 50% tiền đảng phí thu được, 50% nộp lên đảng ủy cơ sở xã. Như vậy là đúng hay sai?

Trả lời:
Tiết a, Điểm 1.1, Khoản 1 Mục II trong Công văn số 141-CV/VPTW/nb ngày 17-3-2011 của Văn phòng Trung ương Đảng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 342-QĐ/TW ngày 28-12-2010 của Bộ Chính trị về chế độ đảng phí quy định: "Các chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn; các chi bộ đại hội; chi bộ đồn, tàu biên phòng, tàu hải quân, tàu cảnh sát biển; các chi bộ đài, trạm ra đa; chi bộ đóng quân ở các xã biên giới vùng sâu, vùng xa, trên các đảo được trích lại 50%, nộp lên cấp uỷ cấp trên 50%".

Trường hợp nêu trên, đảng uỷ xã cho phép chi bộ trực thuộc được trích để lại 50% đảng phí thu được là đúng quy định theo quyết định của Bộ Chính trị.

Câu hỏi 11: Tại đại hội đảng bộ cơ sở, đồng chí Y được giới thiệu tham gia cấp uỷ khoá mới (2010 - 2015) nhưng đã xin rút khỏi danh sách bầu cử. Đoàn chủ tịch đại hội không cho rút, kết quả bầu cử: đồng chí Y không trúng cử cấp uỷ khoá mới. Có ý kiến cho rằng đoàn chủ tịch cố ý hạ uy tín đồng chí Y.
Ý kiến đó có đúng không?

Trả lời:
Tiết 1.3, Khoản 1 Điều 10 trong Quy chế bầu cử trong Đảng, ban hành kèm theo Quyết định số 220-QĐ/TW ngày 17-4-2009 của Bộ Chính trị khoá X quy định nhiệm vụ của Đoàn chủ tịch đại hội đảng. Một trong các nhiệm vụ đó là: "Tổng hợp danh sách những người ứng cử, đề cử và những người xin rút; xem xét, quyết định cho một số người được rút hoặc không được rút khỏi danh sách bầu cử; trường hợp còn nhiều ý kiến chưa thống nhất thì đoàn chủ tịch xin ý kiến của đại hội; lập danh sách bầu cử, lấy biểu quyết của đại hội thông qua danh sách bầu cử".

Như vậy, việc không cho đồng chí Y rút khỏi danh sách bầu cử thuộc thẩm quyền của Đoàn chủ tịch. Nếu đại hội đã biểu quyết thông qua danh sách bầu cử và đồng chí Y có tên trong danh sách đó thì Đoàn chủ tịch đã thực hiện đúng quy định. Do vậy, ý kiến như câu hỏi nêu trên là không đúng.

Câu hỏi 12: Một đảng viên bị xóa tên trong thời gian dự bị vì sinh con thứ ba vào năm 2004, đến nay đã có quá trình phấn đấu tích cực và có nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trường hợp này có kết nạp Đảng được không?

Trả lời:
Điểm 9.2, Mục 9 Quy định số 45-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng nêu rõ: "Đối tượng không xem xét kết nạp lại: Không xem xét, kết nạp lại những người trước đây ra khỏi Đảng vì lý do: vi phạm lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định của Bộ Chính trị; tự bỏ sinh hoạt đảng; làm đơn xin ra Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn); gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; bị phạt tù vì tội tham nhũng; bị án hình sự từ mức nghiêm trọng trở lên".

Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp đảng viên bị xóa tên trong thời gian dự bị vì sinh con thứ ba vẫn được kết nạp lại vào Đảng. Tuy nhiên, việc xét kết nạp lại đảng viên phải căn cứ vào quá trình phấn đấu, rèn luyện và việc chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của đối tượng được xét kết nạp lại và yêu cầu của công tác xây dựng Đảng tình hình thực tế của từng đảng bộ để tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định.


Phần thứ hai
ỦY BAN KIỂM TRA CÁC CẤP

Câu hỏi 13: Cấp uỷ nào thì được bầu ủy ban kiểm tra? Nơi cấp ủy không được bầu ủy ban kiểm tra thì ai phụ trách công tác kiểm tra?

Trả lời:
Từ đảng ủy cơ sở trở lên, cấp ủy bầu ủy ban kiểm tra của cấp mình. Ở các đảng ủy bộ phận và chi bộ theo quy định của Đảng không được bầu ủy ban kiểm tra thì tập thể cấp ủy đó có trách nhiệm tiến hành công tác kiểm tra và phân công một đồng chí cấp ủy viên, chi ủy viên phụ trách công tác kiểm tra.
Ngoài ra, đảng ủy bộ phận có thể phân công một số đảng viên có khả năng, điều kiện để giúp đồng chí cấp ủy viên được phân công làm công tác kiểm tra.

Câu hỏi 14: Kiểm tra đảng viên của ủy ban kiểm tra khác với kiểm tra, phân tích chất lượng đảng viên theo định kỳ, với tự phê bình và phê bình thường xuyên của đảng viên như thế nào?

Trả lời:
Kiểm tra, phân tích chất lượng đảng viên là nhiệm vụ của các chi bộ và cấp ủy cơ sở, tiến hành định kỳ hằng năm đối với tất cả đảng viên của mọi tổ chức cơ sở đảng, theo nội dung hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và ban tổ chức cấp ủy các cấp. Tự phê bình và phê bình là sinh hoạt thường xuyên của đảng viên và của các tổ chức đảng.

Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp do Điều lệ Đảng quy định cho ủy ban kiểm tra các cấp, là kiểm tra từng cá nhân đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm theo nội dung và mốc thời gian do ủy ban kiểm tra các cấp xác định, có tiến hành thẩm tra, xác minh, có vận dụng hình thức tự phê bình và phê bình để làm rõ đúng, sai những nội dung được kiểm tra, có kết luận đối với từng đảng viên về ưu điểm, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về thiếu sót, khuyết điểm và nếu có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải xem xét, xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Đó là những điểm khác nhau quan trọng giữa kiểm tra đảng viên của ủy ban kiểm tra với kiểm tra, phân tích chất lượng đảng viên theo định kỳ và tự phê bình và phê bình thường xuyên của đảng viên.

Câu hỏi 15: Ủy ban kiểm tra làm việc theo chế độ tập thể như thế nào?

Trả lời:
Ủy ban kiểm tra làm việc theo chế độ tập thể là mọi việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban kiểm tra theo quy định của Điều lệ Đảng và quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra do cấp ủy quyết định ban hành đều phải bàn bạc tập thể và quyết định theo đa số.

Việc bàn bạc tập thể của ủy ban kiểm tra chủ yếu thông qua chế độ hội nghị. Trong hội nghị, mọi thành viên ủy ban kiểm tra phát biểu thảo luận và tỏ rõ chính kiến của mình. Việc quyết định của ủy ban kiểm tra chủ yếu là thông qua việc bỏ phiếu kín. Đối với những vấn đề quan trọng, nếu kết quả bỏ phiếu kín không quá bán, thì tập thể ủy ban kiểm tra có thể tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết quyết định lại. Việc tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết quyết định lại do tập thể ủy ban kiểm tra quyết định. Trường hợp bỏ phiếu biểu quyết quyết định lại mà vẫn không quá bán thì báo cáo cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên quyết định. Khi bỏ phiếu biểu quyết quyết định, phiếu của các thành viên ủy ban kiểm tra đều có giá trị như nhau.

Câu hỏi 16: Ủy ban kiểm tra làm việc dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ cùng cấp như thế nào?

Trả lời:
Ủy ban kiểm tra làm việc dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp là phải báo cáo với cấp ủy cùng cấp tình hình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban kiểm tra, báo cáo chủ trương, kế hoạch, nhiệm vụ công tác của ủy ban kiểm tra từng thời kỳ; nghiêm chỉnh chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy về công tác kiểm tra, quyết định của cấp ủy về quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra và các nhiệm vụ do cấp ủy giao; chịu sự lãnh đạo và kiểm tra, giám sát của cấp ủy về mọi hoạt động của mình.

Câu hỏi 17: Ủy ban kiểm tra của đảng ủy cơ sở được ủy ban kiểm tra huyện ủy kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên, giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng. Trong kết luận có nêu là lập hồ sơ không đầy đủ. Vậy hồ sơ giải quyết tố cáo và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng gồm những văn bản gì?

Trả lời:
Trong hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc lập hồ sơ và nội dung của từng loại hồ sơ của ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở như sau:

1. Hồ sơ giải quyết tố cáo, gồm có:
    - Đơn tố cáo, bản ghi lời tố cáo bằng miệng (nếu có nhiều đơn thì lưu giữ theo thứ tự thời gian, các đơn trùng lập nội dung thì chỉ lưu giữ một đơn).
    - Văn bản tóm tắt nội dung đơn tố cáo và yêu cầu ủy ban kiểm tra đối với đảng viên hoặc chi ủy, chi bộ bị tố cáo.
    - Báo cáo giải trình của đảng viên hoặc tổ chức đảng bị tố cáo.
    - Các tài liệu thẩm tra, xác minh.
    - Biên bản các cuộc họp của chi bộ, ủy ban kiểm tra...
    - Báo báo kết quả giải quyết tố cáo.
    - Thông báo kết luận của ủy ban kiểm tra hoặc của cấp ủy về nội dung tố cáo.
2. Hồ sơ giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, gồm có:
    - Quyết định và tài liệu có liên quan đến quyết định thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại trước đây (nếu có).
    - Đơn khiếu nại kỷ luật của đảng viên (nếu có nhiều đơn thì lưu giữ theo thứ tự thời gian, các đơn trùng lắp nội dung thì chỉ lưu giữ một đơn).
    - Các tài liệu thẩm tra, xác minh.
    - Biên bản các cuộc họp, buổi làm việc giải quyết khiếu nại.
    - Báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại.
    - Quyết định giải quyết khiếu nại của ủy ban kiểm tra hoặc cấp ủy có thẩm quyền về giải quyết khiếu nại.

Câu hỏi 18: Khoản 5, Điều 32 Điều lệ Đảng quy định nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp là: "Kiểm tra tài chính của cấp ủy cấp dưới và của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp". Đề nghị giải thích rõ nội dung kiểm tra tài chính mà ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở cần phải làm?

Trả lời:
Điểm 6.2, Khoản 6 Điều 32 trong Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khoá XI ban hành kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương quy định đối tượng kiểm tra tài chính của ủy ban kiểm tra các cấp như sau: "Cấp uỷ cấp dưới và cơ quan tài chính cấp uỷ cùng cấp. Khi cần thiết thì kiểm tra tài chính các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trực thuộc cấp uỷ cùng cấp".

Để cụ thể hóa Hướng dẫn trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu rõ nội dung kiểm tra tài chính của Đảng ở cơ sở xã, phường, thị trấn trong tài liệu huấn luyện nghiệp vụ về công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, như sau:

1. Kiểm tra việc thu, chi ngân sách (từ ủy ban nhân dân chuyển sang; từ đảng phí và các nguồn thu khác); việc chấp hành các nguyên tắc, chế độ thu, chi, việc chấp hành chế độ kế toán và quyết toán định kỳ.
   - Việc bảo đảm trợ cấp về tài chính cho cán bộ, đảng viên cơ sở.
   - Việc chi tiêu, cấp phát sách báo.
   -  Việc mở sổ, ghi chép, lưu trữ chứng từ thu, chi; việc quản lý sử dụng tài sản được cấp.
2. Kiểm tra việc thu nộp đảng phí:
   - Kiểm tra việc thu nộp, sử dụng đảng phí của chi bộ.
   - Kiểm tra việc đảng viên nộp đảng phí; việc thực hiện quyết định miễn đóng đảng phí đối với đảng viên; việc trích nộp theo tỷ lệ và sử dụng đảng phí.
   - Kiểm tra bàn giao đảng phí ở những chi bộ mới chia tách, sáp nhập, giải thể…

Câu hỏi 19: Trong Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI ban hành hèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương quy định: "Chỉ có chi bộ, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp là cơ quan tài chính cấp ủy mới có thẩm quyền kiểm tra tài chính của Đảng".
Vậy, việc ủy ban kiểm tra lập đoàn kiểm tra có thành viên là cán bộ thanh tra và cán bộ tài chính thuộc cơ quan nhà nước để tiến hành kiểm tra cơ quan tài chính của cấp ủy cùng cấp có sai với quy định của Điều lệ Đảng không?

Trả lời:
Trước hết phải nhận thức đúng đắn rằng đây là cuộc kiểm tra tài chính của Đảng, do ủy ban kiểm tra của cấp ủy chủ trì tiến hành. Do nhiệm vụ và tính chất cuộc kiểm tra, ủy ban kiểm tra khi thành lập đoàn kiểm tra có quyền huy động một số đảng viên là cán bộ chuyên môn về thanh tra, tài chính tham gia đoàn kiểm tra để giúp việc kiểm tra bảo đảm có chất lượng, hiệu quả. Những đảng viên, cán bộ, chuyên viên được huy động phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của đoàn kiểm tra theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng. Việc kết luận đúng sai là do ủy ban kiểm tra (cấp kiểm ra) kết luận. Do vậy trường hợp như câu hỏi nêu và không sai với quy định của Điều lệ Đảng.

Câu hỏi 20: Ủy ban kiểm tra của đảng ủy cơ sở có thẩm quyền thi hành kỷ luật không?

Trả lời:
Điểm 4.1, Khoản 4 Điều 36 trong Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI ban hành kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương quy định: "Uỷ ban kiểm tra đảng uỷ cơ sở không có thẩm quyền kỷ luật đảng viên nhưng có trách nhiệm xem xét, kết luận, đề xuất đảng uỷ cơ sở và uỷ ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định".

Câu hỏi 21: Ủy viên ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở do ban thường vụ huyện ủy chuẩn y, nhưng khi bị kỷ luật cách chức lại do đảng ủy cơ sở quyết định. Như vậy có đúng không?
 
Trả lời:
 Việc chuẩn y danh sách thành viên được bầu cử trong các tổ chức đảng và phân cấp quản lý cán bộ của Đảng thuộc các quy định khác nhau và không đồng nhất. Việc chuẩn y thực hiện theo quy định về bầu cử trong Đảng. Việc kỷ luật đảng viên thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khoá XI ban hành kèm theo quyết định số 46-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương và theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Chính trị và cấp ủy các cấp.

Quyền chuẩn y và quyền quản lý cán bộ khác nhau, không nhất thiết cấp ủy chuẩn y đồng thời là cấp ủy quản lý đối với các chức danh bầu cử trong Đảng. Do đó, ủy viên ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở khi có vi phạm đến mức phải kỷ luật cách chức do đảng ủy cơ sở quyết định kỷ luật là đúng quy định về phân cấp quản lý cán bộ và thẩm quyền thi hành kỷ luật của Đảng.

Câu hỏi 22: Kiểm tra tài chính (thu, chi ngân sách) của Đảng ở cơ sở xã, phường, thị trấn và ở chi bộ về thu, nộp và sử dụng đảng phí gồm những nội dung gì?

Trả lời:
Nội dung kiểm tra tài chính (thu, chi ngân sách) của Đảng ở cơ sở xã, phường, thị trấn và ở chi bộ về thu, nộp và sử dụng đảng phí gồm:

- Đối với đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn:
  + Kiểm tra việc thu, chi ngân sách (từ ủy ban nhân dân chuyển sang; từ đảng phí và các nguồn thu khác); việc chấp hành các nguyên tắc, chế độ thu, chi, việc chấp hành chế độ kế toán và quyết toán định kỳ.
  + Việc bảo đảm trợ cấp về tài chính cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
  + Việc chi tiêu, cấp phát sách báo.
  + Việc mở sổ, ghi chép, lưu trữ chứng từ thu, chi; việc quản lý, sử dụng tài sản được cấp.
  + Kiểm tra việc thu, nộp, sử dụng đảng phí.

- Đối với chi bộ:
  + Kiểm tra việc thu, nộp, sử dụng đảng phí của chi bộ.
  + Kiểm tra việc đảng viên thực hiện đóng đảng phí hằng tháng theo quy định.
  + Kiểm tra việc thực hiện quyết định miễn đóng đảng phí đối với đảng viên.
  + Kiểm tra việc trích nộp theo tỷ lệ lên đảng ủy cấp trên và sử dụng đảng phí được giữ lại của chi bộ.
  + Kiểm tra bàn giao đảng phí ở những chi bộ mới chia tách, sáp nhập, giải thể...

Câu hỏi 23: Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đối với tập thể ban chấp hành đảng bộ bộ phận và một số đồng chí trong ban chấp hành đảng bộ bộ phận đã hết nhiệm kỳ. Qua kiểm tra, đã phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong giai đoạn đó. Hiện nay có hai loại ý kiến:

- Ý kiến thứ nhất: Cho rằng khi đảng bộ bộ phận đã đại hội hết nhiệm kỳ thì việc ra quyết định kiểm tra trên là vô hiệu đối với cả tập thể ban chấp hành đảng bộ bộ phận và các cá nhân đồng chí đảng ủy viên khóa đó.

- Ý kiến thứ hai: Cho rằng chỉ vô hiệu đối với tập thể ban chấp hành đảng bộ bộ phận, còn các đồng chí đảng ủy viên khóa trước vẫn là đảng ủy viên của đảng ủy đảng bộ bộ phận khóa này thì việc kiểm tra đảng viên không vô hiệu.
Ý kiến nào đúng?

Trả lời:
Điểm 2.2, Khoản 2, Điều 39 trong Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI ban hành kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương quy định: "Nếu tổ chức đảng sau khi sáp nhập, chia tách hoặc kết thúc hoạt động mới phát hiện có vi phạm thì tổ chức đảng có thẩm quyền cấp trên của tổ chức đảng đó xem xét, xử lý".

Điểm 4, Mục III Thông báo kết luận số 105- TB/UBKTTW ngày 15-5-2007 của Ủy ban Kiểm ra Trung ương đã nêu: "Trường hợp tổ chức đảng hết nhiệm kỳ mới phát hiện vi phạm chưa được xem xét, kết luận thì tổ chức đảng cấp trên trực tiếp tiến hành xem xét, kết luận theo đúng quy trình kiểm tra đối với tổ chức đảng. Tổ chức đảng kế thừa nhiệm vụ của tổ chức hết nhiệm kỳ trước đó làm báo cáo kiểm điểm. Khi tiến hành họp kiểm điểm cấp uỷ hay kiểm điểm ban thường vụ thì tổ chức đảng tiến hành kiểm tra mời những thành viên của tổ chức đã hết nhiệm kỳ của cấp uỷ hay ban thường vụ về dự họp để nghe kiểm điểm và trình bày ý kiến, nhưng không được biểu quyết, hoặc bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật vì các đồng chí về dự không còn là thành viên của cấp uỷ khóa hiện tại".

Như vậy, theo các quy định trên thì việc ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở quyết định kiểm tra ban chấp hành đảng bộ bộ phận và một số đồng chí trong đảng ủy đảng bộ là thực hiện đúng quy định. Đảng ủy đã hết nhiệm kỳ mới phát hiện có vi phạm vẫn phải tiến hành kiểm tra xem xét, kết luận. Nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, thì căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại và nguyên nhân vi phạm mà áp dụng hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan và ghi lý lịch từng thành viên của đảng ủy đảng bộ bộ phận đã hết nhiệm kỳ. Do đó, cả hai ý kiến trên đều chưa đúng.

Câu hỏi 24: Ủy ban kiểm tra đảng ủy xã A kiểm tra tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm đối với chi ủy thôn B. Việc kiểm tra đó có đúng đối tượng không? Quy định cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp là nói cấp ủy các cấp hay chỉ là cấp ủy cấp trên cơ sở trở lên?

Trả lời:
Điểm 1.1.2, Khoản 1, Điều 30 trong Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI ban hành kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương quy định: "Đối tượng kiểm tra giám sát: Chi bộ, đảng uỷ bộ phận, đảng uỷ cơ sở, cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, thường trực cấp uỷ từ cấp trên cơ sở trở lên; uỷ ban kiểm tra; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng viên".

Theo Hướng dẫn trên thì chi ủy không phải là đối tượng kiểm tra. Tuy nhiên, có một số nơi đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với chi ủy, có nơi kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với chi bộ, thì tổ chức đảng có thẩm quyền đã kết hợp kiểm tra cá nhân các đồng chí trong ban chi ủy (đối với chi bộ có chi ủy), hoặc bí thư, phó bí thư chi bộ và đảng viên trong chi bộ có liên quan đến nội dung kiểm tra để việc kiểm tra đạt kết quả tốt.

Cũng theo Hướng dẫn trên thì quy định "Cấp uỷ, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp uỷ từ cấp trên cơ sở trở lên" không bao gồm chi ủy, đảng ủy bộ phận, đảng ủy cơ sở. Vì khi kể tên các đối tượng kiểm tra, giám sát hướng dẫn đã liệt kê đúng tên đối tượng kiểm tra là "chi bộ, đảng uỷ bộ phận, đảng uỷ cơ sở" nên các đối tượng liệt kê sau đó không bao gồm chi ủy, đảng ủy bộ phận và đảng ủy cơ sở, mà muốn xác định từ cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên.

Câu hỏi 25: Khi đồng chí C hết thời gian là đảng viên dự bị, do có vi phạm nên chi bộ ra nghị quyết đề nghị xoá tên trong danh sách đảng viên. Từ khi chi bộ đề nghị (tháng 6-2010) đến khi ban thường vụ huyện uỷ quyết định là một năm và một năm sau đảng viên C mới nhận được quyết định.
Vậy quyết định đó còn có hiệu lực thi hành nữa không?

Trả lời:
Về nguyên tắc, quyết định của ban thường vụ huyện uỷ về việc xoá tên trong danh sách đảng viên đối với đồng chí C có hiệu lực thi hành cho dù có thời gian như đã nêu trong câu hỏi là dài, làm cho đồng chí đó băn khoăn. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng không bình thường trong sinh hoạt nội bộ Đảng phải xem xét, xử lý.

Ban thường vụ huyện uỷ, chi bộ và đảng uỷ (nếu có) phải nghiêm túc kiểm tra lại sự việc, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan trong từng khâu của quá trình xem xét, xử lý nghị quyết đề nghị của chi bộ về việc xoá tên của đồng chí C trong danh sách đảng viên để rút kinh nghiệm.