Thành phố Hồ Chí Minh - Kỳ vọng bứt phá.

30/06/2016
(ĐTTC) - Cách đây tròn 40 năm, ngày 2-7-1976, TP Sài Gòn - Gia Định vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh: TPHCM. 40 năm qua, lãnh đạo và nhân dân TP đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt nhiều thành tựu xây dựng, phát triển và trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển vẫn chưa đạt, tiềm năng và thế mạnh của TP chưa khai thác hết; năng lực cạnh tranh yếu, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, an toàn xã hội, giao thông… còn nhiều bất cập. Đây là nguyên nhân và lực cản phát triển rất lớn mà chỉ có cơ chế đặc thù và các chính sách đột phá mới giúp TPHCM khắc phục và bứt phá phát triển.
Cùng trăn trở với lãnh đạo TP, những ngày qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn Chính phủ gồm 11 bộ trưởng và gần như tất cả thứ trưởng đại diện cho các bộ, đã lắng nghe, xem xét và giải quyết một loạt kiến nghị về 7 vấn đề lớn của TPHCM.
Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để TPHCM phát triển nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của cả nước. Các kiến nghị của TP về những vấn đề cấp thiết đã được các bộ trưởng trả lời trực tiếp. Đó là 9 vấn đề liên quan đến bộ máy tổ chức, đã có 6 vấn đề đang được Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết. Hay kiến nghị phân cấp, ủy quyền được Bộ Y tế đồng ý với phần lớn các chủ trương thí điểm về phí, lệ phí, quản lý cán bộ, công chức, thành lập các cơ quan chuyên môn, đặc biệt về thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm và các cơ chế đặc thù xã hội hóa thu hút nguồn lực cho phát triển y tế. Các kiến nghị về tháo gỡ các thủ tục đầu tư được Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhất trí. Hoặc Bộ trưởng GTVT cho biết đang quyết liệt đề nghị Chính phủ giải quyết các kiến nghị về đầu tư kết cấu giao thông, trong đó có hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất…
Rõ ràng những ràng buộc về cơ chế đối với TPHCM đã tạo ra không gian phát triển quá tải, động lực phát triển bão hòa, cộng với những tác động về tăng dân số, tác động môi trường, biến đổi khí hậu… đã làm chậm phát triển của TP. Chính Bộ trưởng Bộ KH-ĐT bày tỏ quan điểm để phát triển TPHCM nhanh, bền vững phải mạnh dạn tháo gỡ những vướng mắc, vật cản và tạo ra mô hình kinh tế mới mang tính động lực. Theo đó, TPHCM phải là đầu tàu về thực hiện cơ chế, chính sách phát triển, tạo sức lan tỏa khu vực và xây dựng một lớp doanh nhân mới năng động, sáng tạo, đủ sức cạnh tranh. Đồng tình, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng phải mạnh dạn phân cấp, ủy quyền cho TPHCM, cái nào làm ngay được thì làm, không bàn, không chờ Chính phủ quyết. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh TPHCM đã đi đầu rồi phải đi nhanh lên; cái gì đã có thì làm tốt lên; cần tăng cường làm thí điểm, không đợi luật ban hành, có đề án của từng lĩnh vực thấy được là Chính phủ quyết cho làm thí điểm ngay. Còn người đứng đầu Chính phủ khẳng định Chính phủ đồng ý tất cả đề xuất, kiến nghị của TPHCM và sẽ chỉ đạo quyết liệt thực hiện trong thời gian nhanh nhất. Chính phủ không có nhiều tiền, nhưng có cơ chế để tối đa hóa môi trường thuận lợi để TP phát triển.
 
Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng phát triển.
 
Thực tế, theo TS. Trần Du Lịch, chuyện TPHCM đứng đầu đã là lịch sử. Mỗi giai đoạn mỗi khác, nên đặt kỳ vọng cũng khác, phải lấy các TP trong khu vực để phấn đấu, rút ngắn khoảng cách. Muốn vậy, TPHCM phải có tốc độ phát triển cao hơn các nơi này trong những năm tới. Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng để bứt phá hẳn lên, chỉ đặt vấn đề TPHCM là đặc khu kinh tế chưa đủ. Cần phải coi cả vùng kinh tế trọng điểm, bao gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng thể chế đặc biệt. Có như vậy mới xây dựng được cơ chế cho cả vùng phát triển vượt trội lên, tạo thành trung tâm phát triển cực lớn, tạo động lực kéo cả đất nước lên, trong một tầm nhìn hội nhập, cạnh tranh quốc tế. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu phấn đấu đưa TP thành đô thị hiện đại ngang tầm khu vực. Tuy nhiên, với tốc độ “nở nồi” của đô thị TPHCM hiện nay, nếu không có những ý tưởng táo bạo sẽ gặp khó trong việc quản lý và phát triển đô thị. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng lần tới của TP cần thu hút trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, nhằm tìm kiếm giải pháp đột phá và nâng cao chất lượng quy hoạch.
Chính phủ đã “bật đèn xanh” cho TPHCM tăng tốc. Để TPHCM phát triển nhanh hơn, là “đầu tàu không thể chạy bằng than, mà phải bằng nguyên tử” - như ví von của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Tương lai TPHCM tiếp tục được cả xã hội đặt lên vai các cấp lãnh đạo TP, các nhà quy hoạch, nhà quản lý với nhiệm vụ lớn lao là phải đổi mới theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng, đạt yêu cầu của một đô thị đẳng cấp quốc tế. Hình ảnh về một đô thị văn minh, giàu đẹp, hạnh phúc và ấn tượng cần một sự bứt phá từ các cấp lãnh đạo.

BÁO ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
 

Các tin liên quan