Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý

26/02/2015
Năm 2014 công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT) cho cán bộ, đảng viên nói chung, cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng đã được các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự chuyển biến rõ nét, có ý nghĩa đột phá và đem lại một số kết quả bước đầu quan trọng.
Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. Vì vậy, cùng với việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, các cấp ủy đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Quán triệt sâu sắc mục tiêu, yêu cầu và nội dung nêu trong Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị cho cán bộ, đảng viên, nhằm tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT trong thời kỳ mới. Thấy rõ việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đổi mới đồng bộ các biện pháp quản lý đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Thực hiện phân định rõ chức năng quản lý vĩ mô và vi mô, đẩy mạnh phân cấp đối tượng đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy định chặt chẽ tiêu chuẩn cán bộ cử đi đào tạo, bồi dưỡng LLCT và bảo đảm quy mô đào tạo, bồi dưỡng hợp lý. Việc chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng phải đúng đối tượng. Những cán bộ thuộc diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp nhất thiết phải cử đi đào tạo tập trung theo quy định.

Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Ban Tổ chức Trung ương (cơ quan tham mưu) với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đơn vị khác (cơ quan thực hiện). Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Phân định rõ chức năng tham mưu, giao kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với chức năng thực hiện kế hoạch để xây dựng cơ chế hợp tác và phối hợp hiệu quả. Gắn xây dựng quy hoạch cán bộ với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng LLCT theo tiêu chuẩn chức danh, từ đó xác định kế hoạch và các loại hình đào tạo, bồi dưỡng từng năm cho phù hợp.

Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2015 cần theo hướng cân đối nhu cầu giữa các đơn vị, cơ quan và các địa phương, bảo đảm đúng đối tượng và tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ đào tạo tập trung và tại chức. Khuyến khích tổ chức bồi dưỡng cán bộ theo chức danh gắn với nhu cầu về nâng cao kiến thức và kỹ năng của người học.

Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình bồi dưỡng cán bộ theo chức danh; tăng thêm các chuyên đề gắn với tình hình thực tiễn của các địa phương, các báo cáo điển hình, tổ chức đi thực tế theo chuyên đề, mở rộng sự tham gia tự học của học viên. Nâng cao trình độ LLCT và khả năng kết nối quan điểm phát triển khoa học với thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Nâng cao chất lượng tham mưu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các cấp. Cập nhật kiến thức và các văn bản mới của Đảng và Nhà nước liên quan tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và hệ thống giáo dục quốc dân. Khuyến khích, động viên cán bộ, chuyên viên làm công tác tham mưu theo học các lớp nghiệp vụ, tự học tập, nghiên cứu nhằm không ngừng hoàn thiện bản thân, tự trang bị thêm các kỹ năng làm việc để phối hợp tốt hơn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Tuấn Khanh
UVTƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
 
(Nguồn: http://www.xaydungdang.org.vn
Các tin liên quan