Chi bộ Đảng- đoàn thể HFIC tổ chức về nguồn và sinh hoạt chuyên đề.

05/01/2016
KẾT HỢP TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VỀ NGUỒN, GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG VỚI TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ- MÔ HÌNH SINH HOẠT Ở CẤP CHI BỘ THẬT SỰ HIỆU QUẢ VÀ Ý NGHĨA.
               Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2015) và 26 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989- 22/12/2015), ngày 11 và 12 tháng 12,  chi bộ khối chuyên trách Đảng- đoàn thể thuộc Đảng bộ cơ quan Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động về nguồn và sinh hoạt chuyên đề về “thực hiện Quy chế Dân chủ trong sinh hoạt Chi bộ”
 
             - Chương trình về nguồn: với các hoạt động thăm viếng Đền tưởng niệm, nhà lưu niệm nữ liệt sỹ anh hùng lực lượng vũ trang công an nhân dân Võ Thị Sáu tại xã Phước Long Thọ, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tại đây, các đảng viên của chi bộ được cán bộ khu di tích thuyết minh giới thiệu về tiểu sử và trực tiếp thăm quan những hiện vật về cuộc đời của chị Võ Thị Sáu. Qua liên hệ, phối hợp với địa phương, chi bộ cũng đã đến thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Ba, ở khu phố Thanh Long, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, mẹ có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Néo, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và có con là liệt sĩ Nguyễn Văn Cưu, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
      Giới thiệu về tiểu sử: Chị Võ Thị Sáu, sinh năm 1933 trong một gia đình nghèo ở Đất Đỏ, cha làm nghề đánh xe ngựa, mẹ bán bì bún tại chợ Đất Đỏ; đầu năm 1946, thực dân Pháp trở lại chiếm các địa bàn tại Bà Rịa lần thứ hai, trong đó có Đất Đỏ. Chi Sáu lúc ấy cũng vừa tròn 11 tuổi, với bản chất thật thà, hiền lành và chất phát, yêu quê hương, đất nước, nên nhìn thấy những cảnh giết người, cướp của tàn bạo của bọn lính Pháp, trong lòng chị đã hình thành một ý chí căm thù mãnh liệt, sâu sắc bọn thực dân xâm lược. Trước sự đau thương và mất mát của quê hương, đã thúc đẩy các tầng lớp nhân dân trong huyện tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó có chị Võ Thị Sáu; cuộc đời chị Sáu gắn bó cách mạng kể từ đó. Năm 1947, lúc 14 tuổi Sáu vừa làm nhiệm vụ mua hàng, vừa làm nhiệm vụ giao liên để nắm tình hình địch và làm mật hộ viên công an xung phong Đất Đỏ. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng chị rất mưu trí, lanh lẹ và chị luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Năm 1949, chị đã trở thành người đội viên công an xung phong Đất Đỏ. Chị đã dũng cảm, sáng tạo và luôn hoàn thành nhiệm vụ người chiến sĩ công an xung phong, tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, trong đó nổi bật nhất là trận đánh diệt tên cai tổng nổi tiếng ác ôn ở Đất Đỏ vào năm 1949 và dùng lựu đạn phá cuộc mít tinh tuyên truyền do Pháp thực hiện tại huyện. Vì vậy, bọn thực dân Pháp vô cùng lo sợ và căm tức đối với hoạt động của đội công an xung phong mà tiên phong là chị Võ Thị Sáu, nên từ đó, bọn chúng ra sức truy lùng ráo riết. Vào tháng 12/1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, chị Sáu đã sa vào tay giặc, hơn một tháng bị giam giữ tại nhà tù Đất Đỏ và khám đường Bà Rịa, địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man nhưng chúng vẫn không lấy được một lời khai nào của chị, sau đó bọn chúng đưa chị về giam giữ ở khám Chí Hòa. Mặc dù bị địch giam giữ nhưng chị Sáu vẫn tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám và cùng các chị, em trong tù đấu tranh buộc địch phải cải thiện cuộc sống trong nhà tù. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt và không nao núng của chị Sáu cùng những đồng chí trong tù, dù không đủ bằng chứng, nhưng thực dân Pháp cùng bọn tay sai vẫn kết án tử hình và đày chị ra Côn Đảo. Là người chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, trung thành, chị Võ Thị Sáu vinh dự được Đảng ủy nhà tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là đảng viên chính thức.  Chị Võ Thị Sáu hy sinh vào sáng ngày 23/01/1952. Khi giặc Pháp đưa chị ra xử bắn, với nét mặt ung dung, bước đi vững chắc, ngẩng cao đầu, cất lên bài hát Quốc tế ca, với tinh thần lạc quan cách mạng, chị đã thể hiện tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cộng sản. Chị Võ Thị Sáu hy sinh đã để lại sự thương tiếc vô hạn đối với đồng chí, đồng đội và đồng bào; đồng thời sự hy sinh của chị là lời tố cáo đanh thép đối với sự dã man và âm mưu hèn hạ của chế độ thực dân Pháp lúc bấy giờ. Chị Võ Thị Sáu là người tử tù đầu tiên ở Côn Đảo cũng là người nữ tù nhỏ tuổi nhất, chị đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLL vũ trang nhân dân vào ngày 02/08/1993. Đó là tấm gương sáng của chị để lại cho chúng ta noi theo, chúng ta nguyện hết lòng ra sức phấn đấu rèn luyện về thể chất, nâng cao trình độ về mọi mặt để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương Đất Đỏ nói riêng và cả nước nói chung, đưa đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, văn minh và giàu đẹp.

               - Sinh hoạt chuyên đề: báo cáo viên là đảng viên của chi bộ được phân công chọn vấn đề về “thực hiện Quy chế Dân chủ trong sinh hoạt Chi bộ”, trọng tâm là việc thảo luận, quán triệt chỉ thị số 10 -CT/TW ngày 30-3-2007 với nội dung trọng tâm là “Trong sinh hoạt chi bộ phải thực sự mở rộng và phát huy dân chủ, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên, tạo được không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, bảo vệ những đảng viên thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất và tình thương yêu đồng chí trong Đảng”. Báo cáo viên và các đảng viên cũng thảo luận đề ra các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và góp phần trong thực hiện Quy chế Dân chủ trong sinh hoạt Chi bộ thời gian tới: Thứ nhất: Phát huy dân chủ là phương pháp tốt nhất để thực hiện các công việc của chi bộ hoặc công việc chuyên môn nhanh nhất, hiệu quả nhất, vì sẽ khơi dậy, phát huy thế mạnh, năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm của tất cả cán bộ, đảng viên trong chi bộ cùng tham gia giải quyết công việc một cách thấu đáo, toàn diện, sát thực tế; mỗi người đều có chính kiến, quan điểm riêng, lý lẽ về một vấn đề cụ thể nhưng thông qua trao đổi, thảo luận, phản biện thì vấn đề đó sẽ được phân tích, mổ xẻ, làm sáng rõ để thống nhất tìm phương án tốt nhất. Thứ hai: Phát huy dân chủ thực sự sẽ đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực của bí thư chi bộ và những người chủ trì từng công việc, vì bí thư chi bộ là người có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về công việc đó; mà muốn đưa ra quyết định đúng đắn thì bí thư chi bộ, lãnh đạo đơn vị phải nghiên cứu kỹ dự thảo, các đề xuất, các ý kiến tham gia để lựa chọn phương án tiếp thu phù hợp nhất. Những người được phân công chủ trì từng công việc phải nghiên cứu sâu rộng các văn bản để chuẩn bị dự thảo đảm bảo chất lượng, có quan điểm, chính kiến đề xuất với bí thư chi bộ về phương án để tiếp thu từng nội dung cụ thể, lý do, lý lẽ để bảo vệ chính kiến của mình? Thứ ba:  Phát huy dân chủ là cơ hội tốt để cán bộ, đảng viên trong chi bộ học hỏi lẫn nhau về phương pháp, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao năng lực của bản thân. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ và chuyên môn phải tạo ra các cuộc tranh luận sôi nổi vì thông qua trao đổi, thảo luận, phản biện mỗi cán bộ, đảng viên sẽ vững vàng hơn về lý luận, nắm chắc hơn về thực tiễn; học hỏi cán bộ, đảng viên khác về phương pháp tiếp cận và kỹ năng giải quyết vấn đề, những ý kiến sáng tạo của đồng nghiệp, nhất là những công việc không thuộc chuyên môn sâu của mình. Mặt khác, mỗi đảng viên muốn ý kiến tham gia, phản biện của mình có cơ sở khoa học và thực tiễn và được chấp nhận thì phải tự giác nghiên cứu kỹ dự thảo, thận trong cân nhắc nên tham gia thế nào là tốt nhất. Thứ tư: Phát huy dân chủ phải trở thành nền nếp trong sinh hoạt chi bộ. Giao nhiệm vụ cho từng đảng viên phải công khai, dân chủ và phát huy dân chủ tư khâu dự thảo đến khi hoàn thành từng công việc. Mặt khác, khi thống nhất nhận thức về bản chất của phát huy dân chủ thì sẽ giúp bí thư chi bộ, chi ủy viên và các đảng viên có phương pháp, cách thức để tham gia vào quá trình phát huy dân chủ trong chi bộ phù hợp nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Để làm cho Đảng mạnh thì phải mở rộng dân chủ” và “để đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”; thực hiện lời dạy của Người, chi bộ phải thống nhất khuyến khích đảng viên trong chi bộ bày tỏ hết ý kiến của mình. Để làm được điều này, trước hết bí thư chi bộ phải là người có kinh nghiệm, am hiểu, có phương pháp làm việc và điều hành dân chủ, thực sự cầu thị và biết lắng nghe; các chi ủy viên và đảng viên phải tự giác, mạnh dạn, có trách nhiệm và ý kiến tham gia phải xác đáng, có tính thuyết phục. 
 
                 Việc kết hợp tổ chức hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống với tổ chức sinh hoạt chuyên đề là hoạt động truyền thống được tổ chức mỗi năm 1 lần của chi bộ Đảng- đoàn thể Công ty, được đề ra trong kế hoạch công tác hàng năm của chi bộ. Thông qua việc tổ chức hoạt động, có thể nhận thấy việc tổ chức về nguồn và sinh hoạt chuyên đề tại các địa danh, di tích lịch sử cách mạng của đất nước, dân tộc đã góp phần hiệu quả trong việc thực hiện đổi mới hình thức và nội dung sinh hoạt chi bộ, đồng thời qua đó các đảng viên cũng được tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, anh hùng của dân tộc…  có thể xem việc kết hợp tổ chức hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống với tổ chức sinh hoạt chuyên đề là mô hình sinh hoạt rất phù hợp với cấp độ chi bộ đảng và các đoàn thể cấp cơ sở.

                                                                                                                                                           Nguyễn Công Tĩnh
                                                                                                                                   (Bí thư Chi bộ Đảng- đoàn thể Công ty)    


Các tin liên quan