Sống cho xứng đáng với sự hy sinh của các đồng chí, đồng đội

25/07/2017
(Thanhuytphcm.vn) - Tối 22/7, chương trình cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” kết nối 3 điểm cầu: Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi, TPHCM) - Tượng đài Tưởng niệm Liệt sĩ nhà tù Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) - Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã diễn ra đầy xúc động. Không chỉ là bản giao hưởng dành tặng người đã khuất, chương trình còn là cuộc “đối thoại” giữa người còn sống với người đã khuất, là sự tự vấn của những người hôm nay rằng đã sống xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ cha anh.
Sống tiếp những cuộc đời bất tử.
Vượt qua cái chết từ “địa ngục trần gian” Côn Đảo, sau ngày đất nước thống nhất, nữ cựu tù Nguyễn Thị Ni đã chọn ở lại Côn Đảo. Khán giả xem chương trình không khỏi xúc động khi nghe lời chia sẻ: “Tui chọn nơi đây là quê hương thứ hai như là cái nghĩa tình người sống thương nhớ người đã khuất. Sống chết có nhau, hột muối cắn làm hai để sống với nhau mà giờ mấy chị nằm đây tui thương mấy chị mà không biết làm sao…”. Bao năm qua, cứ năm ba ngày, một tuần, cô lại lặng lẽ đến thắp nhang cho những ngôi mộ trong Nghĩa trang Hàng Dương. Với cô, đó là trách nhiệm!
 
Có mặt tại điểm cầu Côn Đảo, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa xúc động chia sẻ: “Tôi ở tù 11 năm thì có 4 năm ở Côn Đảo. Lần thứ nhất tôi bị đày ra Côn Đảo là vào năm 1969, đến nay cũng đã 48 năm. Sau ngày giải phóng, mỗi năm, tôi đều ra thăm Côn Đảo vài lần. Lần nào tôi cũng bồi hồi, xúc động nhớ lại những năm tháng đã sống và chiến đấu cùng các chị em trong lao tù khắc nghiệt trước sự đàn áp của kẻ thù. Đặc biệt là khi qua khu C nơi có 5, 6 chị em đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, ra đi mà vẫn còn đầy khát vọng về tình yêu đôi lứa, khát vọng về độc lập tự do cho dân tộc…”.
 
Chính những ngày tù ngục đã trui rèn nên bản lĩnh người chiến sĩ cộng sản, những người biết sống và chiến đấu vì lý tưởng, vì nước, vì dân. Mỗi lần về Côn Đảo, thắp nén hương ở Nghĩa trang Hàng Dương, đồng chí Trương Mỹ Hoa lại nguyện với lòng rằng: “Còn sống ngày nào là phải sống cho tốt, làm việc hết lòng để xứng đáng với sự hy sinh của các đồng chí, đồng đội nằm tại nghĩa trang”.

Hơn 40 năm sau ngày hòa bình, mảnh đất Côn Đảo đã lại tươi xanh, nuôi dưỡng một thế hệ người Việt Nam mới. Trong đó có chị Huỳnh Thị Kim Loan, con bác Huỳnh Văn Biện, một trong 153 cựu tù chính trị tình nguyện ở lại xây dựng Côn Đảo sau ngày giải phóng và là cựu tù chính trị đầu tiên trở thành hướng dẫn viên đưa khách tham quan các khu di tích nhà tù Côn Đảo. Hiện là Trưởng Phòng Bảo quản Di tích (Ban Quản lý Di tích Côn Đảo), chị Huỳnh Thị Kim Loan không khỏi tự hào khi 3 thế hệ gia đình đều gắn bó với Côn Đảo và đã nối tiếp truyền thống gia đình trở thành người giữ gìn và giới thiệu các di tích đến du khách. Tuổi thơ của chị là những ngày cùng cha mẹ đi nhặt hài cốt liệt sĩ bị gió chướng thổi trồi lên mặt cát, mang về cho vào quách chôn cất cẩn thận. Chị không thấy sợ, chỉ cảm thấy các cô chú liệt sĩ thân thương như người nhà; và “cái ơn” đối với mảnh đất này, với các cô chú đã ngã xuống thì có bao giờ mà trả hết.
 
Sau khi lắng nghe những chia sẻ, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm xúc động nói: “Tôi được đến Côn Đảo nhiều lần. Lần nào cảm xúc cũng dâng trào khó tả. Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, tôi thấy mình thật nhỏ bé. Không chỉ kính trọng và biết ơn mà tôi còn tự vấn bản thân rằng mình đã sống xứng đáng chưa bởi có những chiến sĩ đã nằm xuống khi còn rất trẻ, có người mang theo tình yêu đẹp nhưng cũng có người chưa kịp yêu lần nào và có người ra đi mà không thể gặp lại người thân, vì thế được sống ngày hôm nay là không chỉ cho riêng tôi mà tôi phải sống tiếp cuộc đời của những người đã nằm xuống…”.

Tiếp tục hành trình tri ân
Có mặt trong nhiều chuyến hành trình về nguồn, NSƯT - nhạc sĩ Thế Hiển cho biết dịp 27/7 này đã đến được 2 đầu của đất nước - Nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang và nhà tù Phú Quốc, Kiên Giang - để nghiêng mình tưởng nhớ sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của các anh hùng liệt sĩ và lại được truyền thêm những chất liệu sống để sáng tác. Hành trình tri ân và tiếp nối sẽ không bao giờ dừng vì suốt chiều dài đất nước, nơi đâu cũng có những nghĩa trang liệt sĩ và vẫn còn rất nhiều, rất nhiều những ngôi mộ chưa được biết tên…
 
Tìm và đưa đồng đội trở về cũng là nỗi đau đáu của bao cựu chiến binh, như chú Phạm Minh Yên (thương binh 4/4, quê Quảng Bình) và chú Trần Văn Môn (thương binh 2/4, quê Nam Định) - những cựu tù Phú Quốc đã phải chứng kiến đồng đội hy sinh để cho mình được sống. “Đã nhiều lần đi tìm đồng đội hy sinh nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy, đó là niềm day dứt lớn nhất của chúng tôi. Đồng đội, đồng chí hy sinh để chúng tôi được sống, được thấy ngày hòa bình. Vì vậy sau ngày trở về, dù thương tật, dù ốm đau nhưng anh em thương binh chúng tôi luôn bảo nhau phải sống tốt, vì sống phần đời của các đồng đội, đồng chí đã gửi lại nữa…”.

Nhiều năm qua, những “hành trình đi tìm đồng đội” vẫn mải miết không ngừng khắp mọi miền đất nước. Mùa khô năm 2016 - 2017, 4 đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trực thuộc Quân khu 7 là K.70, 71, 72, 73 đã tìm kiếm và quy tập được 446 hài cốt liệt sĩ nhưng chỉ duy nhất trường hợp của liệt sĩ Hoàng Thị Kim (bí danh Nguyễn Thị Nga) là biết được danh tính và tìm được người thân. Sau 50 năm, liệt sĩ Hoàng Thị Kim mới được đoàn tụ cùng gia đình và cô con gái đã hơn 50 tuổi Hoàng Thị Thúy mới lại nức nở gọi “Mẹ ơi!”. Thượng tá Trần Văn Hùng (Đội trưởng K73 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An) chia sẻ: “Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ khó khăn nhiều không kể hết nhưng vượt lên tất cả là tấm lòng tri ân đồng đội, đền ơn đáp nghĩa và kết quả từ những cuộc tìm kiếm dù là ít ỏi - như lần này chỉ xác định được 1 trong hàng trăm đồng đội - cũng đã khích lệ chúng tôi rất nhiều”.
 
Tâm niệm “sống phần đời của các đồng đội, đồng chí đã gửi lại”, nhiều thương binh đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Cùng sự tiếp sức từ những chính sách và hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước, quân đội và toàn xã hội, hàng vạn thương binh đã tích cực lao động làm giàu, đóng góp nhiều cho xã hội. Điển hình là thương binh 2/4 Trần Trọng Ân (ngụ Quận 8, TPHCM). Từng tuyệt vọng khi trở về từ chiến trường Tây Nam với chỉ 1 chân, tổn hại 71% sức khỏe nhưng sự chăm sóc của gia đình, sự quan tâm của bạn bè, sự động viên của người vợ thân yêu và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương (hỗ trợ làm chân giả, vốn, tặng nhà tình nghĩa) đã giúp ông vượt qua khó khăn, gầy dựng và trở thành chủ 1 cơ sở sản xuất giày. Cơ sở của ông hiện có hàng chục nhân công, tạo việc làm ổn định cho đồng đội, con em đồng đội và nhiều lao động địa phương…
 
Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Việc chăm lo cho các gia đình chính sách, thương bệnh binh luôn được thực hiện với nghĩa tình và trách nhiệm cao nhất. Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, UBND huyện Củ Chi đang chuẩn bị tổ chức một chương trình nghệ thuật vận động, gây quỹ chăm lo cho 124 gia đình chính sách là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Dịp này, thay mặt Ban Tổ chức chương trình Cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu đã trao tặng 500 triệu đồng ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện Củ Chi; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thành Trung trao tặng 500 triệu đồng cho huyện đảo Phú Quốc để góp phần chăm lo cho 47 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 356 gia đình liệt sĩ, 222 thương binh, bệnh binh của huyện đảo; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Vũ Thanh Lưu trao 500 triệu đồng cho UBND huyện Côn Đảo để chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
 
Ngọc Tuyết - Long Hồ
Các tin liên quan