Loạt bài: HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH: NHIỆM VỤ VÔ CÙNG QUAN TRỌNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN TA! Bài 5: Xây dựng Đảng và thực hành đạo đức công vụ gắn với học tập, làm the

21/11/2017
(Thanhuytphcm.vn).-Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là thực hành đạo đức công vụ gắn với học tập, làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời tích cực xây dựng và chỉnh đốn Đảng để mãi mãi “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 / 3-2-1960).
Kiên trì xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã nêu rõ: Bên cạnh những thành tích đạt được, trong công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu. Nội dung sinh hoạt đảng ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI có một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Ở nhiều nơi, tự phê bình và phê bình còn mang tính hình thức; nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.
Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên cần có sự thống nhất cao trong nhận thức về tính chất nguy hại của tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị; 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, đề cao trách nhiệm trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Thực hành đạo đức công vụ gắn với học tập, làm theo Bác
Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh chỉ thành hiện thực khi có sự đóng góp của mỗi người, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức và tài năng. Mỗi người chỉ đóng góp tốt cho xã hội khi người đó thực sự làm tốt chuyên môn của mình theo sự phân công lao động xã hội trên nền tảng tất cả đều vì tương lai, hạnh phúc của con người và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ; xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh. Đồng thời thực hiện tốt các bước tiếp theo sau khi quy hoạch cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, năng lực tốt, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hiện tượng cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết trong Đảng; tập trung nắm tình hình và giải quyết đúng đắn, hiệu quả vấn đề chính trị hiện nay, nhất là vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong bối cảnh hiện nay, để đáp ứng tình hình mới, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục thực hành, rèn luyện đạo đức công vụ; đồng thời không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh.

Xây dựng nền hành chính hiệu quả, chuyên nghiệp và trong sạch là mục tiêu của công cuộc cải cách hành chính ở nước ta. Để thực hiện mục tiêu này, trước tiên phải có một đội ngũ cán bộ, công chức chính quy, chuyên nghiệp và có đạo đức trong thực thi công vụ, phục vụ Nhân dân. Đạo đức cán bộ, công chức thể hiện qua sự trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc; vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.

So với Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 có nội hàm rộng và sâu sắc hơn, tác động trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, góp phần khắc phục hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ngang tầm với yêu cầu trong tình hình có nhiều biến động như hiện nay.

Để Chỉ thị 05 đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành giải pháp quan trọng trong xây dựng Đảng, mỗi cán cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương sáng, đi đầu trong việc học tập và làm theo Bác. “Sự học” của mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ để “biết”, mà cao hơn là “học để làm việc, học để làm người, phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân”; học để củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng và hệ giá trị đạo đức xã hội, mà cốt lõi là giá trị đạo đức vì con người, vì cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về đạo đức, chính trị, tư tưởng và tổ chức; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng hãy nghiêm túc “tự soi, tự sửa”, tự phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Cần đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong xã hội. Các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, có sức thuyết phục cao; việc nhân rộng điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt” trong học tập và làm theo Bác cần được làm thường xuyên, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần thiêng liêng, vô giá của toàn Đảng, toàn dân ta. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Đảng và Nhân dân ta. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc tự phê bình và phê bình, nỗ lực đưa nghị quyết vào cuộc sống; không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong từng cơ sở đảng và ngay chính trong bản thân mình, gia đình mình. Đó là đòi hỏi nghiêm túc, cấp thiết, đồng thời cũng là kỳ vọng của Đảng, Nhà nước ta đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân ta.

Ảnh bìa: Lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc, miền Trung bị thiên tai, bão lũ (tháng 10/2017). (Ảnh: Long Hồ)

Tô Đình Tuân
Các tin liên quan