Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Thiên anh hùng ca bất diệt

06/02/2018
(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 31/1, tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đến dự có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trung ương và TPHCM. Các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi lẵng hoa chúc mừng.
Buổi lễ còn có sự hiện diện của các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đại diện các tầng lớp nhân dân; đại diện lãnh đạo TP Hà Nội và các địa phương từ Quảng Trị đến Cà Mau;… Về phía khách quốc tế, có Tổng Lãnh sự các nước tại TPHCM: Liên bang Nga, Trung Quốc, Cuba, Campuchia, Ấn Độ, Hungary,…

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng ôn lại không khí hào hùng và ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Cách đây 50 năm, dưới dự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đêm 30 rạng sáng ngày 31/1/1968, quân và dân ta đồng loạt nổ súng trên toàn miền Nam, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân ta đã không kể ngày đêm khẩn trương làm tốt mọi công tác chuẩn bị; bí mật, bất ngờ tiến công tại các đô thị lớn: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ…, đánh thẳng vào 37 thị xã và hàng trăm thị trấn từ Quảng Trị đến Cà Mau, các căn cứ quân sự chủ yếu của địch trên toàn miền Nam.

Trong một thời gian ngắn, chúng ta đã đưa cuộc chiến đấu có quy mô lớn vào sào huyệt của kẻ thù, đánh mạnh vào những mục tiêu an toàn nhất của địch, những cơ quan đầu não, những mục tiêu quan trọng nhất mà địch huênh hoang coi là bất khả xâm phạm như: Bộ Tổng tham mưu, Sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh Tổng thống, Đài phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ,…

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ cục diện chiến tranh, nâng cao vị thế của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam ở trong và ngoài nước, đặc biệt đã giáng một đòn quyết định làm lung lay ý chí xâm lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và tay sai, buộc chúng phải “phi Mỹ hóa” chiến tranh bằng chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán trực tiếp với ta tại Hội nghị Paris, tạo bước ngoặt chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong thắng lợi chung của cả nước, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định với truyền thống kiên cường, quật khởi, nơi đầu sóng ngọn gió, chiến trường trọng điểm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã có những đóng góp, hy sinh to lớn.

Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, chúng ta long trọng kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đúng vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2018) với rất nhiều tình cảm cao quý, cảm xúc đặc biệt của các thế hệ hôm nay. Chúng ta mãi mãi ghi lòng tạc dạ, tri ân công lao của cán bộ, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào, những người con ưu tú đã hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc, đã chiến đấu anh dũng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và trong toàn bộ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để chúng ta có được một đất nước hòa bình, độc lập, tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để giành độc lập tự do được dẫn dắt soi đường, sự lãnh đạo tài tình, đường lối đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đây là minh chứng, hiện thực sinh động của bản lĩnh kiên cường, của tư duy, nghệ thuật quân sự Việt Nam, biết đánh và đánh thắng kẻ thù xâm lược có sức mạnh hơn ta gấp nhiều lần, đánh dấu một bước phát triển mới cho học thuyết nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

“Chúng ta mãi mãi tự hào về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết tinh vĩ đại, sức mạnh toàn dân tộc, là bản thiên anh hùng ca bất diệt được viết lên bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ tuyệt vời và bằng tinh thần xả thân sẵn sàng hy sinh xương máu của đồng chí, đồng bào chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, hòa quyện ý Đảng với lòng dân, với khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, khát vọng hòa bình” -  Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, thực tế hiện nay đòi hỏi chúng ta phải trân trọng và tự hào về lịch sử hào hùng, phấn khởi trước những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới để tạo động lực, hành trang và kinh nghiệm quý báu cho hiện tại và tương lai nhưng tuyệt đối không được chủ quan, không thỏa mãn với những gì đã đạt được. Để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta luôn tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để đủ sức dẫn dắt toàn dân tộc vững bước đi lên, thực hiện đồng bộ và toàn diện công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa để tiếp nối một cách xứng đáng sự hy sinh to lớn, niềm tin của quân và dân ta của các thế hệ cán bộ lãnh đạo và đảng viên đi trước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện hóa đất nước, bắt nhịp nhanh chóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược toàn diện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời thu hút phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân; không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cùng với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng an ninh từ trong thời bình, kết hợp xây dựng và phòng thủ đất nước làm cho dân giàu nước mạnh, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới; cần tăng cường giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, tình cảm cách mạng, đặc biệt cho thế hệ trẻ để lan tỏa các giá trị tốt đẹp, xây dựng đất nước thật sự phồn vinh bằng sức mạnh tinh thần như chúng ta đã làm được trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đại diện cựu chiến binh Việt Nam, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử đã từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bày tỏ niềm tự hào khi từng cùng đồng đội chiến đấu kiên cường trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, góp phần nhỏ bé vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tàu, nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta. Nhấn mạnh niềm tự hào về lịch sử vinh quang của dân tộc, Đại tá Nguyễn Văn Tàu nhắn gửi chúng ta hãy sống xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của bao lớp đồng bào, chiến sĩ đã làm nên lịch sử. “Là cựu chiến binh, chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến phần sức lực nhỏ bé còn lại của cuộc đời đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước và TP mang tên Bác Hồ kính yêu” - Đại tá Nguyễn Văn Tàu khẳng định.

Đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam, sinh viên Nguyễn Thị Phương Nghi (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM, sinh viên 5 tốt cấp trung ương) bày tỏ niềm tự hào trước những chiến công vang dội và lòng tri ân sâu sắc những anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến lịch sử cách đây 50 năm. “Tuổi trẻ Việt Nam mãi mãi tự hào, thành kính tri ân những anh hùng chiến sĩ, đồng chí, đồng bào, những người con ưu tú của quê hương, trong đó có những chàng trai cô gái tuổi thanh xuân sẵn sàng xả thân xông vào lửa đạn chiến đấu ngoan cường đến viên đạn cuối cùng làm nên những trận đánh vang dội trên khắp các chiến trường, vào tận sào huyệt kẻ thù ngay trong lòng đô thị miền Nam” - sinh viên Nguyễn Thị Phương Nghi bày tỏ, đồng thời khẳng định, tuổi trẻ hôm nay phải nỗ lực hơn nữa, phấn đấu nhiều hơn, luôn học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, tri thức khoa học và năng lực thực tiễn để trở thành lớp thanh niên vừa hồng vừa chuyên, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

“Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”: 
Trước buổi lễ đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968” với 3 chương: “Có một mùa xuân như thế”; “Khúc hát tri ân” và “Vang mãi những mùa xuân”. Tại chương trình nghệ thuật, những ngày cả miền Nam rùng mình chuyển động, “bão nổi” ngay giữa đô thành Sài Gòn, những cuộc chiến bất khuất ở từng căn nhà, góc phố… từ 50 năm về trước bỗng hiện lên sống động và đầy cảm xúc qua ngôn ngữ nghệ thuật múa cùng những giai điệu đi cùng năm tháng: Tiến lên chiến sĩ đồng bào, Bão nổi lên rồi, Người đợi người, Dậy mà đi, Tổ quốc ơi ta đã nghe, Người mẹ Bàn Cờ, Người nữ tự vệ Sài Gòn, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Giờ hành động, Biệt động thành, Bài ca Xuân 68, Dáng đứng Việt Nam, Đất nước trọn niềm vui… Một lần nữa, chương trình như một “tâm hương” mà những người của hôm nay kính dâng lên “những linh hồn bất tử, những tượng đài sừng sững giữa phong ba” không chỉ làm nên chiến tích Xuân Mậu Thân 1968 mà còn bao chiến công khác suốt công cuộc dựng nước và giữ nước của một dân tộc anh hùng.

Chú thích ảnh bìa: Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”

Nguyễn Nam - Ngọc Tuyết - Long Hồ
Các tin liên quan