Bà Tú Anh là con gia tộc họ Diệp, buôn bán giàu có ở Hội An (Quảng Nam), có cơ ngơi khang trang, phía trước có lộ lớn, phía sau là sông Thu Bồn. Khi giặc Pháp tái chiếm Hội An, các gia đình đều tản cư, riêng hai cha con Diệp Tú Anh kẹt lại. Tiếng đạn pháo, tiếng súng của giặc Pháp nổ loạn xạ, mỗi lúc một gần. Từ khe cửa nhà nhìn ra, Tú Anh thấy từng anh bộ đội nối hàng dài theo hướng từ chùa Cầu (Hội An) đi về phía sông. Lập tức, Tú Anh mở toang cánh cửa, ra hiệu cho bộ đội vào nhà tránh đạn rồi ra bờ sông gọi đò, đưa bộ đội qua sông an toàn.
|
Bà Diệp Tú Anh (trái) nhận Huy hiệu 65 tuổi Đảng nhân dịp 97 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga. |
Chứng kiến sự tàn bạo của quân Nhật, Pháp, tình yêu quê hương, yêu cách mạng trong cô thiếu nữ 16 tuổi Diệp Tú Anh càng bùng lên sau chuyến đò chở bộ đội qua sông Thu Bồn ấy. Cũng từ đó, Tú Anh càng khát khao đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ. Từ một tiểu thư khuê các, thiếu nữ Diệp Tú Anh đã đi theo con đường đấu tranh cách mạng, gian khổ và vinh quang. Hai năm sau, vừa tròn 18 tuổi, Tú Anh được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, bà vào miền Nam hoạt động, làm trong Báo Giải phóng; tổ chức cán bộ Hoa vận xâm nhập, hoạt động nội thành trong đường dây liên lạc giữa vùng căn cứ cách mạng và nội thành Sài Gòn. 5 năm ở trong tù (1955 - 1960), bà trải qua nhiều nhà giam, mang vết thương trên đầu do địch đánh đập, tra khảo thừa sống thiếu chết. Ra tù, Tú Anh và bạn tù Trần Huân Phương kết hôn. Hạnh phúc đôi lứa ngắn ngủi, vì 3 năm sau nhà báo Trần Huân Phương hy sinh khi vợ đang hoài thai đứa con thứ hai. Cùng năm 1968, Diệp Dũng, người con trai thứ hai ra đời, không biết mặt cha. Người con trai cả Diệp Tuấn lúc đó mới 2 tuổi, sau này cũng chỉ biết mặt cha qua những tấm hình kỷ niệm.
Chồng hy sinh, Tú Anh tảo tần một mình làm đủ thứ nghề, nuôi hai con ăn học. Cả hai con trai đều tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM. Diệp Tuấn được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Năm 2003, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Nhật Bản, sau đó, sang Mỹ tiếp tục công tác nghiên cứu. Năm 2005, sau khi hoàn thành hai công trình nghiên cứu khoa học có giá trị tại Trường Đại học Michigan (Hoa Kỳ), Diệp Tuấn về lại quê hương Việt Nam.
Tuy ngã rẽ có khác nhưng sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh theo học bổng Fulbright tại Mỹ, Diệp Dũng cũng về nước công tác. Cả hai đã khước từ những lời mời gọi làm việc, sinh sống tại Mỹ, Nhật để về Việt Nam cống hiến cho nước nhà. Cuộc sống và thu nhập ở nước ngoài dù có hơn nhưng vẫn không bằng đoàn tụ gia đình, đền đáp nguyện vọng của cha, của mẹ từ trong chiến tranh là dốc lòng góp sức phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước.
Giờ đây, việc nước, việc nhà vẹn toàn, nhắc đến hạnh phúc được thụ hưởng hôm nay, người phụ nữ gốc Hoa Diệp Tú Anh luôn trước sau một lời cảm ơn Đảng, nhờ Đảng đã trui rèn, đã cho bà sức mạnh để bà dần trưởng thành, chèo chống qua bao giông tố của cuộc đời.
Nguồn: www.sggp.org.vn