Lãnh đạo TP HCM thăm gia đình biệt động Sài Gòn có hàng loạt hầm vũ khí.

30/01/2018
Ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lòng khâm phục đến các chiến sĩ biệt động trong chiến dịch Mậu Thân 1968, trong đó có ông Năm Lai.

(Vnexpress) Chiều 29/1, trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn lãnh đạo thành phố đến thăm gia đình bà Đặng Thị Thiệp - vợ của cố biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (bí danh Năm Lai).

Ông Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi bà Đặng Thị Thiệp và ông Phan Văn Hôn. Ảnh: Tuyết Nguyễn.


Chia sẻ với Bí thư Thành ủy, bà Thiệp cho biết để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân, từ nhiều năm trước đó ông Năm Lai nhận nhiệm vụ xây dựng hầm chứa vũ khí trong nội thành Sài Gòn.

Với vỏ bọc là nhà thầu khoán cho Dinh Độc Lập, ông Năm Lai đã mua một số căn nhà, đào hầm bí mật. Năm 1967, ông vận chuyển nhiều chuyến vũ khí từ căn cứ ở Củ Chi vào chứa trong căn hầm tại nhà số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3 ngày nay) nhưng không hề bị lộ. Bà Thiệp là người duy nhất được ông Năm Lai tin tưởng, hỗ trợ suốt quá trình đào hầm và tập kết vũ khí.

Hầm vũ khí mang tính chiến lược của ông Năm Lai là một trong những yếu tố quyết định để lực lượng biệt động Sài Gòn đánh vào mục tiêu Dinh Độc Lập và chi viện cho các mục tiêu khác.

Hầm chứa vũ khí đánh Dinh Độc Lập của ông Trần Văn Lai. Ảnh: Quỳnh Trần.


Có mặt tại buổi gặp gỡ, ông Phan Văn Hôn (bí danh Bảy Hôn) - nhân chứng hiếm hoi còn sống của lực lượng biệt động Sài Gòn - nói còn nhớ tất cả diễn biến nhận vũ khí từ hầm ông Năm Lai đi đánh mục tiêu Dinh Độc Lập vào rạng sáng Mùng 2 Tết 1968.

"Chúng tôi trực tiếp chiến đấu đã gian khổ nhưng không bằng gia đình cô Năm Lai, suốt 7-8 năm trời nằm trên đống lửa (vũ khí). Đó là những con người thép, bởi chỉ cần địch phát hiện một quả lựu đạn hay một cây súng thôi là nguy hiểm tính mạng cả gia đình", ông Bảy Hôn bày tỏ sự nể phục với vợ chồng bà Thiệp.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã đọc nhiều tài liệu về chiến dịch Mậu Thân cũng như về biệt động Sài Gòn. Hôm nay được gặp trực tiếp nhân chứng lịch sử, giúp ông hiểu biết thêm nhiều kiến thức.

"Gia đình đã đi vào lịch sử của đất nước. Chúng tôi ngồi đây làm lãnh đạo thành phố là nhờ những người như cô, và ông Lai trước đây đã chấp nhận đạn bom sẵn sàng chiến đấu", ông Nhân nói.

Ông cũng bày tỏ sự cảm phục với bà Thiệp, ông Bảy Hôn và gọi họ là "những người tiêu biểu không có gian khổ hy sinh nào không dám chấp nhận".

 Suốt thời kỳ chống Mỹ, ông Năm Lai còn mua nhiều căn nhà khác để đào hầm nuôi giấu cán bộ, làm hộp thư bí mật.... Sau chiến dịch Mậu Thân ông Năm Lai bị tịch thu toàn bộ nhà cửa, tài sản.

Nhiều năm sau giải phóng, ông Trần Vũ Bình (con trai ông Năm Lai) đã chuộc lại những căn nhà này, phục dựng hầm bí mật để làm di tích lịch sử cho người dân, du khách tới tham quan.

Cuộc Tổng tiến công của lực lượng Biệt động Sài Gòn nói riêng và trên toàn miền Nam nói chung tuy tổn thất lớn về lực lượng nhưng đã gây tiếng vang tại Mỹ và trên toàn thế giới. Chiến dịch này đã tạo bước ngoặt, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Paris, xuống thang chiến tranh tiến tới rút quân về nước. Đó là tiền đề dẫn đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, thống nhất đất nước.

Tuyết Nguyễn.