Niềm vui chung của tất cả chúng ta

18/05/2015
TT - Sáng 17-5, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức lễ khánh thành và báo cáo với Đảng bộ, nhân dân TP về hoàn thành đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" diễn ra tối 17-5 trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng bí thư hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã chủ động và tích cực triển khai xây dựng, hoàn thành công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác và 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “Đây là một công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân TP, của đồng bào Nam bộ và cũng là niềm vui chung của tất cả chúng ta” - Tổng bí thư khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP - nêu bật tình cảm của Đảng bộ và nhân dân TP đối với Bác Hồ kính yêu. Ông nhấn mạnh hôm nay kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác, Bác như đã về với miền Nam, trở về với TP vinh dự được mang tên Người trong thần thái ung dung, phúc hậu, nhân từ.

Mọi người đến với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh để được ngắm nhìn gương mặt sáng ngời của Bác, giản dị, gần gũi. Giữa đất trời TP, Bác đứng đó, uy nghi mà thân thiết, vĩ đại mà gắn bó như chính cuộc đời của Người, vị lãnh tụ suốt đời vì dân vì nước.

Tại buổi lễ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ TP dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng trong sáng 17-5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều nhà lãnh đạo trung ương, TP... đã dự triển lãm với chủ đề “Bác Hồ với miền Nam - miền Nam với Bác Hồ”, gồm 84 bức ảnh, được tổ chức tại sảnh trụ sở HĐND và UBND TP. 

* Tối cùng ngày, tại công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”. Ngoài các tiết mục giao lưu, chương trình còn bao gồm các tiết mục ca, múa, chiếu phim tư liệu về những chặng đường trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, tình cảm của miền Nam và nhân dân cả nước đối với Bác Hồ.

_____________

Người dân đến với Bác nhiều hơn

“Đang nấu cơm, nghe tivi nói hôm nay có lễ báo cáo với nhân dân về tượng đài Bác, tui liền xách xe chở thằng con chạy ra đây từ sáng” - chị cười giải thích khi gặp chúng tôi ở công viên tượng đài Bác Hồ sáng 17-5. Chị tên Võ Xuân Mai, nhà ở đường Vạn Kiếp, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Trước khi đến, chị Mai còn kịp ra cửa hàng bán hoa mua mấy bông cúc, bông huệ về tự tay cắm một giỏ hoa mang theo. Tới nơi gặp bảo vệ hỏi chị là đại biểu thuộc đoàn nào, chị nói: “Tui hổng thuộc đoàn nào, cũng hổng có thư mời dự lễ. Tui chỉ là một người dân bình thường đem hoa ra dâng Bác”.

Mấy anh bảo vệ thấy chị nhiệt tình tha thiết quá mới phá lệ vào báo cáo ban tổ chức. Và giỏ hoa nhỏ của chị  được vào đặt dưới chân tượng đài, bên cạnh những lẵng hoa khác. Còn chị thì đứng lặng lẽ, nhỏ bé bên vệ đường, ngước mắt ngắm tượng Bác. 

Chị Mai kể: “Dịp 19-5 năm nào tui cũng dắt con đi thăm Bác, hổng ra bảo tàng thì cũng tới bến Nhà Rồng. Mình thương kính Bác vì trọn đời Bác thật sự sống vì nước, vì dân. Mỗi khi có dịp đi Hà Nội cũng phải tới thăm lăng Bác, lần nào không ghé được là thấy trong lòng như có lỗi. Là người trực tiếp đi, tôi thấy càng ngày người dân càng đến với Bác nhiều hơn”. 

Ngồi trên khán đài dự lễ, nghe ca sĩ hát những bài hát về Bác Hồ mà nước mắt bà Lê Thị Tuyết Nga - chủ tịch Hội Luật gia Q.6 - cứ tuôn rơi. “Lúc ở nhà đã dặn lòng rằng hôm nay là ngày vui nhưng sao mình vẫn không dằn được xúc động” - bà nói.

Nhìn tượng Bác cao nổi bật trên nền trời xanh, bà Nga nhớ những ngày xưa. Nhớ nhất là ngày hay tin Bác mất. Bà kể: “Hôm đó tụi tôi đang chống một trận càn ở mặt trận Trà Vinh.  Hai bên đang giằng co từng chút một thì bỗng đâu có tiếng người hô to: "Bác Hồ mất rồi". Có lẽ người này nghe được tin trên đài.

Tất cả lặng đi. Và chính mắt tôi nhìn thấy những người lính Việt Nam cộng hòa ở bên kia chiến tuyến cũng buông tay súng khi nghe tiếng hô đó. Nhiều người ngồi sụp xuống như mặc niệm, đến nỗi bị người chỉ huy quát mắng. Và lúc đó tôi tin, cùng là người Việt Nam - dù đang ở phe nào, cũng đều dành cho Bác tình cảm tôn quý đặc biệt”. 

Khởi hành từ nhà lúc 4g30 để lên dự lễ, anh Lê Thanh Vân, ngụ H.Cần Giờ, cảm thấy vui khi tận mắt nhìn thấy tượng Bác tôn nghiêm mà gần gũi. Ngồi xem lễ, nghe hát, anh còn nhắc lại câu chuyện Bác Hồ đến thăm nhà một chị công nhân vệ sinh trong đêm giao thừa.

“Tôi nhớ mãi lời Bác nói với chị công nhân ấy: “Bác không đến nhà cháu thì đến nhà ai!”. Là lãnh tụ cao nhất nhưng tấm lòng Bác luôn hướng về những người dân khó khăn nhất, nhỏ bé nhất. Tôi giờ công tác ở phòng lao động - thương binh và xã hội huyện, cũng nguyện học theo gương Bác, cố gắng quan tâm, hỗ trợ đối tượng chính sách, người lao động nghèo” - anh Vân nói. 

Sau khi dự lễ ở trường học về, dù đã gần trưa, cô bé Lan Chi, học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Đại Nghĩa, cũng được ba chở tới công viên tượng đài Bác để “nhìn thấy Bác”. Hỏi Lan Chi hình dung Bác Hồ như thế nào, cô bé lỏn lẻn cười rồi chỉ tay về phía tượng Bác nói: “Em tưởng tượng hình dáng Bác Hồ giống như tượng Bác vậy đó”.  

______________
 
Tượng nghệ thuật Bác Hồ với thiếu nhi về Nhà Thiếu nhi TP.HCM

Chiều 17-5, Thành ủy TP.HCM đã làm việc với Thành đoàn TP.HCM nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị lễ báo cáo hoàn thành cung thỉnh tượng nghệ thuật “Bác Hồ với thiếu nhi” về Nhà Thiếu nhi TP. Bí thư Thành đoàn TP Nguyễn Mạnh Cường cho biết được sự chỉ đạo trực tiếp của bí thư Thành ủy và thường trực Thành ủy, thường trực UBND TP, bức tượng nghệ thuật “Bác Hồ với thiếu nhi” đã được cung thỉnh và an vị trên bệ tạm thời tại Nhà Thiếu nhi TP vào lúc 4g ngày 24-9-2014.

Phương án gia cố tượng được tiến hành cẩn trọng, nghiêm ngặt, sử dụng các thiết bị hiện đại. Sau khi hoàn thành công tác gia cố tượng và khối đá đế chân tượng lúc 4g ngày 29-12-2014, lễ cung thỉnh dự kiến được tổ chức vào ngày 31-5 với quy mô tham dự khoảng 1.000 người.

Bên cạnh đó, Thành đoàn TP cũng tiến hành cải tạo, nâng cấp khuôn viên Nhà Thiếu nhi TP với tổng mức đầu tư hơn 197 tỉ đồng, đáp ứng các nhu cầu học tập, vui chơi của thiếu nhi TP với 14 phòng chức năng, 23 phòng năng khiếu, phòng chiếu phim 3D, hội trường 500 chỗ… 

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải giao Ban thường vụ Thành đoàn quản lý, bảo dưỡng tượng đài Bác, đồng thời tập trung chăm chút, cải tạo cảnh quan xung quanh nhà thiếu nhi cho phù hợp.

“Điều quan trọng là phải tạo một không gian mở cho thiếu nhi và người dân dễ dàng tiếp cận, góp phần nâng cao tầm vóc của tượng đài Bác Hồ” - ông Hải nhấn mạnh. 

MAI HƯƠNG
Các tin liên quan