1. Đúng 8 giờ ngày 8/5/2015, con tàu mang số hiệu KN 781 kéo một hồi còi dài tạm biệt đất liền, rẽ sóng hướng ra biển Đông. Hơn 250 cán bộ tham gia Đoàn công tác cùng các chiến sĩ, thủy thủ đoàn cùng nhau vẫy tay tạm biệt đất liền. Trên mỗi gương mặt đều hiện rõ nét vui tươi, phấn khởi. Quả thật, hiếm có cuộc chia tay nào lại…vui như thế, bởi nơi chúng tôi sắp đến là nhà giàn DK1, là Trường Sa thân yêu, là “chốn quê” trong mỗi tâm hồn người Việt Nam. Cho nên, với đại đa số các thành viên trong Đoàn công tác lần này, mặc dù đây là lần đầu tiên trong đời, chuyến đi này thật sự là “về với Trường Sa”, về với phần lãnh thổ mà biết bao thế hệ ông cha chúng ta đã hy sinh xương máu và công sức khai phá, gìn giữ, bảo vệ.
Thông thường, các chuyến tàu thường hướng về Trường Sa, sau khi kết thúc thăm các đảo, trên đường quay về mới ghé thăm nhà giàn DK1. Tuy nhiên, vì một số lý do, chuyến hải trình lần này của tàu KN 781 hướng về nhà giàn DK1/14-còn gọi là nhà giàn Tư Chính E hoặc Tư Chính 5, được hoàn thành vào tháng 4/1995.
Tàu KN 781 thả neo cách nhà giàn khoảng 500m và được một con tàu nhỏ hơn đưa vào cập nhà giàn DK1/14. Thật khác với sự hình dung của nhiều người trong đoàn, nhà giàn DK1/14 sừng sững, kiên cố giữa biển khơi. Từ trên nhà giàn, nhìn xuống mặt biển thấy… sâu thăm thẳm. Thế mới biết, bao công sức, của cải đã được đầu tư để xây dựng nên nhà giàn, mà đây chỉ là một trong số rất nhiều nhà giàn của chúng ta giữa biển khơi. Không chỉ làm nhiệm vụ kinh tế-kỹ thuật-dịch vụ, hệ thống nhà giàn của chúng ta còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Nhà giàn DK1/14 nằm trên bãi ngầm Tư Chính, cách Vũng Tàu khoảng 300 hải lý về phía Đông Nam. Đây được mệnh danh là “thủ đô” của các nhà giàn do có quy mô và cấu trúc khá hiện đại, sức chịu đựng sóng gió, kể cả bão biển lên trên cấp 12. Trên nhà giàn còn trang bị xuồng cứu sinh đặc biệt. Trong trường hợp khẩn cấp buộc phải rời nhà giàn, các cán bộ, chiến sĩ sẽ vào xuồng và bấm nút, xuồng sẽ lao xuống biển một cách an toàn!
Sau chuyến thăm nhà giàn DK1/14, chúng tôi trở về tàu KN 781. Tại đây, trên sàn đỗ trực thăng, giữa trời biển bao la đã diễn ra lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Không khí thật trang nghiêm! Những cành hoa tươi thắm, những nén hương thơm, những tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi… Vòng hoa cùng những vật phẩm dâng cúng được từ từ đưa từ tàu xuống mặt biển, cứ bồng bềnh trôi theo sóng nước đại dương. Kính mong các anh yên nghỉ-những linh hồn bất tử!
2. Trường Sa không xa, dù hải trình có vượt qua hàng trăm hải lý. Hôm nay, buổi ăn sáng bắt đầu từ rất sớm để mọi người có thời gian chuẩn bị lên đảo. Trường Sa Lớn đây rồi! Trời đất như chiều lòng người, thời tiết tốt, sóng yên biển lặng, con tàu KN 781 cập cầu cảng Trường Sa Lớn một cách dễ dàng. Tất cả chúng tôi, với mũ tai bèo và khăn rằn, dép rọ, nhanh chóng đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn-mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Một cảm xúc thật khó tả! Giữa biển khơi muôn trùng sóng vỗ, đảo Trường Sa Lớn với hình thù gần giống tam giác vuông, vững chải, uy dũng giữa biển khơi là biểu tượng vĩnh cửu về chủ quyền của chúng ta.
Suốt cuộc hải trình giàu ý nghĩa này, ngoài đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi đã được đến với các đảo: Nam Yết, Đá Tây, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Lát… Mặc dù điều kiện sống trên các đảo-nhất là đảo chìm- còn nhiều khó khăn, nhưng có thể thấy rõ màu xanh của cây lá và cả những nụ cười trên gương mặt rám nắng của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Ở bất cứ nơi nào chúng tôi đặt chân đến, cũng ấm áp tình cảm quân-dân, chan chứa nghĩa tình như những người thân trong một đại gia đình lâu ngày mới gặp nhau!
Chúng tôi cũng có dịp tham dự các buổi lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn và đảo Song Tử Tây. Mặc dù đã dự rất nhiều lễ chào cờ, nhưng cảm xúc khi chào cờ trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc thật đặc biệt. Giữa sóng gió đại dương, lời bài Tiến quân ca như cứ vang mãi trên những ngọn sóng, hòa cùng hồn thiêng sông núi…(Còn tiếp)
Tô Đình Tuân