Tọa đàm 'Xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh': Đoàn ở nọi nơi, từ công trình thanh niên đến mạng xã hội.

23/02/2016
(TNO) Sáng 24.3, tại Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam TP.HCM, buổi tọa đàm “Xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh” do Ban Tổ chức T.Ư Đoàn và Báo Thanh Niên tổ chức đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các Bí thư Đoàn cơ sở tiêu biểu khắp mọi miền cả nước. Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Đoàn Nguyễn Khắc Toàn cho biết 14 cán bộ, Đoàn viên, đại diện cho 84 cá nhân nhận giải thưởng Lý Tự Trọng của T.Ư Đoàn năm 2015 tham dự tọa đàm đều là những gương mặt điển hình xuất sắc. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng và giải pháp công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên hiện nay ở cơ sở; thực trạng và giải pháp đổi mới sinh hoạt chi đoàn và sinh hoạt đoàn nơi cư trú, công tác quản lý đoàn viên…
 
Giúp thanh niên, Đoàn viên gắn liền với cuộc sống.
Mở đầu buổi tọa đàm, anh Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Đoàn Tổng công ty điện lực TP.HCM kể lại kinh nghiệm triển khai sáng kiến “tình nguyện sửa chữa điện cho các hộ nghèo” của Đoàn Tổng công ty.
Ban đầu, đây là một công trình thanh niên quy mô nhỏ, sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ phúc lợi của Tổng công ty. Tham gia hoạt động này, các bạn trẻ áp dụng chuyên môn nghiệp vụ của mình vào cải thiện chất lượng sống cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đồng thời lồng ghép, phổ biến kiến thức tiết kiệm điện cho cộng đồng. Từ hiệu quả của dự án, đến nay lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã chính thức giao hẳn nhiệm vụ tuyên truyền tiết kiệm điện cho Đoàn thanh niên Cổng công ty; mở rộng kế hoạch sửa chữa điện cho người nghèo từ 50 hộ dân lên 1.000 hộ dân. Cũng thông qua các phong trào, Đoàn phát hiện các đoàn viên năng động để giới thiệu kết nạp Đảng và giúp đoàn viên gắn kết với địa phương, thuận lợi cho việc sinh hoạt đoàn nơi cư trú.
Đến từ vùng sâu, vùng xa, đại biểu Nguyễn Thanh Phi (Bí thư Chi đoàn cơ sở Đồn biên phòng Đắc Pring, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: "Do hoạt động tại khu vực biên giới nên địa bàn tôi công tác có điều kiện không thuận lợi, người dân thường bị các đối tượng lôi kéo dụ dỗ làm việc xấu. Do vậy, công tác đoàn cơ sở luôn gắn với nhiệm vụ tạo mối quan hệ tốt với dân. Hoạt động gì của địa phương, chúng tôi đều chung tay san sẻ, tham dự, chẳng hạn như làm nhà, làm tua-bin nước, đều có lực lượng tuổi trẻ phối hợp hỗ trợ”. Đặc biệt, để thanh niên địa phương hiểu và góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Đoàn cơ sở cũng mời thanh niên địa phương cùng tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới quốc gia.
 
Thêm nhiều kênh nắm bắt sớm tư tưởng
Là người hoạt động trong môi trường giáo dục, chị Hoàng Phương Quỳnh, Bí thư Đoàn trường ĐH học Thủ đô Hà Nội đề cập thực trạng hiện nay thông tin trên mạng rất nhiều và đa dạng. Chỉ cần một thông tin như việc kỷ niệm nào đó là các em sinh viên có thể bị lôi kéo tham gia các hoạt động tự phát. Do vậy, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội luôn đặt công tác giáo dục chính trị lên hàng đầu.
Để giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, hằng tháng trường đều đưa ra chủ đề thi. Hằng năm trường tổ chức 1-2 cuộc thi tìm hiểu lý luận chính trị bằng hình thức sân khấu hóa. Đoàn trường cũng xác định quản lý, nắm tư tưởng của sinh viên thông qua mạng xã hội. Điển hình nhất là công tác liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trường cũng tổ chức các cuộc thi trực tuyến môn học Mác - Lê Nin. Trường sẽ cộng điểm cho những em làm tốt.
Đề cập đến việc sinh hoạt chi đoàn hiện nay là công việc khá khó khăn của cơ sở Đoàn, chị Quỳnh đề ra giải pháp: Đoàn trường ĐH Thủ đô Hà Nội vẫn duy trì hoạt động hằng tháng theo những chủ đề, chủ điểm mà trường đưa ra. Ngoài ra, nhằm đa dạng hóa hình thức tổ chức sinh hoạt chi đoàn, Đoàn trường cũng tổ chức cho sinh viên trao đổi theo chủ đề trên mạng xã hội, từ đó tiếp thu nhanh và nhiều ý kiến hơn.
“Chúng tôi rất mong muốn Trung ương Đoàn có thêm những những kênh để tiếp thu ý kiến từ các đoàn viên, thanh niên được tốt hơn” – chị Phương Quỳnh đề xuất.
Là một bác sĩ, anh Nguyễn Hữu Hải (Bí thư Đoàn Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương) cho rằng để làm tốt công tác Đoàn trong một đơn vị sự nghiệp thì bên cạnh việc phát triển các phong trào thể thao, văn hóa… cần phải phát triển các hoạt động gắn với chuyên môn.
Đoàn Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương xác định 3 trọng tâm công tác, đó là giúp đoàn viên thanh niên phát triển chuyên môn, kỹ năng giao tiếp; tổ chức khám chữa bệnh tình nguyện; tổ chức ngân hàng máu sống.
Cụ thể, các đoàn viên đã tích cực tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn như thạc sĩ, nghiên cứu sinh… đồng thời nâng cao kỹ năng giao tiếp qua các chương trình, cuộc thi, các lớp nâng cao kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ… để đoàn viên có kỹ năng giao tiếp tốt hơn với bệnh nhân.
Từ các hoạt động như vậy, đoàn viên thanh niên đã rất hào hứng, thông cảm hơn với nỗi khổ người dân, có ý thức tốt hơn về nghề nghiệp và cách ứng xử.
Đại biểu Lê Văn Thức (Bí thư Đoàn xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) đề xuất T.Ư Đoàn hỗ trợ trang bị máy vi tính cho chi đoàn xã ở nông thôn để hoạt động tốt hơn và giúp phổ cập công nghệ thông tin đến thanh niên nông thôn hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương, Bí thư Đoàn phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội nêu câu hỏi: Nếu cung cấp nhiều kinh phí thì hoạt động Đoàn có lớn mạnh hay không? Từ đây nữ thủ lĩnh đoàn phường này đưa ra câu trả lời: Tiền chỉ là một phần trong việc thành công của hoạt động Đoàn.
“Nếu có tiền nhưng không có cơ sở, không có đoàn viên tham gia thì không thể thành công trong hoạt động đoàn ở địa phương” – chị Hương cho biết.
"Hiện các bạn sinh viên bây giờ có rất nhiều mối quan tâm" - chị Hương nói. Bởi vậy Đoàn phường Ngọc Khánh có sáng kiến sinh hoạt liên chi đoàn để thu hút tập hợp sinh viên, thanh niên đến với công tác đoàn phường. Ngoài ra, Đoàn phường duy trì mô hình kiểu câu lạc bộ.
“Trung ương Đoàn có rất nhiều phong trào, hoạt động nhưng có tuổi thọ hoạt động hơi ngắn do phải triển khai hoạt động đó phù hợp với cơ quan Đoàn thành phố, Đoàn quận, Đoàn phường. Do đó tôi kiến nghị làm sao kéo dài các cuộc vận động, phong trào mà Trung ương Đoàn đưa ra”, chị Hương đề xuất.
Là đại diện cho các đoàn viên Tây Nguyên, thanh niên dân tộc, đại biểu Rơ Ông Ha Doanh (Bí thư Đoàn xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, với đặc điểm 80-90% người dân địa phương là người dân tộc thiểu số, số lượng đoàn viên ít, hoạt động Đoàn tại xã gặp rất nhiều khó khăn.
Để đoàn kết, tập hợp thanh niên, anh Rơ Ông Ha Doanh chia sẻ một kinh nghiệm: nhận thấy tiếng cồng chiêng đã ăn sâu vào đời sống của người dân tộc thiểu số, thời gian qua, Đoàn xã Liêng Srônh đã tổ chức các đội cồng chiêng thanh niên vừa để phục vụ đồng bào, vừa để bảo tồn văn hoá cồng chiêng đặc sắc.
Bên cạnh việc thành lập các đội cồng chiêng, anh Doanh cho biết còn thành lập cái đội hỗ trợ sản xuất, giúp đỡ người dân trong các vụ mùa. Anh kết luận: Thực tế cho thấy muốn làm tốt công tác đoàn thì phải xem xét, tổ chức các hoạt động đúng với nguyện vọng của đoàn viên thanh niên.
Đại biểu Vũ Thị Thùy Trang (Bí thư Đoàn Thanh niên công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh, Bình Phước) đóng góp ý kiến về vấn đề giới trẻ và mạng xã hội. Theo Thùy Trang, giới trẻ hiện nay tham gia nhiều trang mạng xã hội, chỉ cần có điện thoại thông minh trong tay là có thể tham gia được. Tuy nhiên, thông tin trên mạng có những thông tin không tốt, nên chúng ta cần có kênh thông tin để nói chính xác hơn, giải thích rõ ràng hơn để giúp các bạn trẻ nhận thức đúng đắn hơn.
Về công tác đoàn cơ sở, Thùy Trang đề xuất nên có những chương trình hoạt động tập trung, tránh tràn lan. Nói về kinh nghiệm tổ chức công tác thi đua tại Đoàn công ty, Thùy Trang cho biết: "Mục tiêu quan trọng nhất của doanh nghiệp chúng tôi là hoàn thành kế hoạch sản lượng nhà nước giao trong năm, đó là mục tiêu sống còn, nên Đoàn cơ sở đã triển khai phong trào gắn liền nâng cao sản lượng công ty".
Đại biểu Thùy Trang nói thêm: Đoàn cơ sở của công ty thường xuyên triển khai cho đoàn viên thanh niên đăng ký tham gia hoàn thành và hoàn thành vượt mức sản lượng. Sau đó Đoàn sẽ có hình thức biểu dương, tuyên dương các cá nhân xuất sắc. Những gương mặt được tuyên dương, thưởng nóng sẽ chia sẻ kinh nghiệm để các đoàn viên khác học hỏi”.
Phát biểu kết luận tọa đàm, anh Đặng Quốc Toàn, Bí thư T.Ư Đoàn đúc kết: "Các cán bộ đoàn, đoàn viên tiêu biểu trong buổi tọa đàm hôm nay đã có những chia sẻ cách làm hay, gắn sát với thực tế từng đơn vị, đặc biệt là sáng tạo trong vận động kinh phí".
Anh Đặng Quốc Toàn đề nghị: để tiếp tục làm tốt công tác Đoàn cơ sở, các cán bộ đoàn cần quan tâm đến hoạt động sinh hoạt chi đoàn. Bí thư TƯ Đoàn nhấn mạnh: sinh hoạt chi đoàn là hoạt động chính trị nhằm kết nối đoàn viên ở cơ sở. Các cơ sở Đoàn cần tăng cường gắn kết tổ chức Đoàn với đoàn viên, gắn với nhu cầu thực tiễn của đoàn viên, đồng thời phải tổ chức sinh hoạt chi đoàn thường xuyên hơn.
Anh Đặng Quốc Toàn cũng gợi ý để gắn kết thanh niên, tổ chức Đoàn viên thì các hoạt động phải thiết thực hơn. Sinh hoạt chi đoàn góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động thì mới kích thích đoàn viên sinh hoạt. Các cán bộ Đoàn cũng cần chủ động phối hợp cùng đơn vị khác, tham khảo các mô hình làm kinh tế hay và thiết thực để vận dụng ngay, tạo việc làm, thu nhập cho đoàn viên thanh niên. Đặc biệt, Bí thư Đoàn cơ sở phải năng động, đừng mang tâm lý trông chờ, ỷ lại.
"Nhiều bạn chia sẻ vẫn còn lúng túng về công tác tổ chức hoạt động Đoàn, nên suy nghĩ đầu tư thêm, sáng tạo các hình thức. Đoàn cơ sở chủ động nắm bắt thông tin để hoạt động nhanh nhạy hơn, và phong trào muốn có sức sống phải xuất phát từ thực tiễn địa phương", anh Đặng Quốc Toàn đúc kết.

Thủ lĩnh Thanh niên chia sẻ
Hoàng Phương Quỳnh - Bí thư Đoàn trường Đại học Thủ đô Hà Nội: Tọa đàm trên mạng xã hội
Đoàn trường ĐH Thủ đô Hà Nội, từ đầu năm học đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền suốt 12 tháng với những phương châm, hành động cụ thể của từng tháng. Các hoạt động của Đoàn trường luôn gắn liền với hoạt động văn hóa, thể thao, tình nguyện…
“Với vai trò là Bí thư đoàn trường, bản thân tôi luôn gương mẫu trong công việc, luôn nghĩ ra những việc làm, hình thức tuyên truyền mới mẻ để lôi cuốn sinh viên tham gia các hoạt động phong trào của trường. Đặc biệt trong công tác hiện nay, đoàn trường ý thức được tầm quan trọng của mạng xã hội nên thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm trên mạng xã hội thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Trang web của trường thường xuyên cập nhật những thông tin mới mẻ, bổ ích và từ đó cập nhật, nắm bắt thông tin thường xuyên của sinh viên để có những định hướng phù hợp” - Phương Quỳnh cho biết.
Vũ Thị Thùy Trang - Bí thư Đoàn TN Công ty TNHH MTV cao su Lộc ninh, Bình Phước: Thường xuyên cập nhật tình hình
Tôi thường xuyên tham mưu cho công ty, nắm bắt những sự kiện lớn như biển Đông, các ngày lễ lớn để có những kế hoạch cụ thể tuyên truyền cho đối tượng đoàn viên thanh niên. Ngoài ra, tôi cũng trực tiếp tìm những vấn đề thời sự của đất nước để có những hoạt động phong trào phù hợp.
Hiện nay, giới trẻ có đầy đủ điều kiện để tiếp cận mạng xã hội với rất nhiều thông tin, tốt xấu đều có. Do đó một số thế lực phản động lợi dụng để có những tuyên truyền, kích động thanh thiếu niên. Tổ chức đoàn của công ty thường xuyên có văn bản chỉ đạo. Bản thân tôi cũng đi cơ sở nhiều hơn để nắm tình hình, điều gì tốt thì phát huy anh em học tập, cái gì lệch lạc thì ngăn chặn, định hướng kịp thời.
Ngô Tiến Đạt Bí thư Thị đoàn Thuận An, tỉnh Bình Dương: Đưa hình ảnh, thông tin chính thống
Anh Ngô Tiến Đạt cho biết trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên tham gia các hoạt động động đoàn ở Bình Dương có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.
Thuận lợi là bởi người dân, đặc biệt là giới trẻ địa phương có sự quan tâm nhất định dành cho các hoạt động đoàn hội. Bên cạnh đó, bản thân các cán bộ đoàn cũng tạo ra nhiều hoạt động, sân chơi, thu hút đoàn viên tham gia.
Tuy nhiên, Bình Dương hiện đang là nơi tập trung nhiều người tạm trú. Chính vì thế mà việc tham gia các hoạt động đoàn vẫn còn hạn chế do một số người phải tập trung cho các hoạt động kinh tế, không có nhiều thời gian tham gia hoạt động đoàn dù rất muốn.
Hiện nay, anh Đạt cùng các cán bộ đoàn hội tại đây ngoài việc thực hiện công tác tuyên truyền với hình thức truyền miệng mà còn thông qua mạng xã hội để kết nối các đoàn viên, đưa hình ảnh, thông tin chính thống đến người dân.
Đặng Thị Trang, Bí thư Chi đoàn 12 Sinh, trường THPT chuyên Hà Tĩnh: Phân phối quỹ thời gian hợp lý
Là học sinh cuối cấp nhưng Đặng Thị Trang vẫn năng nổ tham gia các hoạt động đoàn. Trang cho biết bí quyết của em nằm ở việc phân bố hợp lí quỹ thời gian trong ngày.
Ví dụ như đối với những môn phụ, Trang tranh thủ hoàn thành bài tập ngay tại lớp. Với những môn trọng tâm, Trang dành thời gian buổi chiều tại nhà, thay vì vui chơi, giải trí thì ôn bài và hoàn thành bài tập. Thời gian còn lại, Trang dành hết cho các hoạt động đoàn, hội.
Việc vận động bạn bè xung quanh tham gia vào các hoạt động đoàn cũng không gặp nhiều khó khăn với Trang bởi bí quyết của cô bí thư chi đoàn này là nhấn mạnh vào những điểm tích cực, có lợi từ các phong trào để thu hút các bạn cùng tham gia.
Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực TP.HCM: Gắn công trình với hiệu quả công ty
Theo anh Nguyện Tấn Hưng, làm Bí thư Đoàn ở một doanh nghiệp có phần khác biệt hơn so với những cán bộ đoàn ở địa phương. Việc huy động đoàn viên tham gia các hoạt động đoàn phải chú ý đến 2 yếu tố.
Thứ nhất, đó là hiệu quả công trình thanh niên mang lại cho doanh nghiệp. Công trình phải vừa phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ đoàn viên vừa phải bố trí thời gian hợp lý. Thông thường, các công trình như vậy thường được sắp xếp vào vào thứ bảy, chủ nhật để các đoàn viên có thể tham gia đầy đủ mà không ảnh hưởng đến công việc của họ. Thứ hai là kế hoạch phải được thông báo sớm để đoàn viên sắp xếp tham gia.
Hiện nay, ngoài việc tuyên truyền qua mạng xã hội, Tổng Công ty điện lực TP.HCM còn có trang tin nội bộ vốn là công cụ tuyên truyền rất hiệu quả cho các hoạt động của Đoàn.
Thanh Niên Online 
(thực hiện)

Các tin liên quan