Bảng thuyết minh tên đường của những cựu binh già

02/03/2016
Thấy người dân thắc mắc, không rõ về một số nhân vật được đặt tên đường, Hội cựu chiến binh đã gom tiền, làm biển ghi rõ tiểu sử của từng vị ngay dưới bảng chỉ đường.

Ngày đầu năm, ông Phạm Công Chức, Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường An Sơn (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) dạo quanh các tuyến phố trong khu vực để ghi lại từng tên đường. Sắp tới mô hình “dạy lịch sử qua bảng chỉ đường” do ông Chức khởi xướng sẽ được nhân rộng trên toàn phường. 


 Bảng tiểu sử được gắn ngay bên dưới biển tên đường. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Chức kể, gần một năm trước, khi đang cùng ban quản lý đô thị đi khảo sát vệ sinh môi trường thì một người dân nhìn vào bảng ghi tên gắn trên trục chỉ đường rồi hỏi ông về nhân vật này. Câu hỏi đó khiến ông và những người trong đoàn sững sờ vì chẳng ai rõ về nhân vật được đặt tên cho tuyến đường mà ông và hàng xóm vốn "rất thân thuộc".
“Do chưa tìm hiểu nên tôi xin khất lại câu trả lời, tuy nhiên sau đó cứ ám ảnh mãi. Ít hôm sau, tôi nảy ra ý tưởng làm bảng thuyết minh tên đường vì nhận ra phần lớn người dân chẳng ai biết về thân thế của những nhân vật được đặt làm tên đường mà mình qua lại hàng ngày”, vị cựu binh già kể.
Nghĩ là làm, ông Chức sau đó vận động các hội viên cựu chiến binh trên khối phố 6 để quyên góp tiền. Sau ba tháng trình đơn lên các cấp chính quyền bày tỏ ý tưởng cũng như nguyện vọng của các cựu chiến binh, tháng 8/2015 mô hình gắn bảng thuyết minh tên đường được lãnh đạo TP Tam Kỳ phê duyệt.
“Nói thì đơn giản nhưng để có biển nói về tiểu sử của những vị này, chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ, không thể để sai sót dù chỉ là dấu phẩy. ‘Bảng dạy lịch sử’ này phải làm sao vừa ngắn gọn nhưng lại khái quát hết về nhân vật, sau đó phải đưa lên Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Tam Kỳ phê duyệt nữa”, ông Chức nói. Nội dung trên bảng chủ yếu ngày sinh, ngày mất, quê quán, chức vụ… 


 Đến nay đã có 38 "bảng dạy lịch sử" được cựu chiến binh gom tiền đặt trên 11 tuyến phố. Ảnh: Tiến Hùng

Khối phố 6 là nơi đầu tiên được đặt biển về tiểu sử chí sĩ cách mạng, danh nhân ngay phía dưới tên đường. Kinh phí để làm hơn 7 triệu đồng từ sự đóng góp tự nguyện của các cựu chiến binh ở khu phố. “38 bảng thuyết minh được đặt trên 11 tuyến đường ở khối phố 6 không chỉ là bảng tên đường mà còn là nơi để người dân, học sinh tìm hiểu, ghi nhớ công lao của họ trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Ngoài ra nó còn khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu lịch sử của người dân”, ông Nguyễn Cảnh (62 tuổi, phường An Sơn) nói.

Chánh văn phòng UBND TP Tam Kỳ, ông Nguyễn Hồng Lai cho biết vừa qua thành phố đã tuyên dương mô hình “dạy lịch sử qua bảng chỉ đường” của những cựu binh phường An Sơn. “Thành phố nhận thấy đây là mô hình rất thiết thực, trong thời gian tới sẽ nhận rộng”, ông Lai nói. 

Tiến Hùng

Các tin liên quan