Về nguồn năm 2016: "Hành trình theo chân Bác, Di sản nghìn năm Thăng Long - Hà Nội".

02/06/2016
Đảng bộ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (Đảng bộ HFIC) tổ chức chương trình về nguồn năm 2016 với chủ đề: "Hành trình theo chân Bác, Di sản nghìn năm Thăng Long - Hà Nội".

Trong không khí náo nức của những ngày tháng 5: cả nước tưng bừng kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2016) và Chào mừng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công, Đảng bộ Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM đã tổ chức chương trình về nguồn năm 2016 chủ đề: "Hành trình theo chân Bác, Di sản nghìn năm Thăng Long - Hà Nội" từ ngày 27/5/2016-31/5/2016 cho các Đảng viên, đoàn viên Công đoàn, đoàn viên Đoàn Thanh niên, hội viên Hội Cựu chiến binh ưu tú trong hệ thống HFIC và các doanh nghiệp thành viên.

 
 Ngôi nhà quê ngoại, nơi Bác sinh ra.
 

Ngày 27/5, đoàn có mặt tại quê ngoại của Bác, làng Hoàng Trù – nơi Bác chào đời. Trong cái nắng trưa hè oi ả, hình ảnh ngôi nhà đơn sơ mộc mạc, hàng cây trước ngõ, ... đã khắc họa được cuộc đời vô cùng thanh cao giản dị của Bác, của gia đình Bác. Đoàn đến quê nội của Bác - làng Kim Liên, nơi ghi dấu suốt những năm thơ ấu đầu đời của Bác. Ngôi nhà lá năm gian do bà con Làng Sen quyên góp xây nên để mừng ông Nguyễn Sinh Sắc (cha của Bác) đỗ phó bảng trở về làng vào năm 1901. Tại những nơi này, cả đoàn lắng nghe giới thiệu về những kỷ vật, mỗi góc nhà chái bếp hàng hiên, cây cối trong vườn nhà … đã gợi lên những cảm xúc thân thương khó tả. 

 
 Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại quê nội của Bác, làng Kim Liên.

Ngày 28/5, đoàn rời quê Bác để đến với Phú Thọ, thăm Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Ngày xưa, vùng đất này là khu vực trung tâm của nước Văn Lang, nằm giữa hai dòng sông giống như hai dãy hào thiên nhiên khổng lồ bao bọc lấy cố đô xưa của các vua Hùng. Đền Hùng là trung tâm, là tiêu điểm về thời đại các vua Hùng, các ngôi đền thờ vua Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh. Trước kia, khu vực này là cánh rừng già nhiệt đới. Ngày nay, núi Hùng vẫn giữ dáng vẻ của rừng tự nhiên với nhiều thế hệ cây, nhiều tầng lớp khác nhau. Từ xa xưa, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Lễ hội Đền Hùng (10/3 âm lịch hàng năm) còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của dân tộc Việt. Nhân dân Việt Nam ta cũng luôn ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ngày 29/5, đoàn đến Yên Tử, nơi Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), người có một vị trí, vai trò đặc biệt trong lịch sử của dân tộc ta. Nhân dân ta mãi mãi khắc ghi công lao của ông trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, là người đã xây dựng và phát triển một thiền phái Phật giáo riêng có của người Việt. Người sống không phải vì tham vọng chính trị, mà chọn cho mình lối sống thanh cao và thoát tục, tu hành vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của quốc gia, của dân tộc. Chính ông đã mở ra, phát triển và tạo nên nền tảng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Đại Việt và phát triển cho đến tận ngày nay.

Ngày 30/5, đoàn di chuyển đến Quảng Ninh, thăm vịnh Hạ Long nơi được Unesco nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới với hàng nghìn hòn đảo được làm nên bởi tạo hoá kỳ vĩ và sống động. Vịnh Hạ Long có phong cảnh tuyệt đẹp nên nơi đây là một điểm du lịch rất hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Có đến Hạ Long, ta mới cảm nhận được đất nước ta có rất nhiều thắng cảnh đẹp, khiến cho ta càng thêm yêu đất nước Việt Nam.

 
 Đoàn vào lăng viếng Bác.

Ngày 31/5, đoàn về thủ đô Hà Nội. Cả đoàn được vào viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nhà sàn, ao cá Bác Hồ, thăm Phủ Chủ tịch ... nghe anh hướng dẫn viên kể chuyện về Bác, tuy đó chỉ là những câu chuyện đời thường nhưng đó lại những câu chuyện thật cảm động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già của cả dân tộc Việt Nam, một con người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng xã hội và giải phóng dân tộc Việt Nam. 

Trong chuyến về nguồn, Đoàn cũng đã có buổi họp mặt giao lưu - làm công tác xã hội tại Trường Cao Đẳng Dược Phú Thọ. Nghe Thầy thuốc ưu tú TS. Hà Quang Lợi - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT - Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu đôi nét về sự hình thành, phát triển của nhà trường trong thời gian qua và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, cả Đoàn chúc mừng những thành công của nhà trường. Cũng trong buổi họp mặt giao lưu, thay mặt Đảng bộ Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Phú Quốc - Phó Bí thư Đảng bộ, Tổng Giám đốc HFIC đã trao tặng 100 triệu đồng cho Quỹ học bổng sinh viên nghèo hiếu học của nhà trường. Thay mặt nhà trường, Thầy thuốc ưu tú TS. Hà Quang Lợi - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT - Hiệu trưởng nhà trường đã cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ quý báu của Công ty và xin hứa sẽ trao các phần học bổng đến tận tay các sinh viên nghèo hiếu học của nhà trường.

 
 Đồng chí Nguyễn Minh Trí - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy trao tặng quà lưu niệm
 
 
 Đồng chí Phạm Phú Quốc - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc HFIC trao học bổng.

Chuyến đi lần này là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực giữa lúc Đảng bộ Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. HCM tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và tiếp tục thực hiện triển khai Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tin và ảnh: Nguyễn Hồng Long.

Các tin liên quan