Quốc hội đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội.

01/08/2016
(Chinhphu.vn) - Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2016, ý kiến của các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ cho rằng mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những kết quả đạt được là rất tích cực, rất đáng khích lệ.
Sáng nay (29/7), tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.
 
 Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáng 29/7. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
 
Sau phần trình bày Báo cáo của Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.
Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016, ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ cho rằng mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016 là rất tích cực, rất đáng khích lệ. Kinh tế vĩ mô cơ bản tiếp tục giữ được sự ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát theo mục tiêu; lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định… Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
 
 Đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn TPHCM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

“Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là rất tích cực. Đặc biệt, sự quyết tâm của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ đã tạo ra động lực, sự phấn khích rất lớn để người dân và doanh nghiệp nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TPHCM), đại biểu phát biểu thảo luận đầu tiên tại hội trường, nhận định.
Đại biểu Phạm Phú Quốc và một số đại biểu khác cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của năm nay là tương đối khó, song cũng chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu vì dư địa tăng trưởng còn rất lớn và nếu tăng trưởng cả năm đạt dưới 6,7%, thậm chí đạt 6% thì cũng là khá tốt trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt như hiện nay.
“Không nên đặt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà phải quan tâm đến chất lượng tăng trưởng; phải thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế gắn với hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế…, có như vậy mới bảo đảm cho sự phát triển bền vững…”, đại biểu Phạm Phú Quốc nêu quan điểm.
Đánh giá về Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), cho rằng Báo cáo đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế. Bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được, Báo cáo đã nhìn thẳng vào sự thật về những vấn đề còn tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, nhất là vấn đề về nợ công, nợ xấu. Điều này thể hiện được bản lĩnh của Chính phủ, sự sẵn sàng xử lý, đương đầu, ứng phó với những khó khăn, thách thức và những yếu kém còn tồn tại.
Bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ cao đối với quyết tâm của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, minh bạch; Chính phủ hành động, phục vụ; lấy hiệu quả việc làm thước đo…, đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên), đại biểu Phan Ngọc Thọ (đoàn Thừa Thiên-Huế) đề nghị Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đặc biệt, trong thực thi công vụ phải có đánh giá đa chiều về chất lượng, ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức; có các biện pháp đủ mạnh để áp trách nhiệm, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tránh tình trạng trước các vụ việc, nhiệm vụ thì “thành công là của chúng tôi, còn thất bại là của chúng ta”.
 
 Đại biểu Phan Ngọc Thọ, đoàn Thừa Thiên-Huế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ cũng đề nghị bên cạnh việc kiểm soát, thực hiện tốt công tác thẩm định các dự án đầu tư, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong kêu gọi đầu tư, nhất là kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài và nếu làm tốt công tác này sẽ tạo ra động lực rất lớn cho phát triển kinh tế, góp phần vào tăng trưởng và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Một trong những vấn đề lớn được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là công tác bảo vệ môi trường, nhất là sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung vừa qua. Các đại biểu cho rằng vụ việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với các cấp, các ngành trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Các đại biểu: Trần Công Thuật (đoàn Quảng Bình), Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, xử lý triệt để các sự cố môi trường, hỗ trợ ngư dân, bảo đảm ngư trường cho ngư dân đánh bắt, ra khơi bám biển; dành sự đầu tư nguồn lực thỏa đáng hơn nữa cho công tác bảo vệ môi trường sinh thái; phòng chống hạn hán, xâm nhập mặt, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những diễn biến bất thường, cực đoan của thời tiết, khí hậu.
Cho rằng nhiều quyết sách của Chính phủ, nhất là chủ trương về việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh đang đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) và một số đại biểu khác mong muốn Chính phủ tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng thể chế, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn để quản lý hiệu quả đầu tư công, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tạo điều kiện, cơ hội cho người dân, doanh nghiệp, làm ăn, phát triển; xử lý nghiêm các chủ thể cố tình “đẻ ra” các giấy phép con để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng để đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; khơi thông, tháo gỡ khó khăn cho thị trường nông sản, tránh tình trạng “được mùa mất giá”; quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để tạo động lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện tốt công tác kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh các biện pháp tuần tra, kiểm soát, phòng chống tai nạn giao thông; phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ độc lập chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đầu tư xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền… cũng là những vấn đề lớn được nhiều đại biểu quan tâm đề cập.
Nguyễn Hoàng


Các tin liên quan