(Thanh Niên) Đây là câu chuyện được PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo khoa học “Đại tướng Văn Tiến Dũng với cách mạng VN và quê hương Hà Nội” do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo T.Ư, Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 26.4 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đại tướng (2.5.1917 - 2.5.2017).
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng gặp lại nhau sau giải phóng Sài Gòn, ngày 5.5.1975. |
Hội thảo do thượng tướng Lương Cường, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dự và chỉ đạo. Hội thảo nhận khoảng 100 tham luận của các lãnh đạo Bộ Quốc phòng, cán bộ lão thành cách mạng, tướng lĩnh, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Các tham luận đã đề cập toàn diện từ truyền thống gia đình, quê hương, cuộc đời, sự nghiệp và cống hiến xuất sắc trên nhiều lĩnh vực của đại tướng Văn Tiến Dũng.
Đánh thế nào để Sài Gòn ít bị tàn phá.
Hai vấn đề nổi bật nhất của toàn bộ kế hoạch giải phóng Sài Gòn là cách đánh và mục tiêu phải đánh. “Trước khi ra quyết định, đại tướng Văn Tiến Dũng trăn trở rất nhiều là đánh như thế nào cho nhanh, chắc thắng, đập tan hệ thống tổ chức quân đội và chính quyền Sài Gòn, phá tan bộ máy chiến tranh, nhưng để thành phố ít bị tàn phá nhất, không làm thiệt hại nhiều tính mạng người dân, tài sản, để cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường...”, tham luận của trung tướng Võ Minh Lương viết.
Cách đánh cuối cùng được chọn là dùng một lực lượng thích hợp trên từng hướng, bao vây chia cắt chặn giữ không cho địch rút về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài. Đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu chiếm các địa bàn then chốt vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới mạnh đánh thẳng vào 5 mục tiêu chủ yếu trong nội thành gồm: Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng Nha cảnh sát và Dinh Độc Lập... Diễn biến trận quyết chiến chiến lược diễn ra gần đúng như kế hoạch.
Trong tham luận gửi hội thảo, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ về cuộc gặp của ông với đại tướng vào năm 1998 để hỏi, xác minh một số vấn đề, nội dung lịch sử trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Tại cuộc gặp, PGS-TS Hà đã đặt câu hỏi với đại tướng về việc trong lãnh đạo lúc đó có ý kiến khác nhau về việc phát triển hướng tiến công chủ yếu, sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bất ngờ quyết định rút bỏ địa bàn chiến lược Tây nguyên xuống các tỉnh duyên hải miền Trung. Đại tướng Văn Tiến Dũng cho biết
lúc đó ta chưa tính đầy đủ phương án địch rút bỏ cả Tây nguyên nhanh như vậy, nên từ Hà Nội, Bộ Chính trị chỉ đạo không truy kích địch xuống ven biển miền Trung mà yêu cầu tập trung lực lượng phát triển tiến công dọc theo Tây nguyên đến Đắk Nông, Bình Phước rồi tiến xuống áp sát Sài Gòn.
Khi nhận được điện chủ trương như vậy, đại tướng thấy không hợp lý vì địch rút rất đông tạo cơ hội để ta truy kích tiêu diệt, đồng thời mở ra khả năng chia cắt chiến lược thế bố trí của địch. Bên cạnh đó việc yêu cầu các đơn vị dừng lại, tiến công theo hướng khác không đơn giản vì bộ đội đang khí thế đánh thắng, gấp rút truy kích địch.
Sẵn sàng nhận trách nhiệm.
Thời điểm đó, đại tướng bàn bạc với Bộ Tư lệnh chiến dịch theo dõi nắm thêm tình hình diễn biến, rồi sẽ báo cáo cụ thể với Hà Nội. Nhưng ngay sau đó ông nhận được bức điện thứ hai do ông Lê Đức Thọ ký, yêu cầu thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị như tinh thần nội dung bức điện thứ nhất. Trả lời bức điện, đại tướng cho biết tình hình cụ thể sẽ được ông Võ Chí Công, lúc đó đang phụ trách Liên khu 5 ra Hà Nội báo cáo. Đại tướng đồng thời đề nghị Bộ Chính trị cho phép Bộ Tư lệnh căn cứ vào diễn biến cụ thể tại chỗ để quyết định kịp thời.
“Điện gửi đi rồi nhưng tôi cũng băn khoăn không biết các anh trong Bộ Chính trị có hiểu, thông cảm cho không. Nhưng tôi tin là quyết định phát triển tiến công xuống đồng bằng ven biển miền Trung là hợp lý và sẽ tạo ra tình thế đột phá về chiến lược mới. Tôi cũng thấy khó xử vì đã không thực hiện theo chỉ đạo của các anh ngoài Hà Nội nhưng lúc đó ở tại chiến trường, tôi thấy đó là điều cần làm và tôi xác định sẵn sàng nhận trách nhiệm đối với diễn biến trên chiến trường”, đại tướng chia sẻ với PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà.
Thực tế chiến trường cho thấy quyết định trên là đúng đắn vì đã giúp quân ta chớp thời cơ giải phóng nhanh Huế (26.3), Đà Nẵng (29.3), hai thành phố lớn có vị trí cực kỳ quan trọng, mở ra thời cơ lớn có thể sớm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Hành động quyết đoán, sẵn sàng dám chịu trách nhiệm trên cơ sở từng trải chiến trận và nhãn quan chiến lược của đại tướng Văn Tiến Dũng trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà về một mặt nào đó, có thể so sánh với quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” chuyển sang “đánh chắc tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tư lệnh chiến dịch trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, xuân - hè 1954.
Đại tướng Văn Tiến Dũng, bí danh Lê Hoài, sinh ngày 2.5.1917 tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Tháng 11.1937, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ 9.1939 - 12.1944, ông từng 3 lần bị thực dân Pháp bắt, kết án và giam giữ. Tháng 1.1945, ông bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông được giao nhiệm vụ lập Chiến khu 2, làm Chính ủy chiến khu, tham gia Quân ủy T.Ư. Tháng 11.1946 - 1949, ông được cử làm Cục phó rồi Cục trưởng đầu tiên Cục Chính trị Quân đội quốc gia VN (nay là Tổng cục Chính trị QĐNDVN), Phó bí thư Quân ủy T.Ư... Từ 11.1953 - 5.1978, ông giữ chức Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN. Trên cương vị Tổng tham mưu trưởng, ông đã được Đảng giao trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn như Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị - Thiên (1972), Chiến dịch Tây nguyên (1975), Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (Chiến dịch Hồ Chí Minh). Sau khi đất nước thống nhất, từ 5.1978 - 1982, ông được giao nhiệm vụ làm Phó bí thư thứ nhất Quân ủy T.Ư. Từ 2.1980 - 2.1987 giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và làm Bí thư Đảng ủy Quân sự T.Ư từ 7.1985 - 1986. Trong giai đoạn này ông tiếp tục có những cống hiến to lớn trong việc từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh và triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc. |
Sư Hà chùa Bột Xuyên Theo TS Văn Việt Hoa, con gái đại tướng Văn Tiến Dũng, khi bị đày đi Sơn La, trên đường áp giải về Hà Nội ông đã trốn thoát nhưng bị mất hoàn toàn liên lạc với Đảng do bị nghi ngờ phản bội. Trước thử thách này ông đã quyết định về chùa Bột Xuyên (Mỹ Đức, Hà Nội) “nương nhờ cửa Phật”. “Cạo đầu vào chùa, khoác áo nâu sòng, ông lấy tên là sư Hà. Hằng ngày, sư Hà lần tràng hạt tụng kinh, gõ mõ, cày cuốc trên mảnh đất thuộc nhà chùa để nuôi bản thân. Khi màn đêm buông xuống, sư Hà chui xuống dưới bệ tam bảo viết truyền đơn và tài liệu tuyên truyền cách mạng hay lần sang các vùng xung quanh tìm cách giác ngộ quần chúng và bắt liên lạc với cách mạng. Chính sư Hà đã thành lập được Chi bộ Đảng đầu tiên tại xã Hòa Xá, H.Ứng Hòa và cũng là lần đầu tiên lá cờ đỏ búa liềm đã được treo lên trên cây bàng ngay giếng nước của làng Hòa Xá. Bằng sự kiên trì và tính trung kiên của người cộng sản, ông đã chứng minh sự trung thành với con đường cách mạng của mình, bởi trong lòng luôn nung nấu một điều “tìm về với Đảng”... |
Trường Sơn.