Tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo.
Tiếp chúng tôi trong quân phục người chiến sĩ Hải quân, vị lính già cầm trên tay những tấm hình mà ông chụp chung với đồng đội năm xưa. Trong số họ, có người còn nhưng cũng có những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến giành lại quần đảo Trường Sa cách đây tròn 42 năm.
Ông Sáu Đức sinh năm 1941 tại tỉnh Bến Tre. Năm 21 tuổi, ông xung phong vào quân ngũ, được biên chế vào đoàn tàu không số để vận chuyển vũ khí, quân nhu vào phục vụ chiến trường miền Nam. Trong thời gian tham gia công tác trên đoàn tàu không số, ông đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công. Trong đó, với vai trò là thuyền trưởng tàu 674, tham gia giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 là chiến công khiến ông tự hào nhất.
Kể lại quá trình cùng đồng đội tham gia giải phóng các đảo, ông Sáu Đức bồi hồi nhớ lại: Ngày 5/4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, khẩn trương chuẩn bị lực lượng để giải phóng quần đảo Trường Sa. Quyết tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng khác lợi dụng tình hình để đánh chiếm đảo nước ta. Bộ Tư lệnh quyết định cử ba tàu 673, 674 và 675 để chở Bộ đội đặc công Đoàn 126 Hải quân và một lực lượng của Quân khu 5 ra giải phóng đảo. Tối ngày 10/4/1975, biên đội tàu gồm ba chiếc của đoàn cấp tốc hành quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng, cập cảng Tiên Sa.
Trưa ngày hôm sau, đội tàu xuất phát ra Trường Sa, chọn Song Tử Tây là đảo để giải phóng đầu tiên. “Song Tử Tây nằm giữa biển Đông, cho nên nếu đi không khéo sẽ bị lạc hoặc địch phát hiện, do đó đòi hỏi lực lượng tham gia chiến đấu lần này ngoài kinh nghiệm đi biển phải là những người có trình độ thiên văn, vì lúc bấy giờ không có vệ tinh hay định vị, chỉ dùng kỹ thuật và kinh nghiệm đi biển gần 10 năm của tàu không số. Theo kế hoạch thì 1 giờ sáng ngày 14/4/1975 đoàn tàu phải tiếp cận được đảo, đây là thử thách lớn đối với tất cả các chiến sĩ. So với những chuyến đi trước, đây là chuyến đi đặc biệt, mang theo nhiệm vụ lớn, không chỉ vận chuyển vũ khí như những lần trước mà còn phải đánh địch, giải phóng hệ thống đảo của mình”, ông nói.
Góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.
Vị lính già kể tiếp, cũng may trong những ngày này biển êm, trăng sáng suốt đêm nên các chiến sĩ thấy đường chân trời, có điều kiện đo đạc thiên văn, tính toán đường đi chính xác, nhờ vậy mà theo kế hoạch 1 giờ sáng nhưng mới 0g30 khuya 14/4/1975 đoàn tàu đã đến được đảo Song Tử Tây. Đến 4 giờ sáng, lực lượng đổ bộ tập kích 3 mũi tấn công giải phóng đảo, đến 5 giờ sáng thì mặt trận hoàn thành. Quân ta bắt sống 33 tù binh, diệt 6 tên, tuy nhiên 2 chiến sĩ ta đã hy sinh. Giải phóng Song Tử Tây xong, đoàn tàu quay về Đà Nẵng họp rút kinh nghiệm, một lực lượng của Quân khu 5 ở lại giữ đảo.
Đến ngày 24/4/1975, biên đội tàu đi đợt hai để giải phóng các đảo còn lại. Đầu tiên là đảo Sơn Ca, lực lượng tiếp cận đảo lúc hơn 2 giờ sáng, đến hơn 4 giờ thì giải phóng được đảo. Trong đợt giao chiến này, phía ta có 1 đồng chí hy sinh. Lần lượt sau đó, các chiến sĩ của đoàn tàu không số tiếp cận và giải phóng những đảo còn lại là Nam Yết, Sinh Tồn và mặt trận cuối cùng là đảo Trường Sa Lớn.
Bằng giọng hào hùng, ông xúc động kể tiếp: "Sáng ngày 29/4/1975, lực lượng đổ bộ lên Trường Sa Lớn, lúc này quân giải phóng đã đi tới Xuân Lộc, Đồng Nai. Ở đây, khoảng hơn 3 giờ chiều, các chiến sĩ đã giải phóng xong Trường Sa Lớn. Ngay chiều đó, đoàn tàu hành quân trở lại Nam Yết, đến 10 giờ sáng ngày 30/4/1975 tới đảo Nam Yết, vừa thả neo lên đảo làm việc thì nghe đài phát thanh đọc tin quân ta giải phóng Sài Gòn, anh em trong đoàn mừng rơi nước mắt. Như vậy, đúng thời điểm chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng là lúc 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa được giải phóng, lực lượng tàu không số đã góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc”, ông tự hào nói…
Tiếp tục cống hiến…
Lần giở tiếp những bức hình trong tập ảnh trên tay, như cuốn nhật ký ghi chép một cách ngắn gọn, chân thật nhất về những sự kiện và công việc trong cuộc đời mình, đó còn là những chuyến ông đi trao quà, tặng nhà, xây cầu cho bà con nghèo. Ông Sáu Đức bồi hồi xúc động: “Sau khi về đời thường, trở lại các bến xưa, nơi đoàn tàu không số đã từng cập bến để chuyển vũ khí, từ Quảng Ngãi, Bà Rịa cho đến Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau…, đâu đâu cũng thấy còn nhiều đồng bào khổ quá, những nơi mà trước kia đã nuôi giấu, che chở mình, cất giấu vũ khí cho bộ đội…, đến bây giờ họ còn thiếu thốn mọi bề, tôi đã quyết tâm phải làm gì đó để trả ơn".
“Đến năm 2009 thì tôi mới vận động được nhiều nguồn để chăm lo cho bà con”, ông Sáu Đức nói và cho biết đến nay đã vận động xây dựng gần 90 nhà tình nghĩa, tình thương; bên cạnh đó là xóa cầu khỉ, tặng quà, trao học bổng, xe đạp cho học sinh nghèo, khám bệnh, phát thuốc… Người lính già bộc bạch: “Tôi không coi đó là việc làm từ thiện xã hội mà như một cách để trả ơn đồng bào ngày xưa đã giúp đỡ mình”. Hiện ông Nguyễn Văn Đức là Trưởng ban liên lạc tàu không số khu vực TPHCM, đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015.
Anh Huy