Đến dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trần Thế Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.
Báo Sài Gòn Giải Phóng ra đời ngày 5/5/1975 theo quyết định của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định (nay là TPHCM). Tờ báo xuất bản hàng ngày khổ lớn được in ấn và phát hành với số lượng lớn, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thông tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Sài Gòn mới được giải phóng. Trải qua 42 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã không ngừng nỗ lực để đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, chuẩn xác, chất lượng thông tin ngày càng tăng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
Thành ủy viên, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Tấn Phong cho biết, sự phát triển của tờ báo được thể hiện ở nhiều mặt. Số lượng luôn đi đôi với chất lượng. Từ một tờ báo có 4 trang in đen trắng, đến nay báo ra hàng ngày có 8 trang thông tin in màu ở trang 1 và trang 8. Ngoài hai tờ báo tiếng Việt và tiếng Hoa ra hàng ngày, Báo Sài Gòn Giải Phóng còn có hai ấn phẩm khác là Sài Gòn Giải Phóng Đầu tư Tài chính và Sài Gòn Giải Phóng Thể thao. Các báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng tiếng Việt và tiếng Anh được xuất bản từ rất sớm và hiện đã xuất bản thêm báo điện tử tiếng Hoa để những thông tin chính thống và chính xác tờ báo của Đảng bộ TP được lan tỏa nhanh hơn, xa hơn.
Cũng tại buổi lễ kỷ niệm, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã khánh thành công trình Tòa nhà Văn hóa - Nghiệp vụ sau gần 6 năm xây dựng. Tòa nhà có quy mô 17 tầng nổi, 2 tầng hầm và 2 tầng lửng với diện tích sàn xây dựng gần 20.500m². Đồng thời, dịp này, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã ra mắt phiên bản mới Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử với 5 giao diện: Online tiếng Việt, Online tiếng Anh, Online tiếng Hoa, Online Đầu tư Tài chính và Online Thể thao. Phiên bản mới được đầu tư chương trình phần mềm và giao diện trên nền tảng công nghệ hiện đại, tương thích hoàn toàn với các trình duyệt mới trên tất cả các thiết bị, tích hợp được tất cả các loại truyền thông đa phương tiện, đáp ứng tốt yêu cầu xem - nghe - đọc của bạn đọc.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thân Thị Thư đánh giá cao những kết quả của tập thể Báo Sài Gòn Giải Phóng những năm qua; đồng thời nhấn mạnh: Qua 42 năm trưởng thành và phát triển, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã thật sự trở thành tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP là cầu nối ý Đảng và lòng dân. Theo đồng chí Thân Thị Thư, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Báo Sài Gòn Giải Phóng luôn là ngọn cờ xung kích trên mặt trận tư tưởng, tiên phong trong phong trào đấu tranh chống âm mưu, chiến lựơc “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng chống “Tự diễn biến, tự chuyển hóa”, bảo vệ Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. “Báo Sài Gòn Giải phóng thật sự góp phần giúp Đảng bộ và nhân dân TP có thêm nguồn thông tin thời sự, những tư liệu mang tính lý luận, thực tiễn hữu ích để TP kịp thời đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành công tác tư tưởng văn hóa trong giai đoạn mới” – đồng chí Thân Thị Thư nhấn mạnh.
Chúc mừng Báo Sài Gòn Giải phóng khánh thành Tòa nhà Văn hóa – Nghiệp vụ và ra mắt phiên bản mới Báo Sài Gòn Giải phóng điện tử, đồng chí Thân Thị Thư đề nghị cán bộ, biên tập viên, phóng viên của Báo luôn năng động, không ngừng sáng tạo, nỗ lực hơn nữa, giữ vững bản lĩnh chính trị, giữ được bản sắc của tờ báo Đảng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần vào công cuộc bảo vệ, xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đồng chí cũng lưu ý Báo Sài Gòn Giải Phóng cần tiếp tục cải tiến, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung báo, đảm bảo phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội một cách trung thực và nhân văn, truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách sinh động, nhuần nhuyễn và thuyết phục.
“Đội ngũ những người làm báo Sài Gòn Giải Phóng phải nhạy bén hơn nữa, kịp thời bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để xây dựng và phát triển tờ báo của Đảng bộ TP, trong đó có công nghệ phục vụ báo điện tử” – đồng chí Thân Thị Thư nhắn nhủ.
Nguyễn Nam