Nhiều đề xuất, góp ý quan trọng, thiết thực…
Tổng Giám đốc Tập đoàn SSG Đinh Ngọc Ninh cho rằng, việc TP có chủ trương phát triển không gian ngầm và kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực này là định hướng đúng. Tuy nhiên, cần phải tính toán tính khả thi vì ở TPHCM nền địa chất yếu nếu làm không tốt sẽ rất tốn kém, không hiệu quả. Về vấn đề rác thải, ông Ninh cho biết, hiện nay cơ cấu rác chôn lấp của TP chiếm 50 - 60% là không an toàn và TP cần thay đổi cơ cấu này bằng việc đốt, cũng như thực hiện các dự án, chương trình biến rác thải thành năng lượng.
Cũng liên quan đến vấn đề xây dựng các công trình ngầm, ông Võ Văn Bé, đại diện Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt mong muốn được UBND TP xem xét thông qua phương án xây dựng Trung tâm thương mại ngầm trên đường Lê Lợi, Quận 1 mà đơn vị đề xuất. Bởi lẽ, để xây dựng trung tâm này cần phải làm cùng lúc với tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên nhằm giảm chi phí, giảm thời gian.
Đối với vấn đề bảo đảm quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng đô thị theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Licogi 16 Bùi Dương Hùng đề nghị, trong thời gian tới, đối với các quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thuộc dự án BT, TP cần quan tâm và có ý kiến chỉ đạo giải quyết triệt để; đồng thời chỉ đạo thực hiện kết nối nhanh thông tin, công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở các dự án đầu tư BT.
Còn đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) mong muốn TP làm việc với các ngân hàng để có sự cam kết tài trợ vốn cho các chủ đầu tư trong thực hiện các dự án hạ tầng đô thị, nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó, đối với các dự án có quy mô đền bù giải tỏa lớn, TP cần có hỗ trợ các DN về công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, với các dự án BT (hợp đồng theo hình thức chuyển giao), BOT (xâu dựng – vận hành – chuyển giao), TP cần ưu tiên quỹ đất sạch cho dự án.
Nhằm phát huy nguồn lực đất đai phục vụ tiến trình đô thị hóa bền vững của TP, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Lê Hoàng Châu kiến nghị, TP cần kiểm soát xu thế khi nhiều nhà đầu tư chỉ muốn chuyển đổi các khu đất tại các vị trí “đắc địa” sang làm nhà ở, không tạo ra nhiều giá trị gia tăng và nguồn thu lâu dài cho TP. Ông Châu đề nghị TP cần thực hiện phương thức đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, TP chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, trong đó có quy trình, thủ tục thu tiền sử dụng đất, đảm bảo minh bạch, thông thoáng, nhanh chóng, loại trừ cơ chế “xin - cho”, nhũng nhiễu, tiêu cực.
Đa dạng hóa hình thức kêu gọi đầu tư
Sau khi lắng nghe các ý kiến của cộng đồng DN, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, những ý kiến đóng góp của DN là thiết thực, nhằm tạo sự phát triển của TP. Thông tin với DN, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, định hướng phát triển TPHCM đến năm 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đề ra là tập trung chỉnh trang và phát triển đô thị. Vì vậy, hiện nay TP đang tập trung các giải pháp để phát triển các mặt không gian đô thị cho hợp lý. Trong đó, đối với khu vực trung tâm hiện hữu, TP sẽ tập trung chỉnh trang, xử lý các dự án, công trình triển khai chậm làm mất mỹ quan đô thị; phát triển hệ thống không gian ngầm ven cảng Bạch Đằng.
Ngoài ra, hướng phát triển của TP là tập trung phát triển các TP đô thị vệ tinh. Cụ thể, tập trung phát triển TP về phía Nam với việc xây dựng Khu Đô thị cảng Hiệp Phước; phát triển đô thị Tây Bắc; phía Đông Bắc; phát triển Khu Đô thị mới Thủ Thiêm; Khu Công nghệ cao và Làng đại học Thủ Đức… nhằm hạn chế sự dịch chuyển dân cư từ bên ngoài vào khu vực trung tâm hiện hữu; trong đó sẽ tập trung phát triển hệ thống dịch vụ, thương mại tại các khu đô thị này. Song song đó, tổ chức lại hệ thống giao thông đồng bộ; xây dựng hệ thống không gian ngầm, nhất là trong điều kiện diện tích không gian TP không thể mở rộng; tính toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tính toán bài toán giao thông liên vùng.
“Trong quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch của TP, những ý kiến đóng góp của DN đối với TP có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND TP giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP lắng nghe ý kiến của các DN trong quá trình thực hiện quy hoạch” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Về nguồn vốn phát triển hạ tầng đô thị từ nay đến năm 2020, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TP cần hơn 500.000 tỷ đồng, trong đó 34% ngân sách TP lo, còn hơn 60% nhờ vào nguồn lực các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực khác tham gia vào thực hiện các chương trình. Do đó, TP sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đa dạng hóa hình thức kêu gọi đầu tư; giảm tối đa thủ tục cho nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thanh Phong kêu gọi các DN quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực mà TP đang kêu gọi như: Giao thông công cộng, nhất là hệ thống các tuyến metro, xe buýt nhanh; các bãi đậu xe ngầm; các dự án giao thông; các lĩnh vực môi trường; phát triển các trung tâm thương mại - dịch vụ ở các đô thị vệ tinh… “TP luôn đặt mình vào nhà đầu tư; chính DN đang đồng hành cùng TP và cùng TP phát triển; TP xem sự thành công DN chính là sự thành công của TP” - đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Phát biểu tại buổi gặp ngỡ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân mong muốn DN và nhà khoa học tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch, rà soát quy hoạch và hoạch định chính sách của TP. Theo đồng chí, hiện nay diện tích đất của TP chiếm 0,6% diện tích đất cả nước, dân số chiếm 9% của cả nước, lao động chiếm 8% của cả nước; hiện dân số TP gấp 14 lần cả nước, người lao động gấp 12 lần, đây là những thách thức đang đặt ra cho TP. Tuy nhiên, trong thách thức sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho DN; DN cần biến thách thức thành cơ hội kinh doanh vì lợi ích của TP, vì lợi ích của người dân và vì lợi ích của doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị UBND TP tập trung giải quyết 5 vấn đề lớn. Đó là rà soát quy hoạch về phân vùng và sử dụng đất; công khai quy hoạch, kế hoạch các dự án, trong đó chậm nhất đến tháng 11/2017 phải đưa quy hoạch sử dụng đất lên hệ thống mạng; đẩy mạnh hợp tác công tư tạo nguồn vốn cho TP phát triển; đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao môi trường đầu tư, phải coi sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo hiệu quả công việc; chuẩn bị sẵn sàng về quỹ đất cho các nhà đầu tư.
Đình Lý