Mở đầu phần giao lưu là những thước phim tư liệu “Đêm trắng Vĩnh Lộc” kể về 32 cô gái dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc đã hy sinh trong đêm 20/5 âm lịch năm 1968 trên cánh đồng Láng Sấu, Tân Hòa, Vĩnh Lộc, Bình Chánh – cửa ngõ Tây Nam nội đô Sài Gòn đã gây nhiều xúc động với nhiều người.
Chị Phan Thị Thắm, con gái của nữ liệt sĩ Trần Thị Hết – nữ dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc, Bình Chánh nghẹn ngào kể: “Đêm đó mẹ tôi đi tải đạn. Khi thấy máy bay bắn nhiều, nên nhiều người thân trong nhà rất lo lắng cho mẹ tôi. Sáng hôm sau có người báo mẹ tôi đã hy sinh. Khi cùng gia đình đi tìm mẹ tôi thấy quá nhiều người hy sinh. Mẹ tôi lúc hy sinh mặc áo màu nâu, quần màu đen, trên người có nhiều vết thương. Lúc tìm thấy mẹ tôi chỉ biết đứng ngay thân thể của mẹ khóc hoài, khóc riết…”.
Nghe câu chuyện của bà Hồ Thị Sao kể về người chị gái của mình, Anh hùng Liệt sĩ Hồ Thị Kỷ (quê Cà Mau) nhiều người đã không cầm được nước mắt. Bà Sao nhớ lại: “Khi còn sống, chị Hồ Thị Kỷ thường hay dặn dò nếu chị có hy sinh thì các em cùng đồng đội phải đánh thắng quân giặc để con cháu sau này có được độc lập tự do. Rồi chị gái tôi đã hy sinh rất anh dũng. Nhớ lời chị dặn, chúng tôi đã quyết đứng lên đánh giặc với tinh thần “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, một người ngã xuống 100 người đứng lên để tiêu diệt giặc”.
Chương trình cũng đã được nghe đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM kể về những tấm gương anh dũng của những người nữ đồng đội tham gia phong trào đấu tranh của thanh niên Sài Gòn – Gia Định trong những tháng năm chống Mỹ, trong đó có liệt sĩ Trần Thị Sáu (Mười Thoa), nguyên Chánh Văn phòng Thành đoàn (năm 1970). Đồng chí Phạm Chánh Trực bồi hồi kể: “Khi bị địch bắt dù bị tra tấn dã man nhưng đồng chí Mười Thoa vẫn không khai báo để bảo vệ đồng đội của mình. Quân địch đã đánh đập đồng chí đến chết rồi đem đi thủ tiêu. Khi đó, đồng chí Mười Thoa mới 24 tuổi. Tôi cảm phục lý tưởng trong sáng của đồng chí và đồng chí là tấm gương tiêu biểu của lớp trẻ lúc bấy giờ”.
Những câu chuyện kể tại chương giao lưu “Sống tiếp ước mơ” đã càng tô sáng thêm hình tượng của những người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” nhưng phát biểu của Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ Nguyễn Thị Thắm tại chương trình: “Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bằng những hành động thiết thực, phụ nữ miền Nam đã thể hiện sự quật cường, bất chấp gian khổ, thậm chí hy sinh cả tính mạng để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Các mẹ, các chị đã đánh giặc bằng nhiều cách rất thông minh, sáng tạo biết kết hợp tài tình, nhuẫn nhuyễn đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang và công tác binh vận”. Chương trình giao lưu “Sống tiếp ước mơ” giúp cho thế hệ trẻ ngày hôm nay hiểu hơn về những tấm gương chiến đấu dũng cảm, những kỳ tích anh hùng, những ước mơ cao đẹp, bình dị của những người phụ nữ trong sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.
S.Hải