Sửa đổi lối làm việc - ánh mặt trời chiếu sáng

24/11/2017
(TG)- Tháng 10 năm nay, Ðảng ta kỷ niệm 70 năm tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Bác Hồ (10-1947 - 10-2017). Một tác phẩm mẫu mực, một vầng dương chiếu sáng công việc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng của Ðảng ta từ bấy đến nay.

Tháng 10 năm nay cũng đánh dấu một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với "Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Nếu kể từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và phong trào "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thì nay đã là sáu năm.

Thời gian trôi nhanh. Nhiệm vụ cách mạng đề ra cho mỗi giai đoạn lịch sử luôn có sự thay đổi. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng cũng không dừng tại chỗ. Nhưng điều có thể khẳng định chắc chắn là những gì Bác Hồ nêu lên trong Sửa đổi lối làm việc, cho đến nay, vẫn còn nguyên giá trị. Vẫn còn có tính thời sự nóng hổi.

Xin hãy cùng nhau ôn lại.

Sửa đổi lối làm việc ngày ấy

Sửa đổi lối làm việc ra đời trong bối cảnh tình hình rất đặc biệt. Ðó là: Chỉ hai năm sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Chưa đầy một năm sau ngày Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chính phủ và các cơ quan trung ương đều chuyển lên Chiến khu Việt Bắc. Thêm nữa, giữa lúc Bác Hồ đang hoàn chỉnh tác phẩm Sửa đổi lối làm việc thì ngày 7-10-1947, giặc Pháp mở Chiến dịch thu đông, đánh thẳng lên Việt Bắc, âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta, nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của chúng.

Thế mà trong bộn bề công việc kháng chiến, kiến quốc, Bác Hồ đã nghĩ ngay đến việc chỉnh đốn Ðảng. Ðó là điều hiếm có đối với các Ðảng Cộng sản cầm quyền thời bấy giờ. Nói về chỉnh đốn Ðảng nhưng Bác Hồ không hề dùng những từ ngữ to tát như chỉnh huấn, chỉnh đảng hay chỉnh phong… Bác viết một cách nhẹ nhàng: Sửa đổi lối làm việc. Nhẹ nhàng mà sâu sắc. Câu chữ rất bình dân. Dễ hiểu, dễ nhớ, không chỉ cho cán bộ mà cho cả đảng viên bình thường.

1. Phải sửa đổi lối làm việc của Ðảng như thế nào?

Bác viết: Ðảng ta hy sinh, tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang.

Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn thì thành tích của Ðảng còn to tát hơn nữa.

Cán bộ, đảng viên làm việc không đúng không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều…

Ðể sửa chữa khuyết điểm phải thông qua phê bình. Bác viết: Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh.

Bác coi bệnh chủ quan là khuyết điểm lớn về tư tưởng. Nguyên nhân của bệnh là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông.

Bác viết: Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công tác thực tế. Không có lý luận thì như nhắm mắt mà đi… Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng nghìn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách.

2. Về tư cách của Ðảng và đạo đức cách mạng

Bác viết: Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.

Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Ðảng không có lợi ích gì khác.

Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Ðiều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Ðảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít mà những tính tốt sẽ ngày càng thêm. Những tính tốt ấy, theo Bác, có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

Bác phê bình cái tư tưởng giấu giếm, không dám công khai tự phê bình: Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

3. Về vấn đề cán bộ

Bác viết: Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.

Và: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng… Ðảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta. Phải khéo dùng cán bộ. Không phạm vào những bệnh sau đây: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người khác. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người không hợp tính tình với mình…

4. Về cách lãnh đạo của Ðảng

Trước hết, Bác nhấn mạnh: Lãnh đạo phải gắn liền với kiểm soát (hay kiểm tra). Lãnh đạo đúng nghĩa là: Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Phải tổ chức sự kiểm soát đúng… Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm soát khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi.

Bác đòi hỏi cán bộ, đảng viên: Phải học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng. Muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời.

Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được

Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên.

5. Về chống thói ba hoa, tức là sửa đổi cách nói, cách viết

Bác chỉ ra sáu điều cần tránh: Dài dòng, rỗng tuếch. Thói "cầu kỳ". Khô khan, lúng túng. Báo cáo lông bông. Lụp chụp cẩu thả. Bệnh theo "sáo cũ".

Khi viết, khi nói phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm làm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?

Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói".

Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng bây giờ

Trong sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm qua, Ðảng ta luôn coi phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là nhiệm vụ then chốt. Coi công tác cán bộ là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, năm 1991, và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đều khẳng định: Sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam… Mọi đường lối, chủ trương của Ðảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên.

Hai Ðại hội XI (năm 2011) và XII (năm 2016) của Ðảng đều đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng. Hai Nghị quyết Trung ương 4 của khóa XI và XII đều nhấn mạnh yêu cầu: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Gắn liền với hai nghị quyết này là phong trào: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và "Ðẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Cả hai nghị quyết của Trung ương đều có cùng quan điểm chỉ đạo: Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Có nghĩa là, vừa phải tập trung sức vào cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vừa phải đẩy mạnh phong trào Học tập và làm theo Bác. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thật sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thật sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân.

Ðáng mừng là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII và Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần tạo nên một bước chuyển biến mới tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân vào Ðảng, vào chế độ.

Ôn lại Sửa đổi lối làm việc ngày ấy, đối chiếu với Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng bây giờ, ta càng thấy những bài học Bác Hồ nêu lên là vô giá. Sửa đổi lối làm việc và các tác phẩm khác của Bác, đặc biệt là Di chúc, thật sự là ánh mặt trời chiếu sáng đường chúng ta đi.

Hà Đăng

 
Các tin liên quan