Tại tọa đàm, các đại biểu đã phân tích thực trạng hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý, giảng dạy, học viên ở lĩnh vực VHNT; những tác động khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực VHNT; cùng những yêu cầu đổi mới công tác đào tạo VHNT đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT TPHCM Lê Tú Lệ cho biết, hiện TPHCM có gần 20 trường đại học, cao đẳng chuyên ngành hoặc có chuyên khoa về VHNT. Ngoài ra còn có sự tham gia của hàng trăm trường, cơ sở, trung tâm “lò luyện” theo phương thức xã hội hóa với nhiều loại hình: âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa… Trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chức năng giải trí của tác phẩm VHNT ngày càng rộng mở, kéo theo việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở ra nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng phát sinh không ít khó khăn, thách thức mới.
Dưới góc độ một người từng làm công tác quản lý, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đánh giá, những năm qua đời sống VHNT TPHCM có phát triển nhưng chưa tương xứng với kinh tế và chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng. Một trong những nguyên nhân hạn chế chính đến từ chất lượng nguồn nhân lực chưa bắt kịp nhịp điệu phát triển của đời sống VHNT TP, bắt nguồn từ sự đầu tư chưa tương xứng về nhiều mặt: con người, thiết chế văn hóa, chiến lược đào tạo…
Dẫn chứng về thành công của Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam vừa qua là kết quả của sự khổ công săn lùng tài năng bóng đá khắp các tỉnh thành trong cả nước và một nền tảng đào tạo lâu dài, đồng chí Phạm Phương Thảo cho rằng VHNT cũng tương tự khi là lĩnh vực của tài năng, đòi hỏi năng khiếu và vốn sống. Vì vậy, phát hiện tài năng thôi chưa đủ, còn phải biết nuôi dưỡng, phát triển tài năng. TP nên có liên kết với các trường trên địa bàn, có đầu tư trọng điểm để đào tạo tốt hơn, chuyên nghiệp hơn; cùng với đó là đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa (rạp hát, rạp chiếu phim), đầu tư quảng bá, tích cực giới thiệu tác phẩm hay đến gần công chúng, đảm bảo đời sống cho tác phẩm, cũng như đời sống diễn viên mới có thể khuyến khích, nuôi dưỡng tài năng.
Đồng ý kiến, nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cũng cho rằng tài năng VHNT phát triển được là phụ thuộc vào năng khiếu và quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Nếu không có đào tạo, bồi dưỡng đúng cách, lâu dài, tài năng khó có thể tỏa sáng lâu dài, thậm chí có thể mai một.
Một số đại biểu nêu những bất cập về nguồn nhân lực giảng dạy khi nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội, giàu kinh nghiệm không thể tham gia giảng dạy chính thức vì không đáp ứng yêu cầu về bằng cấp, học hàm, học vị. Vì thế, rất cần một cơ chế linh hoạt đảm bảo hiệu quả giữa đào tạo truyền nghề và phương pháp sư phạm…
Kết luận tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Dương Thế Trung cũng nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý và các đơn vị tham mưu liên quan trong việc chưa tập trung đầu tư dài hạn cho công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ. Công tác đào tạo nguồn nhân lực hiện đang nhận cảnh báo về chất lượng, nếu không kịp thời điều chỉnh, quan tâm đầu tư đúng mức thì dễ dẫn đến hậu quả thiếu hụt trầm trọng đội ngũ kế thừa hoặc các năng khiếu đặc biệt phát triển không toàn diện hoặc không xuất hiện nữa.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Dương Thế Trung cho biết, ban tổ chức tọa đàm sẽ tiếp thu tất cả ý kiến, giải pháp, hiến kế tâm huyết của các đại biểu, góp phần hỗ trợ sâu sát thực tế khi tham mưu thực hiện chương trình đột phá về nguồn nhân lực của TP ở lĩnh vực VHNT.
Ngọc Tuyết