Có thể nói nền kinh tế thị trường dễ tạo ra sức cám dỗ vật chất đối với con người, do vậy hơn ai hết mỗi Cán bộ, Đảng viên, Công chức cần phải luôn cảnh tỉnh, luôn tu dưỡng rèn luyện đạo đức để không bị sa vào những cạm bẫy đó. Một trong những phương cách rèn luyện hiệu quả đó là Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất “Trung thực, trách nhiệm” trong công tác, và cả trong mọi mặt của đời sống hàng ngày. Rèn luyện những phẩm chất đó sẽ làm tăng khả năng đấu tranh chống Chủ nghĩa Cá nhân, mặc dù rất khó khăn nhưng chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu. Xuất phát từ thực tế đó, cũng như dựa trên các Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM, Chi bộ Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức lập Kế hoạch triển khai Sinh hoạt Chuyên đề cho cả năm; Theo đó, ngày 27/4/2018 vừa qua Chi bộ đã tổ chức buổi Sinh hoạt Chuyên đề đầu tiên cho Quý I/2018 với Tiêu đề: “Trung thực, trách nhiệm”.
Đ/c Báo cáo viên trình bày cụ thể, toàn diện, mỗi phần đều có giải thích chi tiết, minh họa cụ thể, phần cuối đã nêu được những gợi ý trọng tâm để tập thể Chi bộ thảo luận. Đặc biệt trong phần liên hệ thực tiễn tại đơn vị, Chi bộ đã nêu lên nhiều vấn đề rất hay cần nghiên cứu sâu hơn nhằm rèn lyện hơn nữa phẩm chất Trung thực, Trách nhiệm trong thời gian tới; Cụ thể là các chủ điểm sau đây:
- Trung thực là một phẩm chất đạo đức, thể hiện sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm; Giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người. Trong quan hệ giữa người với người, Hồ Chí Minh coi trung thực là nói đi đôi với làm. Cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất “Trung thực” bắt nguồn từ truyền thống của Dân tộc: Những phẩm chất thật thà, ngay thẳng, vị tha, thương yêu con người, sống có tình, có nghĩa... Tất cả những điều đó làm nổi lên đức tính trung thực của người Việt Nam. Trung thực trong tư tưởng Hồ Chí Minh mang nội dung đạo đức cao quý của Người Cộng sản, những người đã công khai nói về sự tự nguyện hy sinh, cống hiến cả cuộc đời cho mục tiêu Giải phóng Dân tộc, Giải phóng Giai cấp, Giải phóng Con người. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, biểu hiện cụ thể của trung thực là “nói thì phải làm”. Nói đi đôi với làm là nguyên tắc thực hành đạo đức, là phương châm hoạt động, là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động.
- Với Cán bộ, Đảng viên, trung thực trước hết là với Đảng với Cách mạng. Xây dựng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng Cách mạng của Đảng, thì dù phải trải qua những tình huống phức tạp, những bước ngoặt khó khăn, vẫn luôn trung thực với mình, với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Trung thực là phải nói và làm đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chống chủ nghĩa cá nhân, không được vì lợi ích cá nhân mà xuyên tạc, nói sai, làm sai. Nắm vững mục tiêu lý tưởng của Đảng trong toàn bộ tiến trình Cách mạng và được cụ thể hóa thành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn để thực hiện cho đúng; Để tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân làm theo cho đúng. Trung thực, thống nhất giữa lời nói và việc làm, “không được nói một đàng, làm một nẻo” là sự thể hiện sự trung thực với chính mình. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được, và là sự giả dối. Nếu kêu gọi mọi người cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, mà bản thân mình không cần kiệm, không hoàn thành những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô, sống xa hoa, là giả dối, không trung thực.
- Trung thực là nghiêm túc với chính mình, đúng mực với người khác. Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” ở đây chính là hành động từ việc nhỏ đến việc lớn, là hoạt động thực tiễn tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Người yêu cầu Cán bộ, Đảng viên “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”; “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác”. Đối với Đảng, Người yêu cầu “Đảng phải luôn xét lại những Nghị quyết và những Chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những Nghị quyết và Chỉ thị đó sẽ hóa ra là lời nói suông, mà còn hại đến lòng tin cậy của Nhân dân đối với Đảng”. Đảng phải luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để hoàn thành trách nhiệm, lời hứa trước Nhân dân. Khi mắc sai lầm, khuyết điểm thì dũng cảm nhận lỗi trước Dân, và kiên quyết dựa vào Dân để sửa chữa khuyết điểm.
- Người coi trách nhiệm là việc phải làm không thể thoái thác. Trách nhiệm như là bổn phận của mỗi người, dù ở cương vị nào, to hay nhỏ, lớn hay bé, mỗi người đều có ‘bổn phận”. Ý thức trách nhiệm là tự ý thức về các công việc phải làm, “Nhận rõ phải, trái, đúng sai”, tự mình xác định việc cần làm. Trên cơ sở có ý thức đúng đắn, tự giác, tích cực thực hiện trách nhiệm của mình là “Có tinh thần trách nhiệm cao”. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mỗi người đều có trách nhiệm và nhấn mạnh trách nhiệm của người Cán bộ, Đảng viên đối với Tổ quốc và Nhân dân. Người nhắc nhở, muốn lãnh đạo được quần chúng Nhân dân thì Cán bộ, Đảng viên, Công chức phải sâu sát, gần gũi quần chúng, chăm lo giúp đỡ quần chúng về mọi mặt; phải "Trọng Dân, sát Dân, tin Dân", phấn đấu sao cho "Dân phục, Dân tin, Dân yêu". Người luôn yêu cầu tất cả Đảng viên phải "… Lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của Nhân dân, học hỏi kinh nghiệm của Nhân dân", "Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với Dân chúng, giải thích cho Dân chúng; Đưa mọi vấn đề cho Dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết".
- Trách nhiệm của Cán bộ, Đảng viên là phải nêu gương trước Quần chúng về mọi mặt. Theo Người, trong mọi phong trào, mọi nhiệm vụ, Cán bộ, Đảng viên đều phải tiên phong, gương mẫu làm trước, tiến trước để Quần chúng noi theo. Sự gương mẫu của Đội ngũ Cán bộ, Đảng viên có vai trò rất to lớn để biến đường lối, chủ trương của Đảng thành hiện thực. Người nhấn mạnh: "Người Đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho Quần chúng; Muốn cho Quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người Đảng viên, từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở đều phải gương mẫu". Người luôn nhắc nhở Đảng viên phải kính yêu Nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, tuyệt đối không được có thái độ "Vác mặt làm Quan Cách mạng", không được hách dịch, nhũng nhiễu Nhân dân. Nói chuyện với Cán bộ, Đảng viên tỉnh Hà Tây, Người nhấn mạnh: "Mỗi người Đảng viên, mỗi người Cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đầy tớ cho Nhân dân; Lãnh đạo là làm đầy tớ Nhân dân và phải làm cho tốt".
- Tất cả Đảng viên phải kiên định với tôn chỉ, mục đích, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đảng viên phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Đường lối, Chủ trương, Nghị quyết do Đảng đề ra; thực hiện tốt các nhiệm vụ của người Đảng viên; chấp hành nghiêm Điều lệ, kỷ luật Đảng; Tích cực tham gia xây dựng Đảng bộ, Chi bộ trong sạch vững mạnh; Luôn giữ vững tính tiên phong, gương mẫu của người Đảng viên. Để nâng cao trách nhiệm với Đảng, Đội ngũ Cán bộ, Đảng viên, Công chức phải không ngừng rèn luyện Đạo đức Cách mạng, phải thực hiện tốt 5 điều "Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm", tuyệt đối chấp hành Nghị quyết và kỷ luật Đảng, luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân. Người yêu cầu mọi Đảng viên không chỉ nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình đối với Đảng, mà quan trọng hơn là những trách nhiệm ấy phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thường xuyên, liên tục.
- Biểu hiện cụ thể của các trách nhiệm nêu trên của mỗi người là trách nhiệm với chính mình, với “bổn phận”, công việc được giao. Khi xác định rõ “bổn phận”, trách nhiệm phải làm thì tự thân mỗi người tự giác, tự mình cố gắng vươn lên để hoàn thành trách nhiệm đó. Là một thành viên của xã hội, của tổ chức, mỗi người giữ một vị trí xã hội nhất định, hoạt động trong một lĩnh vực nhất định và thực hiện một công việc nhất định. Do vậy, hoàn thành nhiệm vụ được giao là kết quả thực hiện các trách nhiệm nêu trên.
Tóm lại, trong tình hình hiện nay, việc rèn luyện đạo đức, đổi mới phong cách làm việc đang là một vấn đề quan trọng và cấp thiết; Trước tiên, mỗi CB, ĐV phải tự mình tu dưỡng, nắm vững và làm theo Tư tưởng Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh; Đồng thời, để hình thành phẩm chất Trung thực, Trách nhiệm, yêu cầu mỗi Cán bộ, Đảng viên và Người Lao động phải không ngừng rèn luyện, kiên quyết chống Chủ nghĩa Cá nhân. Kết thúc Buổi Sinh hoạt, Đ/c Bí thư thay mặt Chi bộ biểu dương tinh thần hăng hái nhiệt tình của Tập thể Chi bộ; Đ/c Bí thư bổ sung: Cán bộ, Đảng viên và Người Lao động cần cố gắng thực hiện tốt việc tiếp thu ý kiến, học hỏi phong cách làm việc Trung thực, Trách nhiệm, bên cạnh đó là việc tự học nâng cao nghiệp vụ thuộc công tác chuyên môn, nhằm trau dồi kiến thức, để nâng cao hiệu quả công việc. Trong mọi hoàn cảnh, tinh thần ấy cần luôn được phát huy để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Chi bộ TDH