ĐBQH kỳ vọng lớn vào việc Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước

23/10/2018
Thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn lớn, được nhân dân cả nước tin tưởng, đặc biệt là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước được ĐBQH và nhân dân đồng tình.

 

(SGGPO) Chiều 23-10, Trưởng Ban Kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch nước tuyên thệ. 

Theo tờ trình nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.

 Tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. 

Nhiều ý kiến ĐQQH nhất trí cao việc giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.

 

Các đại biểu bỏ phiếu  bầu Chủ tịch nước.

Tạo điều kiện thuận lợi cho quốc gia
 

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng đây là việc làm cần thiết, tạo thuận lợi cho quan hệ ngoại giao và trong công tác điều hành đất nước. 

Theo ông, khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chức vụ cao nhất trong Đảng là Chủ tịch Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhận. Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là Chủ tịch nước đầu tiên và giữ cương vị này đến tháng 9-1969. Như vậy, đây là giai đoạn lịch sử mà người giữ chức vụ cao nhất trong Đảng đã đảm nhận chức danh đứng đầu Nhà nước. 

“Trung ương đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Tôi cho rằng sự tín nhiệm của Trung ương Đảng thể hiện kỳ vọng của người dân cả nước. Tôi cũng như nhiều đại biểu kỳ vọng và mong đợi kết quả bầu Chủ tịch nước lần này”, đại biểu Phùng Văn Hùng nêu quan điểm. 

 

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước.
 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu ý kiến, thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn lớn, được nhân dân cả nước tin tưởng, đặc biệt là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước được ĐBQH và nhân dân đồng tình.  

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cũng cho rằng trong điều kiện hiện nay, đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước là phù hợp và cần thiết. Trên vai trò Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt công tác, đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng...
"Tới đây, nếu tiếp tục đảm nhiệm thêm trọng trách Chủ tịch nước thì với sự điều hành nhất quán này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ có hội đẩy mạnh hơn, phát huy nhiều hơn nữa", ĐB Minh Hoàng nhận định. 

Ông Ngô Sách Thực, ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, cho rằng: "Tổng Bí thư đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Nước là hợp lý, nhất là trong bối cảnh đang thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay. Thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng đang rất cần có sự chỉ đạo tập trung, sự lan tỏa từ Trung ương đến địa phương, nhất là người đứng đầu, người có cương vị cao nhất trong trách nhiệm nêu gương, thực hiện các chủ trương mà nhân dân gửi gắm, tin tưởng. 

Tôi cho rằng cần có sự tập trung và thống nhất. Công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng của chúng ta còn lâu dài, và những nội dung này thời gian qua đã đạt một số kết quả quan trọng. Để làm tốt công tác này đòi hỏi vừa có sự quyết liệt, vừa có những bước đi căn cơ, vừa có thể chế, chính sách, vừa có quyết tâm về trách nhiệm trong bộ máy. Hoàn thiện thể chế, chính sách làm sao để ngăn ngừa nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Xác định trách nhiệm rõ hơn để góp phần kiểm soát quyền lực tốt hơn. Việc hai yêu cầu này được thực hiện cùng với sự đồng tình hưởng ứng của toàn hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia của các cơ quan báo chí, thì tôi tin rằng, công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả". 

Nhiều ĐBQH đều cho rằng, từ góc độ công tác đối ngoại, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thuận lợi. Khi người đứng đầu Đảng cũng là người đứng đầu Nhà nước thì công tác lãnh đạo phát triển đất nước về kinh tế - xã hội nói chung sẽ thuận lợi hơn trong tình hình mới. 

ĐB cũng kỳ vọng khi Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước tiếp tục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Với những điều kiện khách quan và đòi hỏi từ thực tiễn, việc bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là phù hợp với cải cách thể chế, có lợi cho Đảng, đất nước, cho quá trình đối ngoại và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho hay, trước đó chúng ta đã có bàn về việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, tuy nhiên do những yêu cầu đặc thù mà chưa thực hiện được. Tại thời điểm hiện nay thì rất phù hợp với tình hình thực tiễn, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số cán bộ, đảng viên, và người dân.

“Tôi rất tin tưởng với chức danh Tổng Bí thư, đồng thời Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ phát huy ưu thế của mình trong thời gian qua, thực hiện tốt hơn vai trò của mình để tình hình kinh tế - xã  hội, an ninh quốc phòng của Việt Nam ngày càng tốt hơn, ổn định. Đặc biệt công tác bài trừ tệ nạn tham nhũng sẽ được quyết liệt hơn, đến một giai đoạn nào đó không còn tình trạng như hiện nay”, ĐB Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

 

Phát huy vai trò giám sát của Quốc hội và các ĐBQH 

Dưới góc độ pháp lý, ĐBQH, Luật sư Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, Tổng Bí thư được giới thiệu bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước hoàn toàn dựa trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.   

Quốc hội họp sáng ngày 23/10/2018.
 

ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch nước là một xu hướng chung, điều này rất có lợi là thực hiện các quyết sách được kịp thời, phát huy vai trò của cá nhân. Vấn đề còn lại là cần có một cơ chế giám sát quyền lực,  vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nói “quyền lực phải được giám sát”.

“Tôi tin tưởng khi Đảng chủ trương thực hiện việc này thì chính Đảng ta cũng nhận thức được phải giám sát quyền lực. Tôi mong việc Tổng Bí thứ giữ chức Chủ tịch nước sẽ thành một định chế quốc gia”, ĐB Dương Trung Quốc nói.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, việc giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là việc làm quan trọng và cần thiết trong thời điểm hiện nay để khẳng định với đồng bào, thế giới rằng chúng ta kiên định đi theo con đường CNXH, con đường của Bác Hồ. Bác Hồ cũng là người từng giữ trọng trách vừa là Chủ tịch Đảng vừa là người đứng đầu Chính phủ. Đồng thời tạo điều kiện cho ĐBQH giám sát cùng lúc 2 chức danh.

“Các ĐBQH rất có cảm xúc trong việc bỏ phiếu bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, là người đại diện cho nhà nước trong cả đối nội lẫn đối ngoại. Chủ tịch nước là đồng chí Tổng bí thư có rất nhiều điều kiện triển khai nhanh chóng các đường lối, chính sách của Đảng, giải quyết vấn đề trong phạm vi, quyền hạn của Chủ tịch nước”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhận xét.

Theo phân tích của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, hiện nay, đồng chí Tổng Bí thư đang là Trưởng ban Phòng chống tham nhũng, sắp tới là Trưởng ban Cải cách tư pháp trung ương, nên càng có nhiều điều kiện thi hành chính sách pháp luật.

Về mặt Đảng, Tổng Bí thư  chịu sự giám sát của các Đảng viên và tổ chức Đảng. Còn vị trí Chủ tịch nước chịu sự giám sát trực tiếp của nhân dân và Quốc hội. Như vậy, ĐBQH có điều kiện tốt hơn để giám sát Chủ tịch nước thực hiện quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật. 

PHAN THẢO - ANH PHƯƠNG

Các tin liên quan