CHI BỘ TDH TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV/2018

24/12/2018
Trong những năm qua, đội ngũ Cán bộ Nhân viên – Người Lao động (CBNV-NLĐ) đã góp phần quan trọng trong việc triển khai và hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH).  Để đáp ứng yêu cầu phát triển ổn định, bền vững trong năm 2018 và những năm tiếp theo, đòi hỏi TDH phải xây dựng ngày càng hoàn thiện hơn đội ngũ lãnh đạo quản lý, kỹ sư và công nhân kỹ thuật nòng cốt, chuyên nghiệp, gắn bó lâu dài.  Qua công tác thống kê lực lượng lao động tại TDH và các đơn vị Thành viên, đội ngũ nhân lực nói trên tuy đáp ứng được yêu cầu công tác hiện tại, nhưng về dài hạn vẫn cần đổi mới, phát triển.  Việc thỏa mãn yêu cầu của thực tế công tác sẽ góp phần chủ động trong triển khai thực hiện kế hoạch SXKD, tiến độ thi công đối với các công trình dự án. 
 
Xuất phát từ thực tế đó, ngày 18/12/2018 vừa qua Chi bộ đã tổ chức buổi Sinh hoạt Chuyên đề Quý IV/2018 với chủ đề: “Nâng cao Chất lượng Đội ngũ CBNV; Phát triển Thương hiệu”.  Đây là chủ đề khá rộng và phức tạp, gồm 2 phần chính có liên quan chặt chẽ và bổ sung cho nhau, tuy nhiên đ/c Báo cáo viên đã trình bày khá cụ thể và toàn diện nội dung;  Mỗi phần đều có đánh giá và giải thích khá chi tiết, phần cuối đã nêu được những gợi ý trọng tâm để tập thể Chi bộ thảo luận.  Đặc biệt trong phần liên hệ thực tiễn tại đơn vị, Chi bộ đã nêu lên nhiều vấn đề và giải pháp khá hay cần nghiên cứu sâu hơn, nhằm tận dụng cơ hội trong quá trình nâng cao chất lượng đội ngũ CBNV, phát triển Thương hiệu.   Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ nêu những vấn đề chính, không đi sâu về chuyên môn và các phân tích đánh giá.
      
Theo đó, Tập thể Chi bộ đã tập trung vào các chủ điểm sau đây:
 
Nâng cao chất lượng đội ngũ CBNV

Để tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, tạo sự chủ động trong SXKD, TDH đã chú trọng đội ngũ kỹ sư giám sát, thi công, công nhân kỹ thuật lành nghề làm việc trực tiếp tại các công trường, dự án.  Đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Xây lắp, đảm bảo duy trì đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thật tại các công trường, dự án tối thiểu là 40% tổng nhu cầu sử dụng cán bộ, công nhân kỹ thuật của đơn vị tại công trường, dự án đó.
Mặt khác, TDH đã và đang xây dựng đội ngũ lao động đủ về số lượng, đảm bảo yêu cầu về trình độ, tay nghề, đặc biệt là đội ngũ công nhân kỹ thuật và lao động trực tiếp.  Có kế hoạch tuyển dụng lao động theo từng thời kỳ, trước mắt tập trung tuyển dụng lực lượng kỹ sư và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động SXKD trong năm 2018 và những năm tiếp theo.  Xây dựng chính sách thu hút lao động đặc biệt là lao động có trình độ, tay nghề cao thông qua chính sách ưu đãi về tiền lương, tiền thưởng và chế độ phúc lợi, tạo sự gắn bó lâu dài của Người Lao động với đơn vị.  Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại để nâng cao tay nghề cho đội ngũ lãnh đạo quản lý, công nhân kỹ thuật hiện có, đặc biệt là đào tạo nâng cao tay nghề của đội ngũ công nhân kỹ thuật chuyên ngành.

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (đối với TDH) trong 5 năm tới

-  Gắn chặt hơn nữa sự gắn bó giữa TDH và các cơ sở đào tạo trở thành một nhu cầu cấp bách cho sự phát triển của cả nhà trường và doanh nghiệp.  TDH nên dựa vào chiến lược phát triển nhân lực của mình và đặt hàng cụ thể cho các cơ sở đào tạo.  Trong sự gắn bó này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia đào tạo, trường đại học và doanh nghiệp trong thiết kế và quản lý chương trình đào tạo.
-  TDH cần xây dựng chiến lược phát triển chi tiết, tạo cơ sở để xác định đúng nhu cầu nhân lực, từ đó phát triển chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực đáp ứng nhu cầu chiến lược của công ty:
+  Chiến lược đào tạo và phát triển nhân sự cần đặt trong tổng thể chiến lược nguồn nhân lực của Công ty: Thu hút, hấp dẫn, động viên, đánh giá, đào tạo và phát triển nghề nghiệp.
+  Chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực cần chuyển chú trọng từ đào tạo, huấn luyện sang việc chú trọng vào học tập thường xuyên liên tục của Người lao động.
+  Bên cạnh các kỹ năng kỹ thuật, cần chú trọng phát triển các năng lực của Người lao động hiện đại:  Giải quyết vấn đề sáng tạo, truyền đạt, đàm phán, quản lý xung đột, làm việc đồng đội, học tập liên tục, thích ứng.
+  Đổi mới các hoạt động quản lý việc thực hiện nhiệm vụ, qua đó khuyến khích áp dụng những điều học được vào công việc, tạo môi trường thuận lợi để áp dụng những điều đã học vào thực tế.
-  Kỹ năng nhân sự phải trở thành năng lực của tất cả các cấp quản lý, vì vậy cần nhanh chóng đào tạo cho cấp quản lý những kỹ năng như Phỏng vấn, Đánh giá, Phát triển nhân viên...
-  Đào tạo người quản lý các năng lực chiến lược để xây dựng Tầm nhìn, Sứ mệnh, Văn hóa Kinh doanh, và các chiến lược phát triển của TDH.
-  Đào tạo các nhà quản lý nhân lực với kiến thức và năng lực hiện đại, chú trọng vào quản lý tài năng.

Vấn đề Phát triển Thương hiệu

Nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh trạnh

    Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh trạnh trong quá trình hội nhập vào hệ thống kinh doanh quốc tế và khu vực, các Doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) không có sự lựa chọn nào khác là phải nâng cao khả năng nhận thức Marketing (Tiếp cận Thị trường) vào kinh doanh.  Trong cơ chế thị trường của thời kỳ hội nhập, cuộc chiến gay gắt giữa các DN không còn là cuộc chiến về chất lượng với giá rẻ như trước mà thật sự là cuộc chiến giữa các Thương hiệu uy tín.  Bản chất của Thương hiệu là sức sống lâu dài, mang nét riêng của DN và sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN và sản phẩm đó trên thị trường, đồng thời làm cho khách hàng sử dụng Hàng hóa Thương hiệu tự hào hơn.  Điều này đã đặt ra yêu cầu rất lớn cho các DN cần xây dựng một Chiến lược Thương hiệu có hiệu quả.
Tuy nhiên, vấn đề Thương hiệu ngày nay vẫn chưa được các DN quan tâm và đầu tư đúng mức, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến kinh doanh thực phẩm.  Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, WTO, AFTA và sắp tới là CPTPP...  Nếu không muốn giảm lợi thế cạnh tranh thì ngay từ bây giờ, các DN phải tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc.  Vấn đề đặt ra là các DN phải làm thế nào để đạt được điều đó?  Công tác Marketing cho việc xây dựng và phát triển Thương hiệu đã và đang đóng một vai trò quyết định.
Các DN hiện nay đang thực hiện các chương trình, công việc nhằm xây dựng nâng cao Thương hiệu.  Chính vì vậy, TDH vẫn đang tiếp tục con đường phát triển thương hiệu, mặc dù đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường Bất Động sản.  Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng một Thương hiệu mạnh, làm thế nào để nuôi sống và phát triển Thương hiệu của công ty, hay nhãn hiệu của sản phẩm một cách bài bản và khoa học, thì không phải DN nào cũng làm được. 

Một số giải pháp nâng cao Thương hiệu (về phía TDH)

Việc Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng là cơ hội rất lớn cho các DNVN, trong đó có TDH, các thương hiệu VN hấp thụ những tinh hoa thế giới, để phục vụ cho mục tiêu phát triển, nhưng đồng thời điều đó cũng ẩn chứa rất nhiều thách thức.  Có thể khẳng định rằng cạnh tranh trên lĩnh vực Thương hiệu là vấn đề các nước đang phát triển có thể thu hẹp khoảng cách, bắt kịp các nước phát triển hơn.
Thứ nhất, lựa chọn mô hình Thương hiệu hợp lý và hình thành chiến lược tổng thể cho xây dựng và phát triển Thương hiệu:  Để xây dựng thương hiệu, trước hết TDH cần phải lựa chọn cho mình một mô hình Thương hiệu hợp lý, phù hợp với chủng loại hàng hóa kinh doanh, dịch vụ, và điều kiện thực tiễn của TDH về tài chính, nhân lực, thị trường.  Từ đó xây dựng chiến lược tổng thể xây dựng và phát triển Thương hiệu.  TDH cần những chiến lược phù hợp khác nhau, tùy theo lĩnh vực hoạt động cũng như bối cảnh cạnh tranh với các đối thủ. 
-  Chiến lược Thương hiệu nên tập trung vào khai thác lợi thế về quy mô, khả năng chiếm lĩnh thị trường, tham gia tích cực các sự kiện, và tận dụng triệt để các phương tiện truyền thông để quảng bá hình ảnh.
- Nếu hạn chế nhiều về tài chính và nhân lực thì Chiến lược Thương hiệu cần tập trung vào các phương tiện quảng bá với chi phí thấp.
Thứ hai, TDH nên thuê tư vấn đối với việc xây dựng Thương hiệu hay kiểu dáng sở hữu công nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro do tranh chấp sau này.  Một điều dễ nhận thấy kinh phí bỏ ra để thuê dịch vụ tư vấn thiết kế, đăng ký nhãn hiệu bao giờ cũng rẻ hơn rất nhiều so với chi phí DN bỏ ra để tự làm (xét về mặt tài chính, thời gian, công sức, cơ hội kinh doanh...), đó là chưa kể đến chi phí thuê luật sư trong trường hợp tranh chấp có thể phát sinh về sau.  Hiện nay, trên thế giới có hàng triệu thương hiệu và kiểu dáng sở hữu công nghiệp tồn tại, khi xây dựng thương hiệu hay kiểu dáng sở hữu công nghiệp rất dễ trùng lặp, dù chỉ là một chi tiết rất nhỏ cũng có thể dẫn tới nguy cơ tranh chấp.  Chính vì vậy, việc thuê các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước là cần thiết.  Các chuyên gia thường có gần như đầy đủ danh mục thương hiệu và kiểu dáng các loại sở hữu công nghiệp ở thị trường mà DN cần đăng ký.  Thông qua đó họ sẽ tư vấn cho DN nên xây dựng thương hiệu như thế nào, kiểu dáng sở hữu công nghiệp ra sao.
Thứ ba, thực hiện việc đăng ký bảo hộ thương hiệu trên thị trường nước ngoài: Theo Nghị định thư Madrid liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu nước ngoài, nhãn hiệu chỉ cần nộp đơn tại Việt Nam vẫn có thể nộp đơn đăng ký theo Nghị định thư này, và chỉ định các quốc gia nước ngoài để đăng ký nhãn hiệu.  Đây là một thuận lợi trong việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài.  Việc đăng ký thương hiệu của các công ty, chủ sở hữu tại VN trên thị trường nước ngoài bắt đầu được thuận tiện và ít tốn kém hơn.  DN có thể thông qua Cục Sở hữu Trí tuệ để được hỗ trợ đăng ký thương hiệu hoặc nhãn hiệu, theo nhóm hoặc theo Nghị định thư Madrid. 

Liên quan một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo quản lý

-  Tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng
Công tác tư tưởng rất quan trọng và cần được quan tâm hàng đầu.  Khi mọi người chưa hiểu rõ mục đích, chưa hiểu rõ nội dung công việc thì không phải ai cũng đồng thuận thực hiện, hoặc có làm cũng chỉ là gượng ép, không tự nguyện, vì vậy mà việc không chạy, chủ trương, chính sách không được ủng hộ.  Trong mọi việc, nếu tư tưởng thông suốt thì hành động mới thuận lợi, suôn sẻ. 
-  Thực hiện việc đánh giá Đội ngũ Lãnh đạo Quản lý
Công tác đánh giá Đội ngũ Lãnh đạo Quản lý là một vấn đề quan trọng, nhạy cảm và phức tạp;  Đây là khâu mở đầu có ý nghĩa quyết định trong công tác nhân sự, là cơ sở để tiến hành việc bố trí, sử dụng và thực hiện các chính sách nguồn nhân lực, thực hiện bổ nhiệm và miễn nhiệm.  Đánh giá đúng sẽ phát huy được tiềm năng của từng người và của cả Đội ngũ Lãnh đạo Quản lý.  Đánh giá không đúng sẽ dẫn đến việc bố trí, sử dụng sai, hỏng người, hỏng việc, mà quan trọng hơn là làm suy yếu dần động lực phát triển.  
-  Tăng cường giám sát của các bộ phận chức năng
Mỗi vị trí Quản lý đều được phân công một nhiệm vụ nhất định.  Để nhiệm vụ này được thực thi hoàn thành đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ, phải được giám sát thường xuyên của các bộ phận chức năng.  Đối với công tác lãnh đạo của Đảng thì những phần công việc của các Đảng viên đều được Cấp ủy phân công nhiệm vụ, và giám sát theo quy định.
-  Thực hiện đúng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sau quy hoạch
Đào tạo, bồi dưỡng ở đây là bổ sung những kiến thức còn thiếu so với tiêu chuẩn chức danh theo quy định.  Trước hết là bồi dưỡng về lý luận chính trị, và sau đó là đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn;  Chương trình này chủ yếu là vừa làm vừa học.  Một nội dung nữa cần bồi dưỡng, đó là kiến thức về ngoại ngữ và tin học;  Nội dung này buộc từng cá nhân phải tự học, tự trau dồi để biến thành “kỹ năng mềm” nhằm phục vụ công tác chuyên môn.

Kết thúc phần thảo luận, Đ/c Bí thư bổ sung:
Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có liên quan chặt chẽ đến vấn đề rèn luyện tư tưởng, mà cụ thể là rèn luyện, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, học tập đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, là chuẩn mực đạo đức truyền thống trong quan hệ “đối với mình”, được kế thừa, vận dụng và phát triển phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới.  Trong giai đoạn hiện nay là tích cực lao động, học tập, công tác với tinh thần lao động sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao;  Biết quý trọng công sức lao động và tài sản của tập thể, của Nhân dân;  Không xa hoa, lãng phí, không phô trương, hình thức;  Biết sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn một cách có hiệu quả;  Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng;  Phải thẳng thắn, trung thực, bảo vệ chân lý, chân thành, khiêm tốn.

Đ/c Bí thư tóm tắt: Cần tiếp tục vận dụng và phát triển những quan điểm, giải pháp về Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển Thương hiệu, nhằm đáp ứng các mục tiêu và kế hoạch SXKD mà Đại hội Cổ đông giao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tác động trực tiếp đến kết quả SXKD, làm cho Uy tín và Thương hiệu của TDH được nâng cao; Ngược lại, khi TDH có Uy tín và Thương hiệu mạnh sẽ là động lực ảnh hưởng đến vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.  Đ/c Bí thư đánh giá cao chất lượng buổi Sinh hoạt, đồng thời gợi ý một số giải pháp để triển khai ứng dụng Chuyên đề trong thời gian tới. 

Chi bộ TDH

Các tin liên quan