Trong quá trình lãnh đạo, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là cơ sở, tiền đề vững chắc để bảo đảm Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, siết chặt đội ngũ để nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo.
Cùng với xây dựng tổ chức, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng bởi đây là ba mặt có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, có chung mục đích là làm tăng sức mạnh của Đảng để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Tại Đại hội XII, Đảng tiếp tục khẳng định việc xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo là những vấn đề cơ bản, là cơ sở để xây dựng Đảng ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế của đất nước. Việt Nam đạt những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Lần đầu tiên sau 10 năm, năm 2018, Việt Nam tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng mạnh, đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng, bình quân đầu người đạt 2.587 USD. Điều đáng mừng là tăng trưởng cao trong khi nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì tốt và ngày càng được củng cố. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ ở mức 3,54%, các cân đối lớn được đảm bảo...
Đi cùng với những thành tựu chung đó, những mặt trái cơ chế thị trường đã len lỏi vào đời sống xã hội với những biểu hiện đa dạng, phức tạp, đòi hỏi công tác xây dựng Đảng về tư tưởng cần tiếp tục được chú trọng. Vấn đề "cốt tử" này đã được Đảng chỉ rõ. Tại Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), Trung ương Đảng xác định phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tiếp đó, tại Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa". Trong đó, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được Trung ương Đảng chỉ rõ, đó là phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái. Suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh...
Trung ương đã chỉ ra nguyên nhân các "căn bệnh", có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm.
Trước thực trạng này, Trung ương Đảng khẳng định trong công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình cần tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân.
Xác định các nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực, huy động sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển biến tình hình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh: “Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”.
Việc đề cao trách nhiệm nêu gương được đặt ra mạnh mẽ trong những năm gần đây. Cụ thể, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong đó quy định rất cụ thể 7 nội dung cần nêu gương. Đó là phải gương mẫu đi đầu thực hiện, tuyên truyền, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; gương mẫu về đạo đức, lối sống, tác phong, đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; là tấm gương về tự phê bình, phê bình; về trách nhiệm trong công tác; quan hệ với nhân dân; về ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ…
Tiếp đó, tại Quy định số 55-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã nghiêm cấm một số việc và yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm một số việc, nhằm tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, giữ gìn hình ảnh, uy tín của Đảng. Trong đó, nghiêm cấm việc lợi dụng để “biếu xén”, đưa quà tặng với động cơ vụ lợi, không trong sáng; chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, “chè chén” xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội...
Và tại Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XII), lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương ban hành một quy định, trong đó đề cập cụ thể trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Để việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, có hiệu quả, Quy định 08-QĐi/TW đã nêu 8 điều các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ 8 điều phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, tập trung vào những khuyết điểm, yếu kém, bức xúc trong xã hội do cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu gây ra. Việc nêu gương không chỉ tự thân cán bộ, đảng viên, mà còn trong quan hệ đối với người thân, gia đình, đối với công việc, tập trung vào các vấn đề về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, chấp hành kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân...
Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phúc Trọng nhấn mạnh: Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân, đúng như lời dạy của Bác Hồ: "Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Quy định về trách nhiệm nêu gương là sự tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, qua đó đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, có hiệu quả. Việc đề cao trách nhiệm nêu gương cũng là để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực, uy tín của Đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh
Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của Đảng, hoàn thành trọng trách mà nhân dân tin cậy giao phó, xứng đáng với truyền thống vẻ vang suốt 89 năm qua (3/2/1930- 3/2/2019), đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục không ngừng rèn luyện để có đủ bản lĩnh, năng lực, trí tuệ lãnh đạo đất nước, trong đó công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng đã xác định, quyết liệt thực hiện tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Chú thích ảnh: Ngày 25/10/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (Quy định số 08-QĐi/TW). Ảnh: TTXVN
Quỳnh Hoa (TTXVN)