Việc học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, đi liền với xây dựng Chương trình hành động của mỗi đơn vị. Thực tế cho thấy nếu Nghị quyết không đến được hoặc không thật sự thấm nhuần trong Cán bộ, Đảng viên và Nhân dân, thì Nghị quyết đó không thể đi vào cuộc sống. Thời gian qua, bên cạnh những ưu điểm và đổi mới trong việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết, nhưng qua phân tích, đánh giá cho thấy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại; Vì vậy vấn đề đổi mới nâng cao chất lượng tổ chức học tập Nghị quyết sao cho thiết thực, hiệu quả trong thời gian sắp tới có thể nói là hết sức cấp thiết. Xuất phát từ thực tế đó, cũng như dựa trên các Hướng dẫn của Đảng ủy cấp trên, Chi bộ Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức đã đưa nội dung này vào Kế hoạch Sinh hoạt Chuyên đề trong năm; Theo đó, vào ngày 29/3/2019 vừa qua Chi bộ đã tổ chức buổi Sinh hoạt Chuyên đề đầu tiên cho Quý I/2019 với Tiêu đề: “Nâng cao chất lượng Học tập, Quán triệt và Đưa Nghị quyết vào thực tế cuộc sống”.
Đ/c Báo cáo viên trình bày cụ thể, toàn diện, mỗi phần đều có giải thích chi tiết, minh họa cụ thể, phần cuối đã nêu được những gợi ý trọng tâm để tập thể Chi bộ thảo luận. Đặc biệt trong phần liên hệ thực tiễn tại đơn vị, Chi bộ đã nêu lên nhiều vấn đề rất hay cần nghiên cứu sâu hơn nhằm làm thế nào để ngày càng nâng cao chất lượng Học tập, Quán triệt Nghị quyết trong thời gian tới; Tóm tắt lại, có một số chủ điểm thảo luận sau đây:
Thực trạng việc tổ chức triển khai học tập quán triệt Nghị quyết thời gian qua
Việc tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết thời gian qua có nhiều đổi mới sáng tạo [Như đổi mới về cách tiếp cận và nghiên cứu tài liệu, đổi mới việc tổ chức các Lớp học, từ tập trung sang trực tuyến, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ tin học để thực hiện việc giảng dạy và học tập, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí mà lại có thể gia tăng số lượng người tham dự…]; Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá chung thực trạng tại nhiều đơn vị vẫn còn một số tồn tại sau đây:
- Một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đến chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt Nghị quyết, nên công tác phối hợp tổ chức chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao;
- Chưa chú trọng việc liên hệ lý luận - thực tiễn, giải đáp thắc mắc còn hạn chế, thảo luận và đối thoại chưa nhiều, nặng về độc thoại, thông tin một chiều.
- Việc học tập, quán triệt còn dừng lại ở việc giới thiệu; Quá trình nghiên cứu, thảo luận, giải đáp thắc mắc thường bị bỏ qua do thời gian bố trí học tập ngắn, phương pháp tổ chức chưa phù hợp.
- Chưa chú trọng đúng mức việc kiểm tra, nhận xét, đánh giá kết quả học tập. Tình trạng người học còn làm việc riêng, không ghi chép diễn ra phổ biến, động cơ học tập chưa đúng đắn. Thực tế cho thấy vẫn còn một số Cán bộ, Đảng viên có tư tưởng ngại học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, nên chưa có sự chủ động, tích cực trong học tập.
- Việc triển khai Nghị quyết còn mang tính hình thức, thiếu sức thuyết phục; Phương pháp, cách thức truyền đạt và tiếp nhận thông tin còn hạn chế.
Một số đề xuất, kiến nghị đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt Nghị quyết
Nhìn chung, để khắc phục những hạn chế và thực hiện có hiệu quả việc học tập, quán triệt Nghị quyết, trước mắt cần chú ý khắc phục tình trạng học tập mang tính qua loa, kém chất lượng. Chỉ có nhận thức đúng đắn, hiểu rõ nội dung cốt lõi của Nghị quyết thì mới có Chương trình Hành động cụ thể, thiết thực; Nhất là Nghị quyết Chuyên đề đòi hỏi năng lực chuyên môn, trách nhiệm tham mưu cho Đảng bộ cấp trên. Và một vấn đề khác cần lưu ý là việc quán triệt, học tập Nghi quyết cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Từ những vấn đề này, Chi bộ đề xuất một số giải pháp chủ yếu như sau:
Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức học tập
Điều quan trọng của đổi mới phương thức, nội dung học tập, quán triệt là phải phù hợp với từng đối tượng; Hình thức cần đa dạng, linh hoạt; Tăng cường trao đổi, thảo luận trong quá trình học tập. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đơn vị, có thể thực hiện theo hướng sau:
Về nội dung: Nội dung cần được chuẩn bị kỹ, đảm bảo tài liệu phải được nghiên cứu sơ bộ trước khi trình bày. Đối với cán bộ chủ chốt cần đi sâu phân tích những nội dung, những điểm mới gắn với thực tiễn của đơn vị, đối với các đối tượng khác, tập trung vào những vấn đề cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, chú trọng liên hệ bản thân, nhằm tạo thông suốt về mặt nhận thức, tư tưởng. Trong thời gian tới, nội dung Nghị quyết không nên quá dài để Báo cáo viên dễ dàng hơn trong phân tích, đánh giá; Dành thời gian nhiều hơn trong truyền đạt nội dung gắn với liên hệ thực tiễn, nhằm tạo được sức lôi cuốn đối với người nghe.
Về hình thức: Hình thức học trực tuyến tuy có những lợi điểm lớn, nhưng vẫn có hạn chế nhỏ đó là khó triển khai việc thảo luận. Do vậy việc thảo luận cần đưa về đơn vị sau đó để triển khai sâu hơn, nhất là thảo luận để thông qua Chương trình Hành động. Đối với Cán bộ Chủ chốt cần đề cao phương pháp tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận và quán triệt những vấn đề có liên quan đến quan điểm, lý luận gắn với thực tiễn mà Nghị quyết đặt ra; Đối với Đảng viên ở cơ sở, tùy đặc điểm tình hình cụ thể mà chọn hình thức, phương pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người tham gia.
Về tổ chức: Việc tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong nghiên cứu, quán triệt; Tiếp tục ứng dụng công nghệ tin học trong tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết, cũng là những vấn đề cần được chú trọng. Hình thức trực tuyến nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng thông tin, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống, đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí và mở rộng đối tượng tham gia. Đối với các Cơ quan Truyền thông, cần có Chuyên mục về học tập Nghị quyết; Các Chuyên mục này cần được đổi mới thường xuyên về hình thức và nội dung. Mỗi Cán bộ, Đảng viên khi tham gia cần xác định đó chính là trách nhiệm và quyền lợi bản thân trong việc tiếp thu chủ trương, đường lối, ngõ hầu hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện, đưa Nghị quyết vào thực tiễn công tác tại đơn vị. Có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết cũng là một trong những cách hay để đưa Nghị quyết vào cuộc sống [Đảng bộ HFIC cũng từng áp dụng hình thức này trong thời gian qua]. Cùng với việc tích cực, chủ động tham gia học tập, mỗi Cán bộ, Đảng viên cần nêu cao tinh thần tự nghiên cứu, xem đây là một phương pháp quan trọng để có được hiểu biết sâu sắc về quan điểm đường lối, chủ trương của Đảng; Không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, đáp ứng điều kiện công tác trong thời kỳ mới.
Nâng cao chất lượng đội ngũ Báo cáo viên
Thông thường, các buổi học tập quán triệt Nghị quyết có phần khô khan, trình bày chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu của người học, vì vậy cần lựa chọn Báo cáo viên giới thiệu Nghị quyết thật sinh động. Báo cáo viên nếu có kiến thức rộng, chuyên môn sâu, kinh nghiệm thực tiễn phong phú sẽ làm cho Hội nghị học tập hấp dẫn hơn. Báo cáo viên cần đổi mới phương thức trình bày sao cho trực quan, sinh động, dễ hiểu, nhấn mạnh trọng tâm để người nghe dễ nhớ. Nếu Người đứng đầu Cấp ủy trực tiếp làm Báo cáo viên thì cũng rất tốt, nhất là trong vấn đề liên hệ thực tiễn đơn vị sẽ cụ thể và sâu sắc hơn. Hoặc nếu Người đứng đầu Cấp ủy có thể đảm nhận Phần trình bày Chương trình Hành động, gắn với giải đáp thắc mắc trong quá trình thảo luận, sẽ làm nâng cao hơn nữa sự nhận thức và hành động của mọi người. Cần quan tâm hơn nữa việc lựa chọn xây dựng đội ngũ Báo cáo viên, bảo đảm số lượng và chất lượng; Có phẩm chất, năng lực, uy tín và có phương pháp truyền đạt hấp dẫn, dễ hiểu. Báo cáo viên là người giải thích, truyền đạt Nghị quyết cho Cán bộ, Đảng viên và Nhân dân, vì vậy việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp, kịp thời cung cấp tài liệu cho họ là một vấn đề quan trọng. Người đứng đầu Cấp ủy nên trực tiếp báo cáo thì nội dung cốt lõi của Nghị quyết được vận dụng sát với đặc điểm, tình hình của đơn vị hơn, giúp người nghe dễ hiểu, dễ nhớ. Trường hợp Người đứng đầu Cấp ủy không đủ điều kiện nghiên cứu sâu thì mời Báo cáo viên, nhưng Báo cáo viên đó cần phối hợp với Người đứng đầu Cấp ủy trong phần trình bày Chương trình Hành động, nhằm kết hợp giải đáp thắc mắc trong quá trình thảo luận.
Vai trò của Cấp ủy trong công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết
Có thể nói vai trò của Cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết là rất quan trọng; Cấp ủy cần quan tâm đúng mức công tác tổ chức chỉ đạo học tập Nghị quyết, tham dự xuyên suốt quá trình học tập. Các đơn vị cần xây dựng Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết mang tính khả thi, sát với tình hình thực tiễn của đơn vị; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch, Chương trình hành động đã đề ra. Mặt khác, Cấp ủy cần thường xuyên giáo dục tư tưởng, nâng cao ý thức tự giác trong học tập, nghiên cứu, thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của đơn vị mình. Cấp ủy cần nghiên cứu, nắm vững nội dung, kế hoạch và hướng dẫn học tập Nghị quyết, từ đó xây dựng Chương trình Hành động phù hợp. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến việc lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị, thông báo để Cán bộ Đảng viên chuẩn bị, bố trí công việc, theo học đầy đủ.
Về Bài thu hoạch
Để Nghị quyết được quán triệt và thực hiện hiệu quả, việc viết Bài Thu hoạch là một khâu quan trọng. Bài Thu hoạch phải là sự kết hợp giữa việc tự nghiên cứu với nghe giảng tại lớp, kết hợp với thảo luận, trao đổi, thông qua Chương trình Hành động của Cấp ủy; Viết Bài thu hoạch không chỉ thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn thể hiện quyền chính trị của họ trong việc tham gia xây dựng Kế hoạch, Chương trình Hành động. Bài Thu hoạch cần được đầu tư, nhận thức sâu hơn về các Nghị quyết; Mở rộng phần liên hệ thực tiễn của bản thân gắn với đơn vị. Sau mỗi đợt tổ chức học tập, quán triệt, các Cấp ủy cần chỉ đạo theo dõi việc viết Bài thu hoạch, tránh sao chép hoặc đối phó.
Việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Việc Nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất lớn ở khâu xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình, Kế hoạch hành động. Đây là một trong những yếu tố có tính quyết định, do đó không được xem nhẹ. Thời gian qua, chúng ta có chú trọng vấn đề này nên đã tạo được những chuyển biến tích cực, tuy nhiên so với yêu cầu vẫn còn nhiều tồn tại. Vì vậy, sắp tới cần phải đầu tư, huy động nguồn lực để khắc phục mặt hạn chế. Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết phải được cụ thể hóa bằng các Chỉ tiêu, Nhiệm vụ, Giải pháp, đồng thời có sự phân công và quy định thời gian thực hiện chi tiết; Thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình đơn vị. Cấp ủy cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình Hành động, đưa hoạt động này vào nề nếp, khắc phục việc học tập, quán triệt Nghị quyết nặng về hình thức.
Tóm lại, trong giai đoạn hiện nay, trước tình hình thông tin đa dạng, phong phú và nhanh chóng, yêu cầu của việc triển khai, quán triệt Nghị quyết càng trở nên cấp thiết. Các giải pháp trọng tâm có thể tóm lược như sau: Khẳng định vai trò quan trọng và nêu gương của Người đứng đầu Cấp ủy trong việc trực tiếp chủ trì, đôn đốc, kiểm tra chỉ đạo việc tổ chức học tập nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết; Chi bộ cơ sở phải thường xuyên thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng đối với Cán bộ, Đảng viên về ý thức tự giác học tập, tự nghiên cứu và tích cực tham gia thảo luận Nghị quyết, Kế hoạch thực hiện của đơn vị. Tiếp tục đổi mới phương thức học tập, quán triệt Nghị quyết phù hợp với điều kiện của đơn vị; Hình thức tổ chức học tập, tuyên truyền cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình của mỗi tổ chức. Trong học tập phải dành thời lượng phù hợp cho thảo luận Nội dung Nghị quyết và Chương trình Hành động của đơn vị. Nhân dịp này, Cấp ủy kêu gọi Đảng viên Chi bộ cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc Quy định số 54-QĐ/TW về Chế độ Học tập Lý luận Chính trị trong Đảng.
Chi bộ TDH