Môi trường thuận lợi, doanh nghiệp, người dân sẽ đầu tư nhiều
Tôi nghĩ nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều khó khăn bởi thế giới vẫn đang đối phó với dịch bệnh COVID-19 và nhiều biến động khác. Còn trong nước, như văn kiện trình Đại hội XIII nhận định, động lực tăng trưởng không còn như trước. Vì vậy, việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh và kiến tạo một môi trường kinh doanh an toàn trên cơ sở thay đổi vai trò, công cụ quản lý, chức năng và năng lực của Nhà nước là động lực rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chúng ta có hy vọng để tin rằng: Nếu thực hiện tốt những gì Đại hội XIII đề ra, nhất là trong chiến lược 2021 - 2030, doanh nghiệp, người dân sẽ càng đầu tư nhiều hơn, lớn hơn, dài hạn hơn. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần tiếp tục xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN; hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn KTTN, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Để nền kinh tế có động lực tăng trưởng, Việt Nam cần có cơ chế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Việt Nam cần hệ thống đổi mới sáng tạo Quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Để trở thành miền đất hứa, Việt Nam cần tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để bảo vệ sự sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.
Đổi mới sáng tạo, kinh tế số cũng phải trông chờ vào khu vực tư nhân
Nhiệm kỳ mới chắc chắn sẽ có sự thay đổi. Dư địa cho cách thức tăng trưởng dựa vào sự thâm dụng không còn nhiều, trong khi bối cảnh hiện nay đã thay đổi, với sự xuất hiện nhiều hơn của công nghệ, khoa học kỹ thuật, của làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam không thể thỏa mãn với một mô hình cũ.
Dự thảo Văn kiện Đại hội lần này cũng nhắc rất nhiều về tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, trong khi những lần trước không có. Những Đại hội lần trước đã đề cập việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nhưng chưa có giai đoạn nào, những đột phá, trụ cột trong mô hình tăng trưởng được nhắc nhiều và quyết liệt như lần này.
Trong nhiệm kỳ qua (2016 - 2020), năm 2017, lần đầu Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển KTTN. Tôi cho rằng, khu vực KTTN luôn năng động, sáng tạo và người dân có ý thức làm giàu nên sẽ tiếp tục phát huy vai trò trụ cột trong giai đoạn tới. Phần lớn sân chơi cần được chuyển cho kinh tế tư nhân. Không phải ngẫu nhiên, nhiệm kỳ vừa rồi, Chính phủ kêu gọi phong trào khởi nghiệp, đó là Chính phủ đã hiện thực hóa chủ trương phát triển thành phần KTTN của Đảng.
Những định hướng của chu kỳ kinh tế mới, như đổi mới sáng tạo, kinh tế số cũng phải trông chờ vào khu vực tư nhân. Bởi không giống như khu vực Nhà nước vốn được bao bọc, hỗ trợ, khu vực tư nhân đi lên từ những doanh nghiệp mới khởi sự, họ buộc phải xoay xở và khi bị dồn ép tới giới hạn, họ buộc phải sáng tạo, tìm tòi những điều mới. Nếu không có Uber, Grab vào Việt Nam, taxi truyền thông có tạo ra các ứng dụng gọi xe? Nếu không có làn sóng bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt của các công ty tài chính Fintech, ngân hàng có đưa ra các ứng dụng tốt như hiện nay?
Có thêm ‘cửa’ vay vốn rẻ cho doanh nghiệp nhỏ
Tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, Việt Nam tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, lớn mạnh về quy mô, nâng cao về chất lượng.
Chúng ta xác định các mục tiêu cụ thể không chỉ trong nhiệm kỳ khoá XIII, mà hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới: Đó là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Những chỉ tiêu trên thể hiện Việt Nam có những kỳ vọng khá cao cho sự phát triển của đất nước. Vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng, được coi là động lực phát triển nền kinh tế. Các chủ trương tốt rồi nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ vừa và nhỏ (DNNVV) trong đó, DNNVV chiếm đến 98,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) và tạo công ăn việc làm cho hơn 5 triệu lao động.
Mặc dù đã có nhiều cải cách, bổ trợ cứu DNNVV nhưng chưa đủ. Vì vậy tôi mong mỏi, nhiệm kỳ mới, dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng cần phải cải tổ toàn diện về mặt thể chế, cải cách môi trường kinh doanh, các quy định pháp luật; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn Nhà nước, phát triển mạnh vai trò của nền KTTN.
Ảnh đại diện: TS. Nguyễn Đình Cung – Tổ trưởng Tổ tư vấn về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Minh Phương / (Tin tức/TTXVN)