Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công những cứ điểm của Pháp tại sân bay Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 4/1954. Chiến thắng của quân đội Việt Nam đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, khiến thế giới kinh ngạc về kỳ tích của một quân đội kém ưu thế hơn về khí tài quân sự trước nước Pháp.
Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là trận đánh lớn nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên, tỉnh Lai Châu, từ ngày 13/3 đến 7/5/1954 và cũng là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) của quân và dân Việt Nam.
Những người lính chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ cùng thảo luận kế hoạch tác chiến với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (áo đen) vào tháng 3/1954. 17h30 ngày 13/3/1954, Đại tướng ra lệnh nổ súng. Đợt tấn công đầu tiên diễn ra từ ngày 13/3 đến 17/3. Sau 5 ngày, quân ta làm chủ Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến trong chiến dịch 61 năm trước. Ảnh: Getty.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỉ huy trưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" trong 3 ngày không chắc thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cân nhắc rất kỹ và quyết định chuyển sang phương án "đánh chắc, thắng chắc". Đây là sự lựa chọn sáng suốt, quyết định thành công của chiến dịch 56 ngày đêm. Ảnh: Getty.
Một máy bay Pháp rơi sau khi bị trúng pháo phòng không của bộ đội Việt Nam. Việc người Việt Nam có thể di chuyển những khẩu pháo vượt qua núi đồi và tiến vào các cứ điểm chiến thuật của Pháp khiến binh sĩ nước này kinh ngạc. Đợt 2 của chiến dịch bắt đầu từ ngày 30/3 đến 30/4, tiến công vào các cứ điểm phía đông. Đây là đợt giao tranh quyết liệt nhất giữa 2 bên.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng và động viên lực lượng phòng không sau một chiến thắng vào ngày 1/5/1954. Quân đội Việt Nam mở đợt tiến công lần 3 từ ngày 1/5 đến 7/5, đánh chiếm các cứ điểm còn lại. Đồi A1, cứ điểm kiên cố nhất, đến ngày 6/5 thất thủ và thuộc quyền kiểm soát của bộ đội ta.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi của bộ đội Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ là hoạt động của đoàn hậu cần. Họ sử dụng xe đạp thồ vượt qua những đường đèo hiểm trở, nơi xe bọc thép không thể đi qua, để vận chuyển vũ khí lương thực và nhu yếu phẩm tiếp tế cho các chiến sĩ ở tiền tuyến. Dân, quân tham gia đội hậu cần đến 260.000 người. Họ sử dụng hơn 20.000 xe đạp thồ, mỗi xe chở tới 200 kg hàng hóa.
Bộ đội Việt Nam phát loa kêu gọi binh lính Pháp đầu hàng. Bên cạnh các chiến lược tấn công, việc áp dụng biện pháp binh vận hiệu quả cũng góp phần vào chiến thắng của bộ đội Việt Nam, đồng thời giảm thương vong cho cả 2 bên.
Bộ đội pháo cao xạ trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Getty.
Cột khói bốc lên sau trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, ngày 13/3/1954. Ảnh: Getty.
Trực thăng Pháp sơ tán những binh sĩ bị thương trong trận chiến.
Bộ đội Việt Nam bắt tay một lính Pháp bị thương. Ảnh: Getty.
Binh lính Pháp giơ tay đầu hàng sau thất bại trước quân đội Việt Nam. Trải qua 3 đợt chiến đấu gay go và gian khổ liên tục trong 56 ngày đêm, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi vào ngày 7/5/1954.
Trên phương diện quốc tế, trận Điện Biên Phủ có một ý nghĩa rất lớn khi lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng quân đội của một cường quốc châu Âu. Chiến thắng cũng cổ vũ tinh thần giành độc lập của các thuộc địa ở châu Phi. Chiến dịch được xem là kết cục bất ngờ đối với thực dân Pháp, buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán và rút khỏi Đông Dương. (Những binh sĩ Pháp đầu hàng được áp giải đến nơi tạm giam).
Tướng De Castries, chỉ huy lực lượng Pháp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, và các sĩ quan cao cấp người Pháp ra đầu hàng quân đội Việt Nam vào ngày 7/5/1954.
17h30 ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam vẫy lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của chỉ huy lực lượng Pháp, tướng De Castries. Sau thất bại của quân đội Pháp, hội nghị Geneva bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương từ ngày 8/5/1954. Sau hội nghị, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Campuchia.
VOV.VN