|
Biển báo chuẩn bị đi vào Khu Di tích Minh Đạm |
Năm 1993 khu căn cứ Minh Đạm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Cách mạng. Minh Đạm hôm nay đã trở thành điểm du lịch lý tưởng cho nhiều loại hình như: Sinh thái, dã ngoại leo núi và du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử Cách mạng, giáo dục truyền thống Cách mạng cho thế hệ trẻ.
Mục đích chuyến đi của TDH không chỉ tham quan nghỉ dưỡng, mà còn tuyên truyền giáo dục cho CB-CNV trải nghiệm thực tế, tận mắt thấy được sự khốc liệt của chiến tranh, những gian lao vất vả của các chiến sĩ với cuộc sống trong hang núi, và thấy rõ sự kiên trì, anh dũng của quân dân “Đất đỏ”.
|
Đoàn TDH chụp ảnh lưu niệm trước Cổng vào Đền thờ Liệt sĩ
|
Điểm đầu tiên viếng thăm là Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Minh Đạm - Được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của chiến sĩ, đồng bào đã chiến đấu, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Có hơn 2.692 liệt sĩ của hai Huyện Long Điền, Đất Đỏ được ghi công. Trong không khí tôn nghiêm, Đoàn đã mặc niệm và dâng hương lên các anh hùng liệt sĩ.
|
Lễ dâng hương và đặt Vòng hoa tại Đền Thờ Liệt sĩ |
|
Đ/c Phạm Thị Thanh Bình, Bí thư Chi bộ, PTGĐ, Trưởng Đoàn, đang dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ |
Phía trước Đền Thờ chính là hai tháp chiêng trống; Phòng truyền thống bên cạnh gian chính trưng bày di ảnh cán bộ, chiến sĩ gắn bó với Minh Đạm và những kỷ vật sử dụng trong chiến đấu, sinh hoạt.
|
Cảnh quan Đền thờ các Anh hùng, Liệt sĩ Minh-Đạm |
Khu căn cứ được chia thành 4 khu vực chính là Khu Đá Chẻ, Chùa Giếng Gạch, Khu Châu Viên và Khu Đá Giăng. Các Hang và địa điểm được đặt theo tên của các đơn vị đóng quân. Trên núi Minh Đạm có hơn 300 hang lớn nhỏ, nhưng 4 Hang chính được đưa vào lộ trình tham quan, khám phá gồm Hang Huyện ủy, Hang Huyện đội, Hang Quân Y, và Thị xã cấp.
|
Bảng chỉ dẫn đường lên Hang Huyện ủy và Hang Quân Y |
Núi Minh Đạm (trước kia có tên gọi là Châu Long-Châu Viên) là nơi có rừng cây um tùm, nhiều hang đá, là căn cứ kháng chiến của quân dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1948, để tưởng nhớ hai vị Bí thư Huyện ủy Long Đất là Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm đã anh dũng hy sinh dưới chân núi, nhân dân nơi đây đã đổi tên núi thành Minh-Đạm.
Các Hang chính làm nơi ẩn nấp đánh giặc cũng được tôn tạo, có bảng chỉ dẫn, lối lên xuống bê tông dạng bậc thang, dễ dàng di chuyển, khung cảnh rất đẹp, không khí trong mát. Có đội ngũ thuyết minh truyền tải đến khách tham quan thông tin về Minh Đạm.
|
Đoàn đang lắng nghe người thuyết trình tại Đền thờ Liệt sĩ |
Rời Đền thờ Tưởng niệm Liệt sĩ, Đoàn theo hướng dẫn viên tiến vào Khu Hang sa bàng.
Hòn Đá Chẻ là một trong những điểm cao nhất trên dãy Minh Đạm. Từ độ cao này sẽ có được tầm nhìn rộng mở, dễ dàng bao quát vùng đồng bằng, vùng biển, và xa hơn là nhìn thấy các cửa ngõ Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, Lộc An và Xuyên Mộc.
|
Đoàn TDH đang tiến vào Hang Quân Y |
|
Cửa ngõ tiến vào Hang Huyện Ủy |
Rời Khu Hang sa bàng, Đoàn chuyển đến khu vực Bãi biển Thùy Dương để tổ chức một số hoạt động tập thể chung, tắm biển và thư giãn. Sau đó, Đoàn rời Long Hải để tham quan mua sắm tại Chợ Phước Hải và kết thúc chương trình.
|
Đoàn TDH chụp ảnh lưu niệm tại Bãi Thùy Dương, Long Hải |
“…Trong danh sách liệt sĩ ở Minh Đạm, tôi thấy có nhiều người hy sinh khi còn rất trẻ; Đến nơi này, chúng ta càng thêm trân trọng giá trị của hai chữ Hòa Bình, tôi cho rằng việc hiểu biết thêm về Di tích Lịch sử sẽ nuôi dưỡng trong lòng nhân dân tình yêu quê hương Tổ quốc, nuôi dưỡng ý thức trân trọng, giữ gìn, và phát huy giá trị truyền thống thiêng liêng của các thế hệ đi trước…” – Một thành viên trong Đoàn đã phát biểu cảm tưởng sau chuyến đi. Bài và ảnh: Chi bộ TDH