Theo đó, mức thưởng tết cao nhất lên đến 2,028 tỉ đồng thuộc về 1 người lao động ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mức thưởng cao nhất này gấp gần 4 lần mức thưởng tết cao nhất của tết Ất Mùi 2015. Năm nay, mức thưởng tết Nguyên đán cao nhất ở doanh nghiệp FDI là 487 triệu đồng, cao hơn 180 triệu đồng so với mức thưởng tết cao nhất ở doanh nghiệp FDI vào tết 2015. Cũng trong khối này, mức thưởng thấp nhất là 3 triệu đồng/người.
Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh, công ty cổ phần không có vốn nhà nước có mức thưởng tết Nguyên đán cao nhất là 600 triệu đồng/người; trung bình 5,9 triệu đồng/người và thấp nhất là 3,4 triệu đồng/người.
Còn khối doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, mức thưởng tết Nguyên đán cao nhất đạt 303,5 triệu đồng/người, bằng cùng kỳ. Tiền thưởng bình quân của người lao động trong khối này đạt 13,3 triệu đồng và thấp nhất là 4 triệu đồng/người.
Tại các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, mức thưởng tết cao nhất là 70 triệu đồng/người; trung bình 8,8 triệu đồng/người và thấp nhất là 4 triệu đồng/người.
Về tiền lương năm 2015, ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động – Tiền công – Tiền lương Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, mức lương cao nhất đạt 705 triệu đồng/người/tháng do doanh nghiệp FDI trả cho người lao động. Đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, lương cao nhất là 60 triệu đồng/người/tháng.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Trần Ngọc Sơn, các mức thưởng cao thuộc về các doanh nghiệp ngành tài chính – ngân hàng, bao bì – nhựa, dầu khí, dược phẩm. Đây là sự “đổi ngôi” so với dịp tết 2015 khi các mức thưởng cao nhất trước đó thuộc về các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, sản xuất bao bì, hàng điện tử. Năm nay, các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn vẫn tiếp tục có các mức thưởng tương đối thấp. Nhìn chung, các mức thưởng tết Bính Thân 2016 cao hơn Tết Ất Mùi 2015 và mức thưởng trung bình là 1 tháng lương.
Trong 1.216 doanh nghiệp báo cáo về lương thưởng tết, có 215 doanh nghiệp (chiếm gần 18%) phản ánh gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng dịp tết. Nguyên dân, do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn trong năm, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ… Sở LĐTB-XH TPHCM cũng ghi nhận, có 696 doanh nghiệp (chiếm 57%), bên cạnh việc thưởng tết cho người lao động còn có thêm nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động như tặng quà, tổ chức xe đưa đón.
ĐƯỜNG LOAN