Đổi mới vì người lao động.

02/03/2016
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã làm việc cùng LĐLĐ TP HCM về thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn (CĐ) TP vào sáng 1-3-2016.

Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ là ưu tiên của tổ chức Công đoàn TP HCM trong bối cảnh hội nhập

Tham dự buổi làm việc có ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP; ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hồng; Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP; bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.

Quyết liệt xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm
Báo cáo tóm tắt kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X CĐ TP HCM do ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, trình bày đã khẳng định những thành quả nổi bật của các cấp CĐ trong công tác chăm lo, đại diện và bảo vệ quyền lợi CNVC-LĐ.
Với tinh thần năng động, sáng tạo, hướng hoạt động vào mục tiêu ổn định việc làm và đời sống người lao động (NLĐ), LĐLĐ TP HCM đã cụ thể hóa chương trình chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVC-LĐ bằng những biện pháp cụ thể. Trong đó, điểm nhấn là hoạt động chăm lo Tết với nhiều chương trình phong phú, thiết thực như: “Tấm vé nghĩa tình”, “Đấu giá ảnh gây quỹ hỗ trợ CNVC-LĐ khó khăn”…, góp phần hỗ trợ hơn 1,8 triệu lượt CNVC-LĐ khó khăn với kinh phí hơn 2.100 tỉ đồng. Bên cạnh đó, LĐLĐ TP còn cùng các ngành chức năng triển khai hàng loạt giải pháp nhằm ổn định tình hình quan hệ lao động. Nhờ vậy, tranh chấp lao động (TCLĐ) tập thể có xu hướng giảm.
Đánh giá cao nỗ lực của tổ chức CĐ TP HCM, các thành viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam liên tục đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề quan hệ lao động. Ông Mai Đức Chính nêu hàng loạt vấn đề: “Từ năm 2013 đến nay, TP xảy ra 265 vụ TCLĐ. Số vụ TCLĐ về quyền hay lợi ích nhiều hơn? Vì sao chỉ có 8,7% thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) được phân loại? Tổ chức CĐ TP có gặp khó khăn gì trong việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT? Tình trạng nợ BHXH tại TP đang ở mức báo động, LĐLĐ TP có những kiến nghị, giải pháp gì?”.
Ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết nguyên nhân các vụ TCLĐ chủ yếu liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, tăng ca (145 vụ, chiếm 55%) và lợi ích của NLĐ (120 vụ, chiếm 45%). Về phân loại TƯLĐTT, theo ông Nam, do số lượng TƯLĐTT của TP HCM rất nhiều nên LĐLĐ TP chọn ra 10% để đánh giá thí điểm. Số doanh nghiệp (DN) nhỏ (dưới 20 lao động) chiếm tỉ lệ rất lớn nên gây khó khăn cho CĐ cấp trên trong việc đôn đốc ký kết TƯLĐTT hoặc tổ chức đối thoại.

“LĐLĐ TP đang thí điểm ký kết TƯLĐTT ở những nhóm ngành nghề, đồng thời tư vấn thương lượng cho các DN nhỏ và quá nhỏ nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ” - ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, bổ sung.

 
 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với LĐLĐ TP. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 

LĐLĐ TP HCM cho biết đến hết tháng 1-2016, có 12.911 DN nợ BHXH 1.228 tỉ đồng. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ, LĐLĐ TP đã kiến nghị BHXH kiện ra tòa 2.013 DN với số tiền nợ 545 tỉ đồng. Kết quả, 365 DN đã trả 192 tỉ đồng nợ BHXH. Các DN (chưa khởi kiện) cũng trả thêm 232 tỉ đồng.
Chia sẻ khó khăn của tổ chức CĐ TP HCM, ông Mai Đức Chính góp ý: “Tỉ lệ DN tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại, ký kết TƯLĐTT còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Do vậy, LĐLĐ TP phải có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để hoàn thành 65% DN ký kết TƯLĐTT, trong đó 80% TƯLĐTT có lợi cho NLĐ”.
Theo ông Mai Đức Chính, việc xử lý DN chây ì cần phải làm mạnh tay và quyết liệt. Trong đó, cơ quan BHXH cần tăng cường thanh tra, xử phạt DN chây ì; tổ chức CĐ chủ động khởi kiện DN trốn đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH sửa đổi năm 2014.

Kiện toàn tổ chức, chăm lo cho con công nhân
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu khó khăn của tổ chức CĐ TP HCM liên quan đến công tác tổ chức, bố trí cán bộ, xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ NLĐ.
Liên quan đến công tác bố trí cán bộ CĐ chuyên trách tại các DN có 1.000 lao động, ông Kiều Ngọc Vũ cho biết TP đã bố trí được 47 cán bộ chuyên trách tại các DN của KCX-KCN có trên 1.000 lao động. Trong đó, 40 cán bộ CĐ đã tham gia ban chấp hành, ban thường vụ CĐ cơ sở và có 7 người chỉ là cán bộ chuyên trách, chưa tham gia ban chấp hành nên không thể thương lượng với DN. “Mức lương cao nhất của cán bộ CĐ chuyên trách chỉ 7 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 5 triệu đồng/tháng. Chế độ đãi ngộ thấp là nguyên nhân khiến tổ chức CĐ khó thu hút cán bộ giỏi” - ông Vũ lý giải.
Báo cáo với lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam về những giải pháp đã thực hiện nhằm giải quyết vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân (CN), bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết TP đã đưa ra chương trình thí điểm giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi. Theo đó, tiến độ thực hiện là năm 2014-2015, thí điểm ở 8 quận, huyện; năm 2015-2016, thí điểm ở 12 quận, huyện. Đến năm 2016-2017, 24/24 quận, huyện có nơi giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi cho con CN. Tại các KCX-KCN, KCN Vĩnh Lộc đã có nhà trẻ cho con CN và đang xây dựng thêm 1 nhà trẻ. Song song đó, TP cũng có chính sách đào tạo và hỗ trợ lương cho các giáo viên mầm non.
Đánh giá cao nỗ lực của tổ chức CĐ TP HCM, ông Tất Thành Cang lưu ý trong xu thế hội nhập, hoạt động CĐ phải đi vào chiều sâu, thực chất, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nguyện vọng của CNVC-LĐ. “LĐLĐ TP phải đặc biệt chú ý bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở. Muốn thu hút CN, cán bộ CĐ phải am hiểu luật pháp, có kỹ năng vận động, chủ động đeo bám cơ sở để kịp thời hỗ trợ, can thiệp và bảo vệ NLĐ” - ông Cang nhấn mạnh.

Ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM:
Phải thực hiện tốt chức năng đại diện
Xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước đòi hỏi tổ chức CĐ phải thay đổi về mô hình hoạt động để đáp ứng tình hình thực tế, tạo bước đột phá trong hoạt động.
Trước mắt, ưu tiên hàng đầu của tổ chức CĐ là cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ. Không chỉ am hiểu về luật pháp, họ cần có khả năng thương lượng, đối thoại với chủ DN. Trong mọi hoạt động, đội ngũ cán bộ CĐ cần phải thể hiện tinh thần đồng hành, hợp sức cùng DN để ổn định việc làm và thu nhập cho CN.
Sắp tới, quá trình tái cơ cấu DN sẽ diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập của NLĐ. Do vậy, tổ chức CĐ TP phải làm thật tốt chức năng đại diện, không để NLĐ bị thiệt thòi hay mất việc làm.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ Tịch Tổng LđlĐ Việt Nam:
Chuẩn hóa đội ngũ công nhân
Năm 2016, LĐLĐ TP HCM phải xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết XII của Đảng và Nghị quyết X của TP HCM, khắc phục những tồn tại, đưa hoạt động CĐ đi vào chiều sâu, thực chất. Đặc biệt, để thực hiện nghị quyết về nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, nếu phát hiện DN có bữa ăn giữa ca dưới 15.000 đồng, CĐ cơ sở báo lên CĐ cấp trên để tổ chức đình công, bảo đảm sức khỏe lâu dài cho CN.
Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chính là thời cơ để tổ chức CĐ đổi mới toàn diện các hoạt động. Do vậy, mỗi cán bộ CĐ phải là thủ lĩnh phong trào. Bên cạnh đó, để giúp CN tự tin hơn trong quá trình hội nhập, tổ chức CĐ phải có nhiều giải pháp để hỗ trợ họ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là xây dựng tác phong công nghiệp cho NLĐ. H.Đào - T.Nga ghi
 
Góc nhìn
Thách thức và kỳ vọng
Nâng cao năng lực, bản lĩnh thương thảo cho đội ngũ cán bộ Công đoàn (CĐ) cơ sở, giúp họ đủ sức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ); từng bước chuẩn hóa đội ngũ công nhân. Đó là lưu ý đặc biệt quan trọng của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy TP HCM với tổ chức CĐ TP tại buổi làm việc sáng 1-3.
TP HCM là một đô thị năng động, là hình mẫu của cả nước ở tất cả lĩnh vực. Với tinh thần năng động, sáng tạo, biết hướng mục tiêu hoạt động vì đời sống, việc làm của NLĐ, hàng chục năm qua, tổ chức CĐ TP luôn là chỗ dựa tin cậy của Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là CNVC-LĐ. Thật vậy, các phong trào do tổ chức CĐ TP khởi xướng luôn có sức hút đặc biệt đối với CNVC-LĐ và nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Dĩ nhiên, để có được thành quả, đặc biệt là sự tin yêu của CNVC-LĐ, tổ chức CĐ TP không ngừng đổi mới cách nghĩ, cách làm, lấy mục tiêu chăm lo, bảo vệ NLĐ là tôn chỉ cho mọi hoạt động. Từ sự hình thành của Quỹ Trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP) đến Giải thưởng Tôn Đức Thắng hay các chương trình chăm lo có sức lan tỏa như “Trái tim nghĩa tình”, “Tấm vé nghĩa tình”, hơn ai hết, tổ chức CĐ luôn ý thức một điều: Chỉ có làm tốt công tác đại diện, chăm lo cho NLĐ thì mới có được chỗ đứng vững chắc trong lòng NLĐ.
Biết lo trước cái lo của NLĐ và linh hoạt điều chỉnh, định hướng hoạt động phù hợp với tình hình, điều đó cũng lý giải vì sao hoạt động CĐ TP HCM luôn là đầu tàu cả nước. Nhiều mô hình, cách làm hay của tổ chức CĐ TP được Đảng và nhà nước đánh giá cao, được nhân rộng trong cả nước, điển hình như hoạt động của “Tháng Công nhân”.
Theo dõi sát sao những bước chuyển mình mạnh mẽ ấy của tổ chức CĐ TP HCM, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng tinh thần dám nghĩ dám làm của đội ngũ CĐ TP là chất men tạo nên thành công. Tuy nhiên, để đáp ứng kỳ vọng của CNVC-LĐ, người đứng đầu tổ chức CĐ cả nước lưu ý CĐ TP cần phải đổi mới toàn diện, bắt đầu từ chính đội ngũ cán bộ. “Để xây dựng uy tín cho tổ chức, mỗi cán bộ CĐ phải thể hiện cho được vai trò thủ lĩnh, dám thể hiện tinh thần dấn thân, vì đời sống, việc làm của NLĐ” - ông gửi gắm.
Xu thế hội nhập cũng đặt ra yêu cầu tổ chức CĐ phải làm tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Đó cũng là lý do vì sao Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng yêu cầu tổ chức CĐ TP phải thay đổi mạnh mẽ mô hình, phương pháp hoạt động để đáp ứng tình hình thực tế và tạo bước đột phá về chất. “Ưu tiên hàng đầu của tổ chức CĐ là nâng cao trình độ, bản lĩnh, nhất là năng lực đại diện cho đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở. Để bảo vệ có hiệu quả quyền lợi NLĐ, cán bộ CĐ phải tinh thông luật pháp và đủ sức thương lượng với chủ doanh nghiệp” - ông lưu ý.
Những lưu ý, kỳ vọng của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy TP HCM cũng chính là thách thức của phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ TP. Khánh Lê

HỒNG ĐÀO - BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

 

Các tin liên quan